Cho vay tín chấp: Ngân hàng có nguy cơ mất trắng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Cơm lành, canh ngọt“ thì chẳng sao, nhưng khi DN làm ăn bết bát, không có khả năng trả nợ thì NH chỉ còn nước mất trắng nếu không đòi được.
Cho vay tín chấp: Ngân hàng có nguy cơ mất trắng
Ảnh minh họa

Đấy chính là lý do vì sao các NH rất ngại cho vay tín chấp, bởi chẳng biết nắm vào đâu để thu hồi vốn, khi có rủi ro xảy ra.

Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 25 về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm, trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động tiếp cận DN để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Còn đối với NHNN, chỉ thị nêu định hướng: khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.

Sốt ruột với tín dụng

Cuối tháng 7 vừa qua, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các TCTD tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Đây được xem là một trong những nỗ lực của Chính phủ và NHNN trong việc đẩy vốn ra nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Theo NHNN, 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ ở mức 3,68%. Mức tăng này quá thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng trên 10% của NHNN trong năm 2014.

Trước đó, đại diện NHNN cho biết để kích cầu tín dụng những tháng còn lại, NHNN đã xem xét và cho phép một số TCTD điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng năm 2014 và mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ.

Không chỉ sốt ruột với tăng trưởng tín dụng, Chính phủ còn lo tình trạng "dồn toa" tín dụng như những năm trước. Vậy nhưng, làm thế nào để bài toán tăng trưởng tín dụng phát huy tác dụng trong điều kiện nhu cầu vốn của nền kinh tế đang bị suy kiệt?

Theo báo cáo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng tăng thấp là do DN còn khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm 2014 chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ năm 2013. Thực tế này cho thấy rằng khu vực đầu tư tư nhân đang bị chèn ép và sụt giảm đáng lo ngại.

Với thực trạng này, giải pháp cho vay tín chấp có thể kích cầu tín dụng hay chỉ làm gia tăng rủi ro nợ xấu cho ngân hàng? Theo giới chuyên gia, giải pháp này cũng sẽ không khả thi, bởi để tăng trưởng tín dụng, Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ để lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thị trường phát triển.

"Cầu thị trường phải tăng thì DN mới bán được hàng và mới phát sinh nhu cầu vay vốn. Ngân hàng cũng nhìn thấy sự trôi chảy mới dám đẩy mạnh cho vay, chứ có khuyến khích kiểu gì mà cầu không có thì cũng rất khó đẩy mạnh cho vay", một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Bình luận về khuyến khích cho vay tín chấp của Chính phủ và NHNN, giới chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp và có nhiều khả năng sẽ giảm tiếp, còn nền kinh tế đang có những chuyển biến về chất, thị trường kỳ vọng về sự phát triển của hoạt động cho vay tín chấp. Tuy nhiên, để mở rộng cho vay tín chấp trong điều kiện hiện nay thì các TCTD chưa thể, vì còn quá nhiều rủi ro.

Nguy cơ mất trắng?

"Trong điều kiện kinh tế còn phục hồi chậm và đang đối mặt với nhiều rủi ro thì khả năng thực hiện hiệu quả dự án kinh doanh của DN cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Quan trọng hơn, khi hoạt động cho vay tín chấp, các TCTD không biết phải thu thập thông tin và đánh giá tín nhiệm khách hàng ở tổ chức đánh giá tín nhiệm nào", vị này bình luận.

Theo vị này, hiện các TCTD Việt Nam chỉ có kênh chính thống là sử dụng kết quả xếp hạng khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia cung cấp, nhưng kênh này chỉ có ý nghĩa tham khảo và tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh, tình trạng vay nợ của DN chứ không phải thông tin về chỉ số năng lực, tín nhiệm.

Trong khi đó, hoạt động cho vay của ngân hàng vốn nhiều rủi ro, những TCTD rất khó thu hồi nợ, ngay cả trường hợp khách hàng có tài sản thế chấp, mà nguyên nhân đơn giản là do khách hàng không còn khả năng thanh toán, việc bán tài sản thế chấp cũng mất nhiều thời gian. Vậy nên cho vay tín chấp còn rủi ro hơn nhiều đối với một ngân hàng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, trong trường hợp DN vay tín chấp của ngân hàng mà bị phá sản thì tài sản thanh lý cũng không ưu tiên cho khoản vay này.

"Trước hết là chi phí phá sản, chi phí cho người lao động sau đó mới đến chi phí cho các khoản nợ. Tuy nhiên, đối với chi phí cho các khoản nợ thì những khoản nợ có đảm bảo sẽ được ưu tiên xử lý trước rồi mới đến những khoản nợ thường. Do vậy, những khoản vay tín chấp này nếu muốn đòi được thì phải khởi kiện, nhưng thắng kiện rồi để làm gì khi mà DN không còn khả năng trả nợ?", ông Đức phân tích.

Tuy vậy, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng vẫn xem xét cho vay tín chấp nhưng trên cơ sở khách hàng thân thiết đang có khoản nợ tại ngân hàng và có phương án kinh doanh tốt, thiếu tài sản thế chấp.
Còn với những DN có nợ xấu mà có phương án kinh doanh tốt nhưng không phải là khách hàng thân thiết thì cũng rất khó vay, vì ngân hàng không kiểm soát được dòng tiền của DN đó. Thực tế, các ngân hàng vẫn chưa dám liều lĩnh mở rộng cho vay tín chấp một cách ồ ạt bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng việc các ngân hàng có cho vay hay không, DN có vay được hay không hãy cứ để cho quy luật thị trường tự quyết định. Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng họ không tin tưởng khách hàng nên không dám cho vay.

Nếu muốn DN vay được vốn theo tín chấp, Chính phủ có thể đưa ra chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể đối với ngân hàng, DN chứ chỉ kêu gọi như hiện nay thì sẽ rất khó khăn vì nợ xấu mà tăng lên, vốn mất thì chỉ có ngân hàng chịu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật