Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 55,83 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 66,8% kim ngạch xuất khẩu (XK).
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng
Ảnh minh họa

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này đạt 46,04 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56% kim ngạch nhập khẩu. Báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi tọa đàm với DN FDI về hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vừa qua cho thấy, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất ổn, một số DN FDI khu vực phía Nam bị thiệt hại do các đối tượng quá khích gây ra vào tháng 5/2014, nhưng nhìn chung hoạt động XNK của khối DN FDI tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi những tác động này mà vẫn tăng trưởng ổn định.

Tốc độ tăng trưởng cao về kim ngạch XK của khối DN FDI bình quân khoảng 30%/năm đã góp phần giảm bớt sự căng thẳng về cán cân thương mại chung của Việt Nam. Từ chỗ cán cân thương mại thâm hụt khá lớn đến nay đã trở nên cân bằng và tạo thặng dư.

Nếu như năm 2008, cả nước nhập siêu khoảng 18 triệu USD, đến năm 2013, đã xuất siêu 10 tỷ USD, trong đó xuất siêu của DN FDI chiếm 6,48 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, khu vực FDI đã xuất siêu 9,78 tỷ USD. Sự giảm chênh lệch trong cán cân thương mại và chuyển dịch sang hướng xuất siêu đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, các DN FDI góp phần làm chuyển biến cơ cấu XK theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao.

Song, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay là kim ngạch XK của khối FDI tăng cao cũng gắn liền với việc tăng tỷ trọng kim ngạch NK của khối DN này, bởi phần lớn là gia công, tỷ trọng nội địa hóa còn thấp. Nếu xét riêng về mặt hàng, năm 2013, điện thoại là mặt hàng XK đạt kim ngạch cao nhất là 21 tỷ USD, nhưng đến 90% nguyên vật liệu, linh kiện phải NK từ nước ngoài.

Không chỉ có điện thoại, nhiều mặt hàng khác như máy vi tính, hàng điện tử, hàng dệt may, giày dép... đều sử dụng nguyên vật liệu NK.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Chính phủ mong muốn DN FDI tập trung sản xuất những mặt hàng XK có giá trị lớn, giá trị gia tăng cao.

Đầu tư vào các khâu sản xuất nguyên liệu trọng điểm của một số ngành. Ví dụ sản xuất vải, dệt nhuộm, nguyên liệu da giày, nguyên liệu nhựa cao cấp, linh kiện điện tử, động cơ ô tô, xe máy...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật