Vụ tung tin đồn nhảm dịch Ebola đến Việt Nam và những ‘thánh chém’ trên mạng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông tin rất kịp thời và chính xác của Bộ Y Tế đã đập tan những “thánh phán” trên mạng về việc đại dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam, mà lại còn ở ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.
Vụ tung tin đồn nhảm dịch Ebola đến Việt Nam và những ‘thánh chém’ trên mạng
Ảnh minh họa

Ngày hôm qua, trên Facebook ồn ào những dòng status share lại thông tin của một Facebooker có tên Mẹ G…, cho rằng: "Người nhà em làm trong bệnh viện là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé. Thông tin không được công bố vì sợ dân hoang mang. Nhưng em nghĩ là nên thông báo cho tất cả mọi người cùng biết để bệnh không có cơ hội phát tán rộng đến không kiểm soát được".

Ngay lập tức, đoạn status này khiến cư dân mạng, nhất là các bà mẹ trẻ nhốn nháo vì lo sợ. Sự hoang mang đẩy lên đến đỉnh điểm khi tiếp tục có một status nữa của Facebooker khác khẳng định như đinh đóng cột "Các mẹ ơi tin khẩn, Ebola đã đến Việt Nam rồi, ở bệnh viện Bạch Mai nhé, nội bộ nên chưa lộ ra ngoài. Các mẹ phòng tránh cho gia đình và bé con nhé!".




Đoạn status khiến cư dân mạng hoang mang lo sợ.

Hàng trăm người share lại thông tin này và dặn dò nhau rằng đại dịch đã đến Việt Nam nhưng bằng các cách nào đó đã bị Bộ Y Tế “ỉm” đi, nên phải tự lo cho gia đình mình bằng các cách thủ công. Nhiều người nghiễm nhiên lấy thông tin “có người nhà làm ở bệnh viện khẳng định…” rồi “xào” lại 2 đoạn status kia để “lắp” vào facebook của mình và đăng status dạng “tin nội bộ chỉ mình mình có”. Tất nhiên, trong lúc đang nhiễu loạn thông tin, từng lời họ nói ra đâu có ai kiểm chứng! Và dĩ nhiên ở thời điểm đó, các kênh thông tin này được dân mạng phong thành “thánh sống” vì đã chia sẻ những bí mật động trời mà báo chí chưa hề nhắc đến.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Y tế khẳng định, hoàn toàn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus này tại Việt Nam.

Để đối phó với đại dịch đang hoành hành ở các nước, khả năng có thể đến Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan khác tăng cường giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có các phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời tránh lây lan dịch bệnh.

Đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam.




Rất nhiều comment dạng "thông tin mật" khẳng định có bệnh nhân Ebola ở Hà Nội ăn theo 2 đoạn status nói trên.


Thông tin rất kịp thời và chính xác của Bộ Y Tế đã đập tan những “thánh phán” trên mạng về việc đại dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam, mà lại là ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Sau khi báo chí đăng tải, và Bộ Y Tế cũng cung cấp thường xuyên các thông tin về tình hình dịch bệnh cho các cơ quan thông tấn báo chí để chủ động tuyên truyền cho người dân bình tĩnh, không hoang mang và chủ động có các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thì 2 đoạn status phán như đúng rồi về việc xuất hiện Ebola ở Hà Nội, tại bệnh viện Bạch Mai đã… được xóa đi sạch sẽ.

Tuy nhiên, rất nhiều người đã kịp chụp màn hình và cư dân mạng không khỏi bức xúc trước việc tung tin đồn khiến người khác hoang mang về dịch bệnh chỉ nhằm mục đích câu like, nổi tiếng hoặc bán khẩu trang, nước rửa tay.... Và tất nhiên, những status dạng ăn theo như “có người nhà làm trong bệnh viện”, rồi “theo thông tin cực mật mà tôi có từ người nhà ở Bộ…”, cũng đều biến mất trên Facebook.

Đây không phải lần đầu tiên, các thánh phán hoành hành trên mạng mỗi khi có sự kiện xã hội nóng nào đó xảy ra. Mới đây, những lời đồn đại xung quanh vệc tìm thấy thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân vụ TMV Cát Tường cũng khến dư luận hoang mang. Ngay khi cơ quan điều tra, CSHS Công an TP.Hà Nội xác nhận thông tin về việc tìm thấy thi thể của chị Huyền, giữa lúc vụ việc thu hút rất đông sự chú ý của người dân, ai cũng mong muốn vụ án kết thúc để kẻ thủ ác Nguyễn Mạnh Tường phải đền tội trước Pháp Luật. Thế nhưng, một số “thánh phán” khẳng định chắc nịch trên diễn đàn Webtre…, và mạng xã hội rằng: “Chắc chắc có uẩn khúc quanh đây, đây không phải xác chị Huyền mà là một cái xác khác thế vào”, rồi "Theo nguồn tin có được, làm gì có chuyện 9 tháng rồi chưa phân hủy hết xác. Vì muốn ghép tội cho bác sĩ Tường, trước sức ép dư luận, nên người ta đã thay xác”…

Những câu phán mà đọc qua đã thấy nghô nghê, thể hiện khả năng thám tử vườn, thế nhưng lại khiến một phần cư dân mạng tỏ ra hoang mang. Chẳng hiểu “nguồn tin có được” mang đầy chất nội bộ mà những kẻ tung tin kia lấy ở đâu, nhưng người có kiến thức và trình độ hiểu biết nhất định chắc chắn sẽ hiểu vấn đề: đây đâu phải thời “ăn lông ở lỗ” để có thể thay xác như thay một chiếc áo? Buồn cười ở chỗ, những kẻ đang hăng hái phán kia, chắc gì đã có mối liên quan đến gia đình nạn nhân, đến các cơ quan điều tra, hoặc tí ti liên quan đến sự việc…, để mà nói như đinh đóng cột. Thứ mà họ có, chỉ vẻn vẹn là sự tọc mạch, thể hiện ra vẻ ta đây nhằm câu like và muốn được chú ý trên mạng.

Nhớ lại những vụ ồn ào từng xảy ra như nghi án sữa giả, rồi… sữa có đỉa cũng khiến người dân từng đứng ngồi không yên. Vào khoảng giữa năm 2012, người dân tại các vùng nông thôn Việt Nam đổ xô đi săn lùng đỉa bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá trên trời. Ngay sau đó, mật độ tin đồn thực phẩn chứa đỉa xuất hiện với mức độ dày đặc khiến người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ trẻ hoang mang. “Em vừa lên Facebook đọc thấy thông tin về việc Trung Quốc thu mua đỉa với mục đích lấy trứng, cấy vào thực phẩm rồi đưa ngược về Việt Nam, nhằm thông qua thực phẩm trứng đỉa sẽ xâm nhập nộ‌i tạn‌g và phá hủy mà không thuốc gì chữa được” – đây là một trong những đoạn post trên diễn đàn về thông tin sữa có đỉa.




Thông tin sữa có đỉa ở Việt Nam hoàn toàn là giả mạo.


Hiệp hội Sữa Việt Nam ngày 24/9 ra văn bản bác bỏ thông tin đỉa có thể băm nhỏ để trộn vào thực phẩm, trong đó có sữa. Theo Hiệp hội, đây là tin đồn thất thiệt nhằm phá hoại kinh tế và gây mất ổn định xã hội.

Ngày 12/11/2012, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Công an và Hội Nông dân Việt Nam, kiến nghị giải quyết sự lan truyền của tin đồn “trong sữa có đỉa”.

Mặc dù, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định đỉa không thể phát triển và tồn tại trong sữa, nhưng tin đồn “sữa có đỉa” tiếp tục xuất hiện với mức lan truyền cao tại các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Bài học về việc tỉnh táo trước tin đồn nhảm không bao giờ là thừa đối với người tiêu dùng, người sử dụng mạng xã hội trong thời buổi này, bởi thông tin được chia sẻ cực nhanh và thường không được kiểm chứng nên gây hoang mang cũng là điều dễ hiểu. Trước những “thánh chém”, “thánh phán” đang tràn lan trên mạng, tốt nhất, hãy giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo, đừng rơi vào bẫy câu like và share, cũng như vội lo lắng trước khi có thông tin chính thức từ ban ngành có liên quan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật