Cục diện Ukraine: Nga-EU đang lưỡng bại câu thương

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
EU nói cần phải tăng trừng phạt với Nga, Nga đáp trả rằng sẵn sàng trả đũa. Trong cục diện ấy, khi hai bên tương tàn, ai sẽ là kẻ thủ thắng?
Cục diện Ukraine: Nga-EU đang lưỡng bại câu thương
Thủ tướng Đức Angela Merkel

Những tuyên bố hằn học

Những đòn trừng phạt mà EU áp dụng tới nền kinh tế Nga đã bắt đầu phát huy tác dụng, và ngược lại, sự trả đũa mà Nga tung ra cũng bắt đầu khiến EU xây xẩm. Trong bối cảnh sự trừng phạt không tạo được sức ép như mục đích mong muốn, không còn đường nào khác, EU buộc phải tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đứng đầu nền kinh tế đầu tàu châu Âu hôm 18/8 đã tuyên bố trừng phạt Nga là một hành động đáng tiếc, nhưng cần thiết. Và nếu Nga không có cái nhìn đúng đắn và thái độ tích cực về vấn đề Ukraine, EU sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Trước tuyên bố của Thủ tướng Đức Merkel, ngày 15/8, liên minh châu Âu họp tại Bỉ cũng đã đồng thuận cho việc gia tăng trừng phạt nếu Nga không thay đổi thái độ về vấn đề Ukraine. Hiện tại phương Tây đang áp dụng trừng phạt kinh tế Nga ở các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính.

Đến thời điểm này thì đại đa số thành viên EU đã buộc phải chung lưng đấu cật với nhau để trừng phạt Nga. Bởi tại thời điểm cách đây gần 2 tháng, trước ngày 1/7/2014, khi lệnh ngừng bắn của Tổng thống Ukraine Poroshenko hết hiệu lực, EU vẫn hi vọng vào một giải pháp chính trị và ngoại giao bốn bên Nga, Pháp, Đức, Ukraine sẽ giải quyết được vấn đề.

Thực tế, EU không muốn trừng phạt Nga, bởi hai nền kinh tế này đang gắn với nhau bằng những lợi ích chặt chẽ và những mối tương tác thương mại giữa hai bên. Đoạn tuyệt với Nga đồng nghĩa với việc EU thiệt thòi không kém.

Tuy nhiên, phương Tây không xuống nước, Nga bảo tồn lập trường, Ukraine nội chiến… những điều đó đã khiến EU buộc phải tìm đến trừng phạt kinh tế hòng gây sức ép lên phía Nga. Và một khi đã chót đâm lao thì đành phải theo lao.

Nhưng đối thủ của EU lúc này là một cường quốc có vị thế chính trị và tiềm lực kinh tế. Đặc biệt, lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin không phải là người ưa thỏa hiệp và dễ bị đe dọa. Ngược lại, Vladimir Putin thích lối chơi áp đặt hơn.

Đó là lý do vì sao khi Thủ tướng Đức vừa tuyên bố trừng phạt là đáng tiếc nhưng cần thiết, thì nước Nga ngày 19/8 lập tức có tiếng nói phản pháo. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang sẵn sàng trả đũa bất kỳ hành động trừng phạt bổ sung nào từ phương Tây.

Tập đoàn năng lượng quốc gia Rosneft của Nga giảm sút khả năng huy động vốn và trả nợ tín dụng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây

Theo ông Peskov, Moscow có rất nhiều sự lựa chọn cho động tác trả đũa. Moscow khẳng định họ luôn tán thành phương pháp giải quyết chính trị và ngoại giao, nhưng không quên chỉ trích đối phương đã không có những hành động mang tính xây dựng.

Chưa bên nào chịu xuống nước, đòn thù và những lời hằn học dành cho nhau hứa hẹn cả hai bên, EU và Nga đang lao vào một cuộc chiến kinh tế đầy khốc liệt.

Lưỡng bại câu thương

Hai thế lực Nga và EU đang lao vào tương tàn mà không cần quan tâm đến thiệt hơn. Vậy hãy cùng điểm lại những hậu quả mà chỉ gần một tháng trừng phạt lẫn nhau cả hai bên đều hứng chịu.

Hiện tại Nga đang trả đũa EU bằng việc cấm nhập khẩu lương thực, nông sản. Và ngay lập tức, thị trường tiêu dùng của Nga chịu tác động. Theo Phó Giám đốc viện Kinh tế Nga, ông Sergei Markov, giá lương thực của Nga đã tăng vọt khi những mặt hàng lương thực giá rẻ, đa dạng của châu Âu không được nhập khẩu. Thậm chí, hiện tượng khan hiếm lương thực còn gây ra những tác động rất tiêu cực tới xã hội.

Trong khi đó, đại gia ngành năng lượng của Nga là tập đoàn năng lượng quốc gia Rosneft ngày 15/8 đã đề nghị chính phủ cho vay tới 42 tỷ USD để trả nợ. Bởi họ không thể huy động vốn đầu tư do chính những động thái trừng phạt của phương Tây.

Còn phương Tây, trước sự trả đũa của Nga, EU đang lâm vào một nguy cơ khủng hoảng thừa với mặt hàng nông sản. Các chuyên gia kinh tế châu Âu cho hay, mỗi năm Nga nhập khẩu nông sản của EU với tổng giá trị khoảng 2 tỷ euro, còn với Mỹ là 1 tỷ euro. Năm 2012, châu Âu xuất khẩu sang thị trường Nga gần 30% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của toàn khối.

Nông sản Latvia ngập kho và không có đường tiêu thụ Việc Nga tuyên bố trả đũa vào thời điểm này đồng nghĩa với việc EU mất đi một bạn hàng quan trọng. Theo thông tin từ Ủy ban kinh tế châu Âu, các quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất là Ba Lan, Latvia, Séc, Hà Lan, Bỉ với ước tính trên 5 tỷ euro, toàn khối ước tính thiệt hại 12 tỷ euro.

Thậm chí, EU còn đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa nông sản khi trái cây ở một số quốc gia kể trên đang đúng mùa thu hoạch. Ví dụ như lê của Bỉ, 50% trong số đó xuất khẩu sang Nga. Hoặc các loại hoa màu, trái cây như cà rốt, cà chua, bắp cải, nấm, táo, lê, nho của châu Âu cũng rơi vào tình trạng thê thảm khi dư thừa và tụt giá nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, một số chuyên gia của Ủy ban châu Âu (EC) đã phải cảnh báo rằng nguy cơ về cuộc khủng hoảng thừa này sẽ tác động rất xấu đến xã hội châu Âu khi người nông dân bị đẩy vào tình cảnh thất bát. Trong bối cảnh nền kinh tế của khối chưa hồi phục sau tác động của cuộc khủng hoảng công, những đòn khủng hoảng liên tiếp như vậy sẽ khiến EU lao đao, thậm chí bất hòa.

Và minh chứng rõ nhất cho sự thiệt hại này, EU đã phải chi gấp 125 triệu euro hỗ trợ ngành nông nghiệp. Đồng thời nhiều nước thành viên còn yêu cầu rút lệnh trừng phạt nước Nga. Phần Lan thẳng thừng tuyên bố sẽ không có thêm trừng phạt nào cả từ chính quyền nước này.

EU không chỉ đứng trước nguy cơ tổn thất kinh tế mà còn tiềm tàng khả năng bất hòa giữa các quốc gia thành viên. Về lâu về dài, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào khi mùa đông sắp đến và Nga vẫn còn con bài tẩy là cấm vận khí đốt.

Ai thắng ai thua trong cục diện Ukraine?

Thắng thua đến thời điểm này chưa thể có lời đáp khi chiến sự ở Ukraine vẫn đang ở thế giằng co. Lối đánh du kích của phe ly khai hứa hẹn cuộc nội chiến này sẽ còn kéo dài năm nay qua năm khác như kịch bản tại Syria.

Người tị nạn Ukraine trên quốc lộ chờ những chuyến xe chạy sang Nga sơ tán Còn về kinh tế, người Nga đang tự an ủi mình rằng việc cấm vận nông sản EU sẽ tạo cơ hội thúc đẩy nông nghiệp nội địa phát triển. Còn EU vẫn duy trì niềm tin họ có thể đùm bọc, che chở cho nhau cho đến khi nước Nga khánh kiệt.

EU cũng khẳng định Nga càng cố chấp sẽ càng bị cô lập, Nga càng vùng vẫy sẽ càng sa vào bãi lầy do chính họ đặt ra ở Ukraine, và EU cũng có cơ hội thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga.

Nhưng người chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là những người lao động, là nhân dân ở những quốc gia này. Nông sản không có đường tiêu thụ, nông dân châu Âu sẽ là người rơi nước mắt. Giá cả lương thực tăng vọt, người tiêu dùng Nga sẽ phải điêu đứng. Và thiệt hại nặng nề nhất chính là nhân dân Ukraine.

Đất nước xinh đẹp ấy đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá nặng nề. Các thành phố triệu dân như Donetsk, Luhansk, Slavyansk... giờ chỉ còn chưa đến một nửa. Trong khi các trại tị nạn ở biên giới Nga ngày một nhiều lên.

Cảnh sát ở miền Đông được quyền nổ súng bắn vào chính người họ có nghĩa vụ bảo vệ. Các cường quốc chơi trò chơi chính trị, còn người dân đang phải chơi trò chơi sinh tử.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật