Doanh nghiệp vận tải biển chưa thể thoát lỗ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm siết chặt chi phí đầu ra, song các doanh nghiệp vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ trong quý 2-2014.
Doanh nghiệp vận tải biển chưa thể thoát lỗ
Ảnh minh họa

Theo đó, cả 3 công ty vận tải biển hiện đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đều có kết quả kinh doanh âm trong quý 2-2014. Tuy nhiên, mức lỗ cũng đã được kéo giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả báo cáo tài chính cho thấy, trong quý 2-2014, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) đạt 477,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,8% so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty tăng cường các biện pháp quản lý và tiết kiệm nhiên liệu, vật liệu, bố trí sửa chữa phù hợp, nhờ đó, giá vốn hàng bán giảm 16%, chi phí bán hàng cũng giảm trên 18% so với quý 2-2013. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế của VOS âm 58,7 tỷ đồng, trong khi quý 2-2013, công ty lỗ 99,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, công ty lỗ 86,9 tỷ đồng, giảm 55% so với mức lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013.

Theo VOS, thị trường vận tải biển trong quý 2-2014 tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) của thị trường tàu hàng khô liên tục giảm điểm trong suốt cả quý 2-2014. Việc suy giảm của thị trường vận tải biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của tất cả các nhóm tàu VOS đang khai thác.

Tương tự như VOS, doanh thu thuần trong quý 2-2014 của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng giảm 13 tỷ đồng so với quý 2 năm trước, chỉ đạt 346 tỷ đồng. Cùng với đó, giá vốn hàng bán tuy đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức cao, lên tới 368 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của VST âm trên 21 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty lỗ trước thuế gần 44 tỷ đồng, bằng gần một nửa mức lỗ củ‌ּa qu‌ּý 2-2013 (105 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, VST lỗ trên 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước số lỗ lên tới 147 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 2-2014, tổng tài sản của VST đạt 2.622 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty còn 2.389 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, nợ ngắn hạn là 481 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.908 tỷ đồng. Theo ông Trương Đình Sơn, Tổng Giám đốc VST, trong kỳ, công ty có 2 tàu cho thuê định hạn và đội tàu giảm 1 chiếc tàu do tàu VTC Light nhượng bán trong tháng 8-2013. Do đó, doanh thu có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 công ty vận tải biển đang niêm yết hiện nay, chỉ duy nhất Công ty CP Vận tải biển Vinaship (VNA) có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2013, đạt 170 tỷ đồng, tăng 6%. Thêm vào đó, giá vốn hàng bán lại giảm 3%, giúp lợi nhuận gộp của công ty đạt được 8,8 tỷ đồng, khả quan hơn rất nhiều so với số âm 5,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận gộp này vẫn không đủ bù đắp các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Do đó, đến cuối kỳ công ty vẫn lỗ trước thuế 15 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, số lỗ lên tới 24 tỷ đồng. So với 6 tháng đầu năm 2013, mức lỗ này đã giảm mạnh gần 65%.

Theo ông Vương Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc VNA, tại thị trường công ty khai thác truyền thống là Đông Nam Á, số lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam, Thái Lan giảm nhưng số tàu trong khu vực lại tăng do thị trường vận tải tại các khu vực khác trên thế giới khó khăn nên nhiều hãng tàu đã đưa tàu về khu vực Đông Nam Á để khai thác, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh đó, thời gian xếp, dỡ hàng và làm thủ tục kéo dài đã làm tăng thời gian tàu chờ đợi, phát sinh chi phí. Ngoài ra, theo ông Sơn, trong quý 2-2014, công ty có 4 tàu phải sửa chữa, làm phát sinh thêm chi phí sửa chữa và giảm lợi nhuận của công ty.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật