Bố chồng hay lấy trộm tiền

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ chồng. Mẹ chồng chịu thương chịu khó, giỏi giang, việc lớn nhỏ trong nhà đều do bà làm và quyết định hết. Ngược lại, bố chồng từ thời trẻ đã ham chơi, trăng hoa, cờ bạc và bây giờ 60 tuổi, ông vẫn vậy.
Bố chồng hay lấy trộm tiền
Ảnh minh họa

Mẹ chồng tôi cam chịu bố chồng, bảo là nợ kiếp trước kiếp này phải trả. Hiện mẹ chồng đi nước ngoài ở với con gái một thời gian. Vợ chồng tôi mở cửa hàng tạp hoá ở nhà, ngoài thời gian làm ở cơ quan, chúng tôi thay nhau về trông hàng. Bố chồng hay xuống giúp những lúc tôi đi vắng, ông thường lấy tiền bán hàng, có nhiều ông lấy nhiều, ít lấy ít. Cô bán hàng nói ông thường kiếm lý do không cho cô bán cùng.

Vợ chồng tôi và bà đều biết ông có tính đấy từ lâu, nhưng là phận con, chúng tôi cũng không dám nói gì. Tất cả chi tiêu trong gia đình chưa bao giờ ông phải lo. Thuốc men cho ông (bệnh tiểu đường), tiền tiêu vặt, lo đám giỗ đám cưới... chúng tôi vẫn cho ông. Lương hưu của ông và bà được 5 triệu đồng, bằng lương công chức của tôi, ông cũng giữ hết. Vậy mà lúc nào ông cũng hết tiền và ngày nào cũng có người gọi, nhắn tin đòi nợ.

Tôi phải làm thế nào cho trọn nghĩa vẹn tình? Nếu ông cứ lấy tiền hàng, chắc chúng tôi phải đóng cửa vì mất cả vốn cả lãi, chi tiêu trong nhà rất nhiều. Có người nói ông có bồ nhí nên mới cần nhiều tiền vậy. Trước khi đi, bà cũng phải thanh toán cho ông một khoản nợ không hề nhỏ. (My)

Chào bạn,

Ổn thỏa trong gia đình luôn là mơ ước của mọi gia đình nhưng nhiều khi ổn thỏa chỉ là sự xa xỉ so với sự thật mà họ phải chịu đựng. Trong sự chịu đựng cho ổn thỏa, có người chọn cách tâm linh như “kiếp trước – kiếp này”, có người chọn cách đấu tranh, áp lực, có người cô lập sự phức tạp, có người cắt đứt quan hệ… Nói chung là có bao nhiêu sự mất ổn thỏa thì có bấy nhiêu cách chữa trị, song chữa bằng cách nào thì cũng như bị bệnh rồi chữa bằng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc và có khi cứ mặc nó thì nó cũng khỏi.

Trường hợp của bạn bất ổn là do bố chồng, mà bố chồng đã 60 tuổi tức là không thể thay đổi tính cách. Khi không thể thay đổi tính cách ông, mẹ chồng bạn “nghĩ rằng do kiếp trước bà nợ ông nên kiếp này phải chịu đựng trả nợ” là một cách sử dụng phương pháp tiêu cực để bảo vệ cái tích cực cho hạnh phúc gia đình. Các tôn giáo đa phần dùng phương pháp tâm linh, đức tin để chấp nhận sự mâu thuẫn gia đình và nhờ vậy nhiều gia đình vẫn giữ được hạnh phúc như bố mẹ chồng bạn.

Còn bạn thì không phải “nợ ông” nên phải tìm ra cách giải quyết. Mâu thuẫn lớn nhất là việc “ông thường lấy tiền bán hàng, có nhiều lấy nhiều, có ít lấy ít”. Cái để ông lấy được là do bạn bán hàng tạp hóa. Nếu tiếp tục bán thì bạn phải trực tiếp quản lý vì cô bán hàng không đủ thẩm quyền can thiệp. Nếu không, bạn xem lại cân đối đầu vào (mua hàng) với đầu ra thu tiền xem có lãi, nếu không thì nên dừng bán hàng lại hoặc chỉ bán vào lúc bạn hoặc chồng ở nhà. Nhưng bạn có nói “chi tiêu trong nhà rất nhiều” thì nguồn thu ở đâu ra. Như vậy, bạn phải tính kỹ về nguồn chi trong nhà với nguồn thu của bạn, từ đó tìm ra biện pháp nào phù hợp. Bạn không nên làm cho vấn đề “lấy trộm tiền” trở thành phức tạp hơn vì còn phải giữ sĩ diện cho gia đình nhà chồng.

Căn cứ vào việc tiêu tiền để kết luận “có bồ nhí” là không chính xác. Bạn muốn biết ông tiêu tiền vào việc gì thì cần theo dõi ông đi đến đâu, làm gì và ở đâu…, từ đó tìm ra quan hệ của ông để xem ông tiêu tiền vào việc gì. Còn bệnh tiểu đường không ngăn cản việc cặp bồ. Mặt khác, bạn cần giữ tiền để lo cho gia đình, không trả nợ thay cho ông, luôn sắm vai hết tiền để tránh phức tạp.

Chúc sự sáng suốt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật