Bán hết gia tài, gần 10 năm kêu oan cho em trai thoát án tử

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng người dân xứ biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vẫn không quên được vụ án giết người, hiế‌ּp dâ‌ּm trẻ em ở Đầu Giồng và sau đó một thanh niên vô tội bị tuyên án t‌ử hìn‌h.
Bán hết gia tài, gần 10 năm kêu oan cho em trai thoát án tử
Gần 16 năm xảy ra vụ án, anh Lắc giờ đã 40 tuổi.

Biết em trai vô tội, người anh cả bán hết đất hương hỏa để lấy tiền ra Hà Nội 9 lần kêu oan. Sau gần 10 năm, cuối cùng thanh niên bị tuyên án t‌ử hìn‌h đã được sum họp gia đình.

Vụ án rúng động miền Tây

Theo hồ sơ vụ án, sáng 18/10/1998, Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1978) ở xã Trung Bình, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cùng em gái Nguyễn Thị Vân (lúc đó chưa đủ 16 tuổi) và bé Cường đi hái bình bát trong ấp Đầu Giồng.

Một lúc sau xuất hiện 3 thanh niên đuổi bắt Vân, thay nhau giở trò đồ‌ּi bạ‌ּi rồi dìm nạn nhân xuống nước đến chết. Trước khi bỏ đi, 1 trong 3 tên đẩy Cường xuống kênh. Nghe Phượng kêu cứu, Phạm Văn Lợi (Ngọng) giăng lưới gần đó đã đến vớt nạn nhân và Nguyễn Văn Ơn (anh của Phượng) trong nhà chạy ra xốc nước cứu Cường, mò được xác Vân.

Bốn ngày sau, 3 nghi can được cho là hung thủ bị bắt gồm Kim Lắc (nay 40 tuổi), Trần Lắc Lil và Thạch Ngọc Tấn. Chỉ một tháng, công an tỉnh Sóc Trăng kết luận điều tra nạn nhân bị 3 thanh niên này hiế‌ּp dâ‌ּm rồi quăng xác xuống kênh.

Khi cùng đồng bọn thực hiện hành vi đồ‌ּi bạ‌ּi, Lắc bị cho là dùng tay chẹn cổ Vân gây suy hô hấp. Tháng 2/1999, viện KSND tỉnh Sóc Trăng truy tố 3 người về tội Giết người và hiế‌ּp dâ‌ּm trẻ em.

Theo kết luận điều tra, lúc xảy ra vụ án Lắc và Lil đi ngang bờ dừa và tình cờ gặp Tấn. Khi thấy chị em Phượng hái bình bát, Lắc nói với Tấn "qua đó chọc ghẹo và đè hãm tụi nó chơi" thì được Tấn, Lil đồng ý.

Tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 1999, các bị cáo kêu oan, khai bị điều tra viên đánh đập, ép cung và "dụ" rằng "thú tội thì được tha về, 2 người kia khai thật hết rồi".

Theo lời khai của Lắc tại tòa, từ 6h sáng anh đi xới đất đến 8h thì về nhà. Sau đó tiếp tục ra ruộng bón phân đến 9h thì thấy nhiều người bên bờ kênh Mương Kép nên lội qua sông xem và thấy có người chết.

Tấn khai 6h30 sáng hôm xảy ra vụ án, anh đón xe ôm qua chợ Kinh Ba mượn cuộn phim của người quen mang về nhà bạn chiếu đến 10h. Lil khai lúc 6h qua nhà bác chơi khoảng 5 phút rồi về nhà, không đi đâu nữa.

Tuy nhiên, HĐXX do thẩm phán Dương Công Lập làm chủ tọa nhận định, lời khai của các bị cáo trong hồ sơ phù hợp với tài liệu thu thập được nên "có căn cứ" xác định 3 thanh niên đứng trước vành móng ngựa phạm tội hiế‌ּp dâ‌ּm và Giết người.

Theo HĐXX, chính các bị cáo tham gia dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra và diễn lại hành vi phạm tội trước mặt hàng nghìn người chứng kiến. Vì vậy, không một căn cứ nào cho thấy bị điều tra viên đánh đập, ép cung nên "lý lẽ của các bị cáo chỉ nhằm trốn tránh sự trừng phạt của Pháp Luật".

Về thời gian, HĐXX thừa nhận các bị cáo và nhân chứng khai chưa thống nhất, còn chênh lệch "vài ba chục phút" nhưng trong điều kiện ở nông thôn và mọi người không đeo đồng hồ thì việc chênh lệch này là bình thường.

Từ đó, TAND tỉnh Sóc Trăng xử Lắc mức án t‌ử hìn‌h, Tấn tù chung thân, Lil nhận 20 năm tù nhưng chỉ vài ngày sau cả 3 cùng kháng cáo kêu oan.

9 lần ra Hà Nội kêu oan

Theo ông Kim Hol (anh ruột Kim Lắc), sáng xảy ra vụ án em trai ông đi xới đất thuê. Về đến nhà ông kêu Lắc vác phân ra ruộng bón lúa nên người anh có đủ căn cứ khẳng định em mình vô tội. Vậy mà 2 ngày sau, Lắc và Lil đang xới đất thì bị công an mời về đồn biên phòng gần nhà rồi ra lệnh tạm giam. Tấn đang hớt tóc cũng bị công an bắt. Biết em trai vô tội, ông Hol bán hết đất hương hỏa để ra Hà Nội đến 9 lần, quyết tâm minh oan cho em.

"Không biết chữ nên ra đến Hà Nội tôi nhờ xe ôm chở đến cơ quan tố tụng cấp cao để gửi đơn kêu cứu. Nghe tôi nói giọng miền Nam, các anh ngoài đó tận tình giúp đỡ, tôi mang ơn nhiều lắm", ông Hol kể.

Ông Kim Hol kể chuyện 9 lần ra Hà Nội gửi đơn kêu oan cho em.

Tham gia bào chữa cho Lắc, luật sư Hoàng Văn Quyết (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho biết Lắc cũng như 2 người còn lại không có dấu vết gì tại hiện trường. Ngoài ra, không người nào nhìn thấy 3 thanh niên bị tình nghi đã trực tiếp gây án.

"Cơ quan điều tra hỏi người này, người kia rồi suy đoán và bắt Lắc với 2 người còn lại. Biên bản giám định pháp y thể hiện trong â‌ּm đạ‌ּo nạn nhân có dịch màu trắng nhưng dịch này không được xét nghiệm AND để xem có liên qua đến các nghi can hay không", luật sư Quyết cho biết.

Tại phiên phúc thẩm tháng 12/2000 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, ngoài việc xem xét các chứng cứ ngoại phạm mà 3 bị cáo khai trước tòa, HĐXX đặc biệt chú trọng đến lời khai của chị Phượng với cơ quan điều tra là "cả 3 nghi can là người Kinh". Trong khi đó Lắc, Lil, Tấn đều là người dân tộc Khmer.

"Sau khi Vân chết, anh Ơn ra vớt xác thì tên bó‌p c‌ổ vẫn còn đó. Anh Ơn bắt tên này lại rồi có người dẫn đi", Phượng khai.

Bên cạnh đó, một nhân chứng khác là Nguyễn Thị Út (đi hái bình bát chung với Phượng) khai trong 3 thanh niên hãm hại Vân có 1 người nói ngọng trong khi các bị can không nói ngọng. "3 thằng bó‌p c‌ổ Vân đè xuống mương là người Kinh, không phải người Khmer", Út cũng trình bày như chị Phượng.

Từ đó, cấp phúc thẩm nhận định án sơ thẩm kết tội 3 bị cáo là chưa vững chắc, có nhiều mâu thuẫn, lời khai của các nhân chứng là đáng tin cậy, cần được xem xét một cách khách quan nhưng quá trình điều tra chưa làm rõ... nên tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo đề nghị của đại diện cơ quan công tố.

Đầu năm 2001 vụ án được điều tra lại và viện KSND tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ nguyên cáo trạng như ban đầu. Theo cơ quan công tố, sau khi sự việc xảy ra Trần Văn Lợi (Ngọng) có mặt tại hiện trường nhưng phía bị hại bị khủng hoảng tinh thần nên có sự hiểu lầm về việc xuất hiện đột ngột của thanh niên này.

"Còn Lợi thì quá sợ, lại có bệnh về thể chất, nhận thức và nói năng không rõ ràng nên khai báo không có căn cứ", viện KSND Sóc Trăng nêu quan điểm để chứng minh Lợi không phạm tội và tiếp tục buộc tội Lắc, Lil, Tấn. Tuy nhiên, qua nhiều lần xét xử sau đó, TAND tỉnh Sóc Trăng vẫn không tìm được căn cứ buộc tội những bị cáo này nên tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đình chỉ điều tra vì nhiều mâu thuẫn

Gần 10 năm từ ngày bị bắt, tháng 5/2007 Công an tỉnh Sóc Trăng mới có quyết định đình chỉ điều tra các bị can. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, quá trình điều tra xét thấy còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai tự thân của các bị can so với hiện trường. Thời gian phạm tội cũng mâu thuẫn với lời khai của các nhân chứng, không đảm bảo khách quan, vi phạm tố tụng và ít có giá trị nên không thể làm căn cứ buộc tội Lắc và đồng phạm.

Ngoài ra, việc cho Phượng nhận dạng Lắc cũng không có người giám hộ, không có nhân chứng. Quá trình điều tra cũng chưa triệt để bởi Lợi có liên quan trực tiếp đến vụ án nhưng chưa được điều tra làm rõ. Căn cứ loại bỏ người nghi vấn chưa được thể hiện rõ trong hồ sơ.

Khi được đình chỉ điều tra, Lắc với 2 người bạn ủy quyền cho ông Kim Hol liên hệ tòa án xem xét bồi thường oan sai. Đến 3 lần thương lượng, cuối năm 2007 TAND tỉnh Sóc Trăng đồng ý bồi thường mỗi người hơn 150 triệu đồng và xin lỗi công khai.

"Buổi xin lỗi diễn ra rất nhanh, người dân chưa kịp đến nơi xử án lưu động ngày nào là sân vận động xã Trung Bình để chứng kiến thì cán bộ tòa án đã ra xe về", một người sống cạnh sân vận động kể.

Theo Bí thư ấp Đầu Giồng Trương Văn Hải, khi xảy ra vụ án ông là trưởng công an ấp. Lúc xác nạn nhân vớt lên bờ, một phụ nữ trong vùng nhìn gói thuốc và chiếc quẹt gas tại hiện trường đã sửng sốt nói: "Đó là của chồng tôi". "Người chồng của chị này liền bị mời điều tra 2 ngày rồi thả ra. Không hiểu sao về đến nhà anh ấy cạo đầu rồi bỏ đi biệt tích", ông Hải kể.



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật