Doanh nghiệp Việt “còi cọc” vì chộp giật lợi ích ngắn hạn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Số doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 16% so với cùng kì năm 2013.
Doanh nghiệp Việt “còi cọc” vì chộp giật lợi ích ngắn hạn
Chuyên gia Trần Đình Thiên

Ông Trần Đình Thiên chỉ ra rằng, sự phát triển trì trệ, “còi cọc” của doanh nghiệp Việt trong thời gian qua còn do năng lực yếu kém, chỉ hướng đến lợi ích ngắn hạn.

Hơn nửa năm 2014 đã trôi qua, kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm đường ra phát triển.

Tại buổi tọa đàm giải pháp tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triên và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chuyên gia đều hướng sự quan tâm tới hoạt động của doanh nghiệp với việc nhấn mạnh sự chủ động nỗ lực của doanh nghiệp vượt lên khó khăn.

Cơ chế chính sách tồn tại nhiều bất cập

Theo ông Trần Đình Thiên - viện trưởng viện kinh tế Việt Nam, vấn đề cơ chế chính sách vẫn còn nhiều tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đơn cử như việc giải quyết thủ tục về thuế doanh nghiệp, càng kéo dài thời gian càng làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại về mặt lợi nhuận.

Do vậy cần đặt ra mục tiêu hết sức cụ thể, ví dụ như việc giải quyết vấn đề thuế cho doanh nghiệp trong vòng 800 giờ là quá lâu mà phải giảm xuống còn 200 - 300 giờ.

Đặc biệt phải phân công cụ thể cho cơ quan chuyên trách thực hiện, cụ thể giao cho Bộ Tài Chính hay Tổng Cục thuế làm, sau đó sẽ kiểm tra kiểm điểm công tác thực thi.

Bảy năm qua, kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam vẫn tồn tại những nút thắt rào cản doanh nghiệp, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là nợ xấu và nợ công, trong khi đó công tác giải quyết vấn đề đó vẫn còn khó khăn.

Ngoài ra, thủ tục xuất khẩu của Việt Nam vẫn kéo dài 21 ngày và cần phải giảm xuống còn 7 ngày để giá trị xuất khẩu tăng lên, đạt 26,4 tỷ USD.

Ông Thiên cũng cho biết, Việt Nam được xếp hạng 4 trong nhóm các nước có điều kiện phát triển tương đương. Nhưng mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) của các nước là 7.000 USD. Trong khi đó tại Việt Nam chỉ đạt hơn 1.000 USD, chênh lệch lên tới 6.245 USD.

Con số trên rất đáng lo ngại vì cho thấy sự kém phát triển của nền kinh tế đất nước, trong đó sự tồn tại và phát triển của hệ thống doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Ông Thiên cho rằng, con số doanh nghiệp đóng cửa 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn 16% so với cùng kì năm 2013, với nguyên nhân đóng cửa chính là môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách, không phải vì lí do nội tại của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải hết sức tránh kiểu làm ăn chộp giật, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn mà không hướng đến chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

Năm 2014, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, đặc biệt xét từ góc nhìn doanh nghiệp. Đà suy thoái, trì trệ của doanh nghiệp sẽ kéo dài vài năm nữa.

Để phát triển, Việt Nam cần thay đổi cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực của mình, vượt qua những khó khăn về vấn đề rào cản môi trường kinh doanh.

Cần có cách tiếp cận mới trong vấn đề tái cơ cấu, thay vì tập trung vào 3 lĩnh vực: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thì Việt Nam cần phải thay đổi lại chọn điểm nhấn vào thị trường, tạo sự cạnh tranh bình đẳng và giá cả thị trường.

Doanh nghiệp cần loại bỏ cách làm “chộp giật”

Mặc dù vậy, theo ông Thiên, sự nỗ lực chủ động của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Nền kinh tế đã khó khăn lại phải nuôi những đứa con doanh nghiệp còi cọc thì sẽ khó khăn gấp bội. Khi mới vào WTO, doanh nghiệp Việt Nam chới với. Khi trò chơi mới bắt đầu thì cách chơi cũ cần loại bỏ.

Bảy năm qua đã chứng kiến điều đó. Doanh nghiệp cần "set up" lại. Doanh nghiệp cần phải khởi nghiệp lại theo đúng nghĩa, bài bản và hệ thống. Kinh tế toàn cầu phát triển theo chuỗi, doanh nghiệp phải đủ năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp cần vươn lên và độc lập trong bối cảnh mới, gắn với sự chuẩn bị kĩ lưỡng về vốn, nhân sự, thị trường,… Đặc biệt, cần có ý tưởng kinh doanh mới và đột phá với những doanh nghiệp thành lập sau.

Ông Thiên cho rằng, những doanh nghiệp đóng cửa trong 6 tháng năm 2014, là những doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động và vượt qua những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên sau đó vẫn không thể trụ lại được là điều rất đáng tiếc.

Quy mô doanh nghiệp thì ngày càng nhỏ đi, theo ông Thiên, doanh nghiệp sẽ phải chật vật, khó khăn hơn, giống như đứa trẻ nhẹ cân, sức khỏe còi cọc thì phải nỗ lực hơn để tồn tại và phát triển.

Năng lực kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao. Nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, chộp giật không tính đến chiến lược phát triển dài hạn thì khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật