Lộ trình tiến ra sân chơi lớn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 14 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang dần trở thành kênh huy động vốn mới cho nền kinh tế.
Lộ trình tiến ra sân chơi lớn
Ảnh minh họa

Thành công vượt bậc

Ngày 28/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam chính thức diễn ra tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX), chỉ với 2 cổ phiếu niêm yết và 5 CTCK. Tuy thời gian giao dịch lúc đó chỉ có 1 tiếng đồng hồ và giá trị giao dịch của phiên đầu tiên này cũng chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng giá trị lớn lao của sự kiện chính là cột mốc đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam.

Kể từ đó tới nay, cùng với hệ thống ngân hàng, TTCK đã chính thức trở thành một kênh huy động vốn mới cho nền kinh tế.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 14 năm thành lập diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những thành tựu mà ngành chứng khoán đạt được. Theo Bộ trưởng, những thành tựu này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển TTCK nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển đất nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của TTCK thời gian qua khá phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và đang dần tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. TTCK cũng đang trở thành kênh dẫn vốn ngày càng quan trọng, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, qua đó thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Quy mô và phạm vi của TTCK Việt Nam đang từng ngày lớn mạnh với gần 700 DN niêm yết trên thị trường chính thức và 147 DN đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, tăng 140 lần so với năm 2000. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu lên đến 52 tỷ USD, chiếm 32% GDP; giá trị niêm yết trái phiếu chiếm gần 17% GDP.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân tăng 58% so với 6 tháng đầu năm 2013. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước khi có gần 1,3 triệu tài khoản được mở với giá trị danh mục đầu tư nước ngoài lên đến 13 tỷ USD.

Sẵn sàng cho hội nhập

Hiện tại, ngành chứng khoán đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống công nghệ thông tin sao cho đạt tầm vóc của một TTCK hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Trong đó, đáng kể là dự án “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt, chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” với nhà thầu Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.

Hệ thống công nghệ thông tin mới này có những ưu điểm vượt trội như khả năng hỗ trợ gần 50 loại sản phẩm chính và các phương thức giao dịch tiên tiến khác nhau; cho phép giám sát hoạt động giao dịch theo thời gian thực và có khả năng tái lập thị trường; hệ thống thông tin thị trường, hệ thống chỉ số, hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ với nhiều tính năng hiện đại; cổng truy cập hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (FIX Protocol) có khả năng tương thích với các tổ chức lớn trên thế giới, đồng thời được thiết kế với tính sẵn sàng tới 99,99%, có khả năng tích hợp và mở rộng tối đa được gấp 5 lần so với hệ thống hiện tại khi quy mô thị trường đòi hỏi.

Tiếp theo là dự án Trung tâm dữ liệu dự phòng. Công trình này được giao cho HSX làm chủ đầu tư và theo dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2014. Với diện tích khuôn viên 5.000 m2 tại khu công viên phần mềm Quang Trung, công trình có tổng diện tích sàn xây dựng 16.000 m2, gồm 9 tầng cao và 1 tầng lửng, có đặc tính đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc lắp đặt một trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn Tier 3 với trang thiết bị công nghệ mang tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài việc dự phòng cho hệ thống giao dịch của HSX, dự án còn có mục tiêu hình thành một trung tâm dữ liệu dự phòng và triển khai các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin cho toàn TTCK Việt Nam sau này.

5 nhiệm vụ chính

Mặc dù đạt được những thành tích ấn tượng nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để TTCK phát triển tốt hơn, tất cả các thành phần liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch và các thành viên thị trường cần tập trung vào 5 giải pháp chính nhằm đối phó với tình hình diễn biến khó lường, phức tạp chung của khu vực, nhưng lại đang tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội nước ta.

Cụ thể, phải chủ động nắm tình hình và chuẩn bị tốt phương án ứng phó với diễn biến tình hình; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm phát triển bền vững TTCK, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Kế đến là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về TTCK để tiếp tục từng bước nâng cao vai trò, vị trí của TTCK, phấn đấu đến năm 2020 đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế.

Sau nữa là đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa cơ sở hàng hóa; nâng cao chất lượng cơ sở NĐT, trong đó chú trọng phát triển các loại hình NĐT tổ chức; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng; tái cơ cấu tổ chức TTCK theo hướng hợp nhất nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh và tăng cường khả năng hội nhập khu vực, quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và khẩn trương xử lý các vấn đề còn vướng mắc nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Cuối cùng là tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, chú trọng tăng cường tính công khai, minh bạch của TTCK; chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; đồng thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật