Nhờ Ấn Độ, dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc Trung Quốc?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Doanh nghiệp Ấn Độ kỳ vọng trở thành đối tác tiềm năng và bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam theo hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Nhờ Ấn Độ, dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc Trung Quốc?
Ảnh minh họa

Điều này mở ra hướng đi mới cho ngành dệt may Việt Nam, vốn dĩ nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nhiều năm nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Ấn Độ muốn thành đối tác tiềm năng với Việt Nam

Tại "Chương trình giao thương Dệt may Việt Nam - Ấn Độ" diễn ra vào cuối tuần qua tại TPHCM, ông Manikam Ramaswami - Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt bông Ấn Độ đã bày tỏ sự kỳ vọng doanh nghiệp Ấn Độ trở thành đối tác tiềm năng và bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam theo hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi trên cơ sở giảm thiểu chi phí đầu vào cho sản xuất.

Trên tờ TTXVN, đại diện Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt bông Ấn Độ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Ấn Độ hoạt trong ngành dệt may vẫn chưa đạt được nhiều thành công như kỳ vọng ở thị trường Việt Nam.

Cụ thể, thị phần mặt hàng dệt cotton mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ tăng từ 1,34% (năm 2012) lên 1,6% (năm 2013); sợi cotton tăng từ 13% lên 16,5% và tỷ lệ này chưa được cải thiện trong nửa đầu năm 2014.

"Việt Nam đang có nhu cầu về nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng với giá cả phù hợp cho ngành dệt may, trong khi đó Ấn Độ là nhà sản xuất, cung ứng các mặt hàng này cạnh tranh nhất thế giới", ông Manikam Ramaswami nói.

Dệt may Việt sẽ giảm phụ thuộc Trung Quốc?

Theo số liệu thống kê mới đây, Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu các sản phẩm dệt may đứng thứ 5 thế giới, có tốc độ tăng trưởng mạnh và hiện đang nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên phụ liệu dệt may phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày chủ yếu là Trung Quốc.

7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập 896 triệu USD sợi dệt; gần 1 tỉ USD bông; 2,7 tỉ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày; 5,5 tỉ USD vải trong đó Trung Quốc chiếm tới 33% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam, đứng trên Hàn Quốc và Singapore.

Thực tế, ngành dệt may từ khi ra đời đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hướng ra xuất khẩu, nhưng qua nhiều năm chúng ta vẫn “xuất khẩu hộ”. Kiếm hàng chục tỷ USD từ xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng thu về cho Việt Nam chỉ chưa đầy 10% trong số đó.

Vừa qua, để tránh việc phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Như có thể nhập khẩu xơ từ Thị trường tiềm năng như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia; nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia...

Bình luận về động thái này từ phía Hiệp hội Dệt may, Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới từng cho biết, trong kinh doanh, vấn đề đặt lên hàng đầu là vấn đề lợi nhuận.

"Nếu nhập ở các thị trường khác ngoài Trung Quốc mặc dù chất lượng tốt nhưng giá thành chắc chắn sẽ cao hơn. Vì vậy, muốn thoát khỏi Trung Quốc phải chấp nhận chi phí tốn kém", Ths Bùi Ngọc Sơn nói.

Theo phân tích của Ths Bùi Ngọc Sơn, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, một trong những khâu quan trọng của ngành không nằm ở việc chuyển thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu sang một đất nước khác mà quan trọng hơn là xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh chuỗi liên kết xuất khẩu bằng quy trình khép kín sản xuất sợi, dệt, công nghệ nhuộm và may thành phẩm đồng thời tự thiết kế, sản xuất và xuất khẩu.

"Một đất nước đã phát triển 20 trong lĩnh vực này, xuất khẩu ở mức cao nhưng phải khắc phục những hạn chế để xây dựng được ngành công nghiệp cho chính mình, dệt vải và làm các phụ kiện của ngành may", Ths Bùi Ngọc Sơn nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật