Bộ trưởng Phát hiện thực hóa giấc mơ gạo 900 USD/tấn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát vừa phê duyệt quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia đến năm 2020.
Bộ trưởng Phát hiện thực hóa giấc mơ gạo 900 USD/tấn
Ảnh minh họa

Trước đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát từng chỉ đạo thay vì trồng lúa bán 430 USD/tấn gạo thì thời gian tới cần hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao bán với giá 600 USD/tấn hoặc 900 USD/tấn gạo.

Nghiên cứu lúa gạo quốc gia

Cụ thể, tờ TTXVN đưa tin, Ban chỉ đạo chương trình này sẽ do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh làm trưởng ban.

Theo đó, Ban chỉ đạo này sẽ bao gồm các đơn vị liên quan như Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường; viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam; viện cây lương thực và cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Cục bảo vệ thực vật, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn… cùng các đơn vị Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty lương thực miền Nam.

Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia đến năm 2020 sẽ tập trung vào việc xây dựng chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia theo hướng đạt được mục tiêu, chất lượng cao, năng suất cao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Ban chỉ đạo cần tổ chức và chỉ đạo thực hiện chương trình nghiên cứu trọng điểm đạt kết quả tốt, phối hợp với các cơ quan có chức năng thẩm định, duyệt và phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho chương trình nghiên cứu trọng điểm lúa gạo quốc gia.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu kết quả của chương trình trọng điểm lúa gạo quốc gia đến năm 2020.

Cản trở từ Vinafood 1, Vinafood 2

Trước đó, tại hội nghị Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tổ chức ngày 5/8 tại Cần Thơ, Bộ trưởng Cao Đức Phát từng chỉ đạo, thay vì trồng lúa bán 430 USD/tấn gạo thì thời gian tới cần hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao bán với giá 600 USD/tấn hoặc 900 USD/tấn gạo.

Theo Bộ trưởng, để làm được điều đó, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân, xem thị trường cần gạo như thế nào rồi về đặt hàng nông dân trồng.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các công ty thành viên của Vinafood 2 phải xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương để có vùng nguyên liệu chất lượng, phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, về hoạt động của 2 Tổng Công ty Vinafood 1, Vinafood 2 đã có nhiều ý kiến đánh giá họ thực chất chỉ là con buôn lúa gạo và đề xuất xóa bỏ Vinafood 1, Vinafood 2.

Cụ thể, nêu quan điểm trên Đất Việt, GSVS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam nói thẳng, thực chất hoạt động của Tổng công ty lương thực Vinafood 1, 2 đã thể hiện vai trò con buôn kiếm lời khiến nông dân luôn bị thua thiệt.

Đồng quan điểm, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng chỉ thẳng, các Tổng công ty lương thực nắm hết thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phát triển theo cơ chế độc quyền kép: độc quyền thu mua và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, là rào cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam.

PGS TS Nguyễn Văn Nam - nguyên viện trưởng viện Thương mại cũng từng nêu quan điểm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt Nam chỉ có người nông dân còn các cơ quan xuất nhập khẩu gạo, công ty kinh doanh gạo như Vinafood 1, Vinafood 2 không góp được gì nhiều, thậm chí còn làm giảm cạnh tranh bằng cách tranh mua tranh bán và chèn ép nông dân.

"Theo tôi, còn độc quyền xuất khẩu gạo ở 2 Tổng công ty Vinafood 1, Vinafood 2 thì tham nhũng còn lớn hơn nữa, ăn chặn, bán quota còn lớn hơn nữa", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật