Ðể chất lượng khám, chữa bệnh bắt kịp giá dịch vụ y tế mới

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã có 14 địa phương trình UBND, HÐND điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Ðể chất lượng khám, chữa bệnh bắt kịp giá dịch vụ y tế mới
Ảnh minh họa

Trong đó có một số tỉnh điều chỉnh theo lộ trình, một số tỉnh điều chỉnh do sau quá trình thực hiện, phát hiện thấy giá một số dịch vụ quá thấp, không đủ chi phí thực hiện; một số tỉnh phê duyệt chi tiết giá của một số phẫu thuật, thủ thuật...

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 1-8, các bệnh viện của thành phố sẽ điều chỉnh theo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) đối với các sơ sở KCB trên địa bàn do HÐND thành phố Hà Nội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua. Theo đó, 1.348 dịch vụ y tế sẽ tăng giá khoảng 20%. Theo lý giải của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, nguyên nhân điều chỉnh là do tại các bệnh viện thuộc thành phố còn 1.348 dịch vụ KCB vẫn áp dụng mức giá từ năm 2006, trong khi giá cả thị trường đã có nhiều thay đổi làm tăng chi phí đầu vào của dịch vụ. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh phê duyệt giá của 135 dịch vụ kỹ thuật mới mà các cơ sở KCB của Hà Nội đã thực hiện được nhưng chưa có giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố thanh quyết toán.

Về tác động của việc tăng viện phí đối với người dân, bà Lưu Thị Liên khẳng định, người dân sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi để thanh toán khoản chênh lệch mà trước đó bảo hiểm y tế (BHYT) chưa chi trả. Về phía các bệnh viện, việc điều chỉnh giá viện phí nhằm bảo đảm hơn cho việc nâng cấp hạ tầng và nâng cao chất lượng KCB để người dân được thụ hưởng. Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên phân tích: Giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để thu của người bệnh mà là cơ sở để cơ quan BHYT thanh toán chi phí KCB cho người bệnh có thẻ BHYT. Hiện nay, khoảng 70% số người dân (hơn 63 triệu người) có thẻ BHYT, cho nên việc điều chỉnh giá dịch vụ liên quan trực tiếp đến người tham gia BHYT, nhưng mức tác động cụ thể theo từng nhóm có khác nhau. Những người có công với cách mạng, trẻ em dưới sáu tuổi khi KCB được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí cho nên không bị ảnh hưởng. Cán bộ về hưu, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được Nhà nước bảo đảm kinh phí để mua thẻ BHYT, được thanh toán 100% khi KCB tại trạm y tế xã, được thanh toán tiền vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên và được thanh toán 95%, chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm. Các đối tượng có thẻ BHYT khác phải đồng chi trả 20% nên cũng chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

Hiện còn khoảng 30% số dân (khoảng 27 triệu người) chưa có thẻ BHYT, chủ yếu là những người có mức thu nhập trung bình trở lên, có khả năng chi trả, nhưng cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động để các đối tượng này tham gia BHYT, ngành y tế cũng đang triển khai một số giải pháp để hạn chế ảnh hưởng từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Như thực hiện bắt buộc tham gia BHYT (theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT); nâng mức hỗ trợ cho người cận nghèo; phát động, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế đóng góp kinh phí hỗ trợ để cấp thẻ BHYT cho người cận nghèo; triển khai hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình mua thẻ BHYT...

Ðể chuẩn bị thu theo giá dịch vụ mới, Bộ Y tế và UBND các tỉnh cũng đã chỉ đạo các bệnh viện tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, gắn việc nâng cao chất lượng dịch vụ với giá dịch vụ mới. Ðến nay, hầu hết bệnh viện đã ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí, quỹ phát triển hoạt động của đơn vị và dành 15% tổng số thu khám bệnh và giường bệnh (có nơi đã chi hàng chục tỷ đồng) để đầu tư nên khu vực khám bệnh, các buồng bệnh đã được cải thiện, khang trang, sạch sẽ hơn trước. Phần lớn các bệnh viện đã tăng số bàn khám, phòng khám, kê thêm giường bệnh, thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, thực hiện khám bệnh ngay trong ngày, cải cách hành chính, giảm bớt chữ ký trong thanh toán BHYT... cho nên đã giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Chất lượng chuyên môn, trình độ kỹ thuật y học nước ta tăng lên rõ rệt, hầu hết các phương pháp điều trị, kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã và đang được thực hiện ở nước ta như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tim mạch, thay khớp... Người dân đã được thụ hưởng các dịch vụ y tế với chất lượng chuyên môn cao hơn trước đây.

Ngành y tế đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như: đẩy mạnh thực hiện Ðề án giảm tải bệnh viện, cải cách các thủ tục ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi; yêu cầu các bệnh viện mở thêm bàn khám bệnh, mở thêm ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh; có các bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để người bệnh không mất nhiều thời gian đi lại...

Lần tăng viện phí sắp tới đây, ngành y tế Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là chú trọng đến thái độ ứng xử với người bệnh. Trong tương lai, tất cả các bệnh viện sẽ có phòng quản lý chất lượng bệnh viện, trong đó trọng tâm là xây dựng một quy trình KCB chuẩn, hiệu quả, tiện lợi nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ không phải là giải pháp khắc phục tình trạng quá tải, nằm chung, nằm ghép lâu nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật