Tín dụng ngoại tệ tăng nhưng ổn định

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
7 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TPHCM tăng 9,7%, trong khi đó tín dụng chung (cả VNĐ và ngoại tệ) tăng 3,35%.
Tín dụng ngoại tệ tăng nhưng ổn định
Ảnh minh họa

Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao liệu có liên quan đến cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng? Tuy nhiên, phân tích sâu dưới góc độ quản lý, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 7 tháng năm 2014 đã và đang diễn ra bình thường, phản ánh tích cực từ nền kinh tế vĩ mô cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu.

Thứ nhất, tín dụng ngoại tệ tăng phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt. Bởi lẽ tín dụng ngoại tệ là tín dụng có điều kiện, chỉ các đối tượng DN, các dự án sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu mới có đủ các điều kiện vay ngoại tệ.

Minh chứng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trên địa bàn tăng 9,7% so với cuối năm 2013, nhưng khối NH nước ngoài (có nhóm khách hàng là DN xuất nhập khẩu, DN FDI lớn), tăng 7,7%. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với lĩnh vực xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, chính sách quản lý ngoại hối và định hướng chuyển từ quan hệ vay - gửi sang quan hệ mua-bán ngoại tệ phát huy tác dụng và hiệu quả. Thực tế trong những năm gần đây, quy mô dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ trên địa bàn TPHCM giảm dần qua từng năm. Nếu năm 2010 tỷ lệ dư nợ ngoại tệ so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn là 27,3%, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 16,7%. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mặc dù tăng 9,7% nhưng chỉ tương đương tăng 14.096 tỷ đồng. Trong khi đó, mức tăng trưởng tín dụng VNĐ chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2013, nhưng tương đương tăng 13.000 tỷ đồng.

Thứ ba, quá trình khai thác và sử dụng nguồn vốn ngoại tệ vẫn đảm bảo, gắn liền với sự ổn định của thị trường ngoại hối, cung cầu ngoại tệ được đảm bảo và hiệu quả của các giải pháp chiến lược chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế của NHNN.

Trong đó hiệu quả hoạt động quản lý thị trường vàng; thặng dư cán cân thanh toán và các hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng; kiều hối và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục ổn định, là cơ sở đảm bảo cho sự ổn định của thị trường ngoại hối trong những năm gần đây. Việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn hợp lý trong quá trình khai thác và sử dụng nguồn vốn bằng ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn.

Tổng nguồn vốn ngoại tệ có thể sử dụng để cho vay bao gồm tiền gửi bằng ngoại tệ (của tổ chức kinh tế và cá nhân, tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá) và nguồn vốn vay ngoại tệ vẫn luôn đảm bảo đáp ứng các nhu cầu vay của DN. Do đó, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2014 không gây áp lực đối với nguồn vốn ngoại tệ, hệ số sử dụng vốn bằng ngoại tệ chỉ ở mức xoay quanh mức trên 80% (chưa bao gồm nguồn vốn vay ngoại tệ).

Thứ tư, trong mối liên hệ lãi suất giữa VNĐ, ngoại tệ và tỷ giá, DN thuộc các đối tượng được vay ngoại tệ vẫn thấy vay vốn bằng VNĐ có lợi hơn. Hiện nay NHNN vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ không quá 8%/năm đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu. Nhiều DN xuất khẩu là khách hàng truyền thống được vay với lãi suất thấp hơn chỉ khoảng 5-7%/năm.

Tuy nhiên, với sự ổn định thị trường ngoại hối, của thị trường tiền tệ, việc tính toán lựa chọn và đáp ứng nhu cầu tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn thuộc về DN. Song những diễn biến tích cực từ thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối trong thời gian qua và trong các tháng còn lại của năm 2014 là dự báo khả quan và định lượng để các DN tính toán, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục lan tỏa và tác động thúc đẩy đối với toàn bộ nền kinh tế trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật