Năm 2008 - Năm vinh quang của thể thao Việt Nam

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 49 năm, giấc mơ Vàng của bóng đá Việt Nam thành hiện thực với chức vô địch AFF Suzuki Cup của đội tuyển nam; 42 năm lứa U-22 lại mang về chiếc Cúp Merdeka; đội tuyển nữ trở lại ngôi số 1 Đông Nam Á, U-19 nữ vượt qua vòng loại giải vô địch Á... năm 2008 đã trở thành một năm thành công vang dội của bóng đá nước nhà khi hàng loạt những kỷ lục được xô đổ trên đấu trường quốc tế.
Năm 2008 - Năm vinh quang của thể thao Việt Nam
Ảnh minh họa

Dĩ nhiên, với vị thế hàng đầu của mình, chiến thắng của đội tuyển nam quốc gia tại giải vô địch Đông Nam Á chính là điểm nhấn quan trọng nhất. Một cuộc hành trình cam go nhằm lấy vị thế của bóng đá Việt sau thất bại "muối mặt" tại SEA Games 24, với tân thuyền trưởng Calisto đã không thực suôn sẻ ở chặng mở đầu khi đội tuyển có đến... 10 trận không biết thắng!

Thậm chí cái mục tiêu sớm được đặt ra - vào chung kết AFF Suzuki Cup có thời điểm đã bị hoài nghi, thậm chí thay bằng những mục tiêu ngắn hạn kiểu như - 1 trận thắng, chứ chưa nói gì đến chức vô địch.

Thế nhưng, đội quân của Calisto càng chơi càng hay, đặc biệt là từ vòng bán kết khi lần lượt đánh bại ĐKVĐ Singapore, rồi gây sốc với chiến thắng ngay trên sân người Thái để rồi đăng quang ngôi vô địch trong trận cầu nghẹt thở vào đêm 28/12 tại sân Mỹ Đình.

49 năm, giấc mơ Vàng thành hiện thực và quan trọng hơn, bóng đá không chỉ còn là bóng đá mà thực sự trở thành niềm tự hào của cả dân tộc!

Dấu ấn thứ hai chính là chức vô địch Merdeka Cup của lứa U-22 nam! Cũng có độ dài đến gần nửa thế kỷ từ sau lần đăng quang của đội tuyển miền Nam Việt Nam. Chiến thắng này đã cho thấy tiềm năng lớn của bóng đá Việt Nam nếu được đầu tư, khai thác hiệu qua.

Trước đó, đội hình U-22 cũng đã "làm nóng" bằng chiếc cúp Merdeka tại Malaysia

Và rõ ràng nó càng trở nên có ý nghĩa hơn sau khi đội tuyển nam lên ngôi số 1 Đông Nam Á. Bởi chính lứa Olympic này lại đứng trước cơ hội để hiện thực hoá giấc mơ Vàng thứ 2 mang tên SEA Games 25!

Và không thể không nhắc đến sự trở lại ngôi Hậu của bóng đá nữ Việt Nam! Sau khi để tuột chức vô địch SEA Games 24 vào tay Thái Lan, cũng những gương mặt đó, cũng cái đội hình được xem là khủng hoảng đó, nhưng tuyển nữ Việt Nam đã trở lại là chính mình khi đánh bại cả 2 đối thủ hàng đầu ở khu vực là Myanmar và Thái Lan để rồi cán ngôi á quân giải Đông Nam Á mở rộng 2008 (thua Australia trong trận chung kết).

Thành công cả các cấp độ đội tuyển chính là dấu ấn lớn nhất để biến năm 2008 trở thành năm của bóng đá!

Và tấm HCB Olympic của Hoàng Anh Tuấn

Bên cạnh bóng đá, điểm nhấn lớn của TTVN 2008 chính là tấm HCB của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008 - tấm huy chương không chỉ giúp thể thao nước nhà tìm lại được vị trí chính xác trên bản đồ thể thao thế giới mà nó còn hé lộ ra bước đi mới từ những môn thể thao cơ bản thay vì chuyện mãi "quanh quẩn" với những thế mạnh cũ ở tầm khu vực...

Và Hoàng Anh Tuấn (bìa trái) với chiếc HCB Olympic

Cũng mang ý nghĩa như thế là bước thăng tiến đến chóng mặt của cây vợt cầu lông Tiến Minh khi giành suất chính thức tham dự Olympic 2008, hiện đã vươn lên xếp thứ 17 trong bảng xếp hạng cá nhân nam thế giới.

Rồi còn đó là ngôi vô địch thế giới của nữ hoàng Kata Nguyễn Hoàng Ngân; chức vô địch áp đảo của đội tuyển cờ Vua trẻ tại giải VĐTG trẻ lần đầu được tổ chức tại Vũng Tàu và kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn trở thành Đại KTQT trẻ thứ 13 trong tốp 20 Đại KTQT trẻ nhất lịch sử cờ Vua thế giới...

Và trong một năm không SEA Games, TTVN cũng thử sức ở những đấu trường mới hoà với những xu thế phát triển mới của thể thao quốc tế để rồi cũng thu được những thành công ban đầu tại Đại hội thể thao trí tuệ thế giới lần thứ nhất (1 HCB - 3 HCĐ); Đại hội thể thao bãi biển châu á lần thứ nhất (2 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ).

Những "khoảng tối" còn lại

Nếu chỉ nhìn vào cái gọi là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương", thì có thể nói năm 2008 cũng là năm thành công của TTVN, tuy nhiên, không hẳn là không còn những "vết đen" trong bức tranh toàn cảnh khá sáng màu của TTVN 2008.

Một năm buồn của Ngân Thương. Ảnh: Phương Tuyên

Cũng là bóng đá với vụ B.L kinh hoàng trên sân Vinh, khiến người ta phải thừa nhận sự tồn tại thực sự của cái gọi là "Hooligan" trong bóng đá Việt Nam. Rồi qua 8 năm, chữ Chuyên vẫn cứ là thách thức lớn với từng đội bóng và với chính cả VFF khi vẫn chưa tìm ra một lộ trình thực sự.

Cơn lốc tiền tỷ vẫn tiếp diễn và được "nâng cấp" bằng những vụ chuyển nhượng với cái giá gây sốc, nhưng giá trị chuyên môn thì có lẽ chưa hề tương xứng.

Còn "điểm đen" ở các môn thể thao đỉnh cao chính là vụ doping đầy tai tiếng của nữ hoàng TDDC NgânThương đã khiến cô bị gạch tên khỏi Olympic 2008.
 
Cũng giống trường hợp của nữ lực sỹ thể hình Thuỳ Linh trước đó, dù nguyên nhân đều bắt đầu từ sự kém hiểu biết của cá nhân VĐV, nhưng chẳng thể phủ nhận trách nhiệm của những nhà quản lý thể thao trong những vụ việc đáng xâú hổ này.

Cuối cùng là chính trong nội tại của ngành TDTT. Đã 1 năm qua đi kể từ ngày sáp nhập vào bộ đa ngành, nhưng sự ổn định từ cấp trung ương đến cơ sở vẫn là thách thức lớn.

Chẳng thể phủ nhận, sự thay đổi liên tục về cơ cấu quản lý đã ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân ngành thể thao, nhưng cũng theo đánh giá từ chính người trong cuộc thì ở thời điểm này những hạn chế về trình độ của cán bộ quản lý ngành cũng bộc lộ rõ.

Thành công về thành tích đó là điều ghi nhận, nhưng rõ ràng việc nâng tầm phát triển phù hợp với sự phát triển chung của xã hội vẫn cứ là vấn đề lớn của TTVN khi bước sang năm 2009.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật