Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn truyền nước… chết bệnh nhân

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Phạm Quốc Huy, sinh năm 1986 ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị tiêu chảy phải vào bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn để khám và mua thuốc uống.
Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn truyền nước… chết bệnh nhân
Di ảnh anh Phạm Quốc Huy

Các bác sĩ truyền nước cho anh, nhưng truyền đến chai thứ 2 thì anh Huy… t‌ử von‌g. Gia đình, vợ con anh như đứt từng khúc ruột. Họ cho rằng, anh Sơn chết oan bởi trình độ non kém, cùng sự thờ ơ của đội ngũ các bác sĩ bệnh viện này.

t‌ử von‌g khi đang truyền nước

Cho đến giờ, dù anh Phạm Quốc Huy đã mất gần tuần lễ nhưng người thân và những người hàng xóm lân cận quanh nhà anh vẫn không ai nghĩ hung tin ấy là có thật. Là bởi, anh Huy vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không ốm đau một ngày, vẫn đi làm bình thường. Tối hôm trước họ còn nhìn thấy anh, đùng một cái, sáng hôm sau người ta đã chuyển xác anh từ bệnh viện về trong nỗi quặn xót của gia đình.

Phải cố gắng lắm, bà Nguyễn Thị Tế, 54 tuổi, mẹ đẻ của anh Sơn mới gượng dậy tiếp chuyện chúng tôi. Bên bàn thờ anh Huy nghi ngút khói, bà Tế khóc: “Cháu nó bệnh tật gì thì chết còn đỡ, nhưng đây nó khỏe mạnh bình thường, vậy mà…. nó ra đi nhanh quá! Tối hôm 3/8, Huy đi làm về và kêu bị đau bụng đi ngoài. Cháu có biểu hiện sốt nhẹ, buồn nôn. Cũng vì nhà gần bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn nên tôi bảo cháu Thu, là vợ Huy, đi cùng với cháu vào đó khám xem thế nào”.

Sau khi thăm khám cho Huy xong, các bác sĩ có nói với bà Tế rằng, Huy bị rối loạn tiêu hóa và bị cúm nên sốt, chỉ cần tiếp 2 chai nước, sáng mai khỏi thì về. Sau đó, y tá đưa cho Huy một viên C sủi giảm đau và bảo Huy uống. Xong xuôi, Huy được bác sĩ cắm kim truyền nước.

“Khoảng 15 phút sau con tôi có biểu hiện rất khó chịu và kêu đau. Cháu Thu chạy sang đập cửa một lúc lâu thì cô y tá mới chịu dậy, thái độ thì gắt gỏng. Cô y tá đo huyết áp cho Huy và khẳng định rằng Huy mới tiếp nước vào nên có biểu hiện như vậy. Y tá đã nói vậy nên con tôi đành nằm im và chờ”, bà Tế nghẹn giọng kể lại.

Đến khoảng 4h sáng, khi đang truyền chai nước thứ 2, Huy có biểu hiện co rúm người lại, phát tiếng sằng sặc trong miệng, chân tay run lẩy bẩy và môi tím bầm. Bà Tế hoảng loạn gào khóc gọi y tá. Cô y tá chạy sang trông thấy tình trạng của Huy luống cuống gọi điện thoại cho bác sĩ trực. Phải đến 15 phút sau, bác sĩ trực mới có mặt nhưng bệnh phân Phạm Quốc Huy đã tắt thở từ lúc nào.

Một ca bệnh đơn giản, tưởng chừng không có gì nghiêm trọng nhưng bệnh nhân lại t‌ử von‌g. Gia đình anh Huy không thể hiểu nổi tại sao Huy lại… chết nhanh đến thế. Bác sĩ ráo hoảnh thông báo cái chết của Huy, khuyên gia đình đem th‌i th‌ể Huy vào nhà xác và không đưa ra bất cứ lý do nào về nguyên nhân cái chết của bệnh nhân này. Người chết thì đã chết, gia đình cũng buộc phải đem Huy đi an táng. Họ đã làm đơn báo với chính quyền đi phương, Công an và viện Kiểm sát huyện Sóc Sơn để làm rõ cái nguyên nhân cái chết của anh Huy nhưng đến nay điều ấy vẫn như thể là bí mật. Được biết, Huy là con trai duy nhất trong gia đình, mới lấy vợ được gần 1 năm nay và vẫn chưa có con.

bệnh viện không hiểu nguyên nhân?!

Trong buổi làm việc với PV chiều ngày 12/8, bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn cho rằng: “Vì bệnh nhân Huy chết… quá nhanh nên chúng tôi không đủ trình độ để lý giải tại sao bệnh nhân chết. Muốn biết nguyên nhân về cái chết của bệnh nhân này thì phải đợi kết luận từ cấp trên”.

Theo thông tin từ vị giám đốc bệnh viện này, kíp trực hôm đó gồm 4 người là BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện, Trực lãnh đạo; Bác sĩ Nguyễn Tuấn Dũng, Trưởng kíp; y tá Đinh Thị Hương, khoa truyền nhiễm và y tá Nguyễn Thị Duyên, khoa khám bệnh.

 

Khuôn viên bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn

Sau khi bệnh nhân Huy t‌ử von‌g, kíp trực này đã tường trình lại sự việc và bệnh viện này cũng đã hoàn tất báo cáo để chuyển tới Phòng Nghiệp vụ y và thanh tra Sở y tế Hà Nội. Theo báo cáo này thì bệnh nhân Phạm Quốc Huy vào viện trong tình trạng: “Tỉnh, sốt cao, chảy nước mũi, không nôn, không giật”. Mọi chỉ số về tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh đều hoàn toàn bình thường.

Ống truyền vào tĩnh mạch cho Huy là Natriclorua 0,9% và Kaliclorua. Khi Huy bị co giật tím tái, các bác sĩ đã tiêm cho Huy liên tiếp 35 ống thuốc Adrennalin 01mg.

Theo phản ánh từ phía gia đình nạn nhân, gia đình không nhận được bất cứ lời hỏi hạn, động viên nào từ phía lãnh đạo bệnh viện. Cho đến giờ, câu hỏi mà gia đình nạn nhân và dư luận đặt ra rằng, bệnh nhân Huy tử vong vì nguyên nhân gì? Điều ấy xuất phát từ tình trạng non kém về chuyên môn hay sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn? Ai là người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc đau xót này. Và đáng tiếc hơn, người dân quanh vùng đã xuất hiện tâm lý ngần ngại vào viện này khi trục trặc sức khỏe, bởi có bệnh nhân chỉ bị đau bụng đi ngoài, vào viện mà… phải chết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật