Viết cho người nằm xuống

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhìn đâu tôi cũng cảm thấy mọi thứ nhạt nhòa, và tôi hiểu mình đã bỏ quên ông nội tôi chừng nào. Nguyễn Trường Duy
Viết cho người nằm xuống
Những ký ức mỏng manh về ông quay lại trong tôi, chạy thật nhanh qua tâm trí tôi cứ như chúng sợ rằng tôi sẽ dang tay ra, bắt lấy những kỷ niệm ấy để khóa chặt trong tim mình vậy.

Đã một tháng kể từ ngày ông nội tôi qua đời. Trước đây, thi thoảng khi nghĩ về việc ông bà tôi ra đi, tôi sẽ cảm thấy như thế nào, thường thì đó chỉ là những ý nghĩ thoáng qua và tôi tự cho rằng có lẽ mình sẽ không bị chấn động lắm vì cả ông bà nội và bà ngoại tôi đều đã rất cao tuổi. Thế nhưng, sau khi ông nội ra đi, tôi nghĩ mình đã rơi vào một tâm chấn vô hình mà đến tận bây giờ tôi cũng không rõ mình đã thoát ra khỏi nó hay chưa?

Với tôi, những ký ức về ông thường rời rạc, không rõ ràng. Có khi tôi nhớ về ông với dáng người cao dỏng, gầy vì vừa mới khỏe lại sau một trận ốm. Là ông nội tôi, đạp chiếc xe đạp mà tôi không còn bất kỳ khái niệm nào về màu sắc hay kiểu dáng, đi gần chục cây số để làm bảo vệ ban đêm cho một trường mầm non bên kia sông. Là ông nội tôi, nằm một góc nhà, mắt chăm chú đọc những quyển sách của mình, và đôi khi nhích sang một bên để tôi có thể nằm cạnh ông, hỏi ông về những điều ông đang đọc, đôi khi ông dừng lại để trả lời tôi, đôi khi làm ậm ừ cho qua nhưng thẳm sâu trong tôi khi nhớ lại, đó vẫn là một hình ảnh ấm áp trong những ký ức mà tôi có về ông. Là ông nội tôi, với chòm râu trắng và ở một mình ở một căn nhà nhỏ tại miền quê nơi ông được sinh ra, lớn lên và giờ cũng là nơi ông nằm xuống, mãi mãi.

Tôi được biết, trước đây ba tôi không hòa thuận với ông nội. Ba từng cãi vã với ông, sau đó bỏ nhà vào Đà Nẵng và tự lập từ khi chỉ còn là một cậu nhóc v‌ị thà‌nh niê‌n. Trải qua nhiều biến cố cuộc sống, khoảng cách về tình cảm đó ngày một rộng ra và dường như dễ bị xóa nhòa đi. Nhưng sau này, khi ông nội tôi đau ốm, ba tôi đã về Huế chăm sóc ông, và cũng ba mẹ tôi đã mang ông tôi về căn nhà nhỏ của chúng tôi để sống gần ông, chăm sóc cho ông. Có lẽ từ giây phút đó, theo lời mẹ tôi kể lại, bà cảm nhận được là ba tôi cũng thương ông nội rất nhiều. Điều này, nghe có vẻ tự nhiên thôi, nhưng tôi có thể hiểu và cảm nhận được đằng sau đó, là cả một tình cảm và một sự nỗ lực lớn lao, đến từ cả hai phía.

Kể từ khi ba tôi mất, tôi thường bị ám ảnh bởi sự liên kết của mình đối với ông, những sợi dây kết nối tôi với những gì còn lại của ông, máu thịt của ông, dường như nhạt nhòa dẫn theo năm tháng. Những thứ tình cảm tôi khao khát, những gì tôi thầm ghen tị với bạn bè, cũng dần dần phai mờ, nó không còn là nỗi khao khát thường trực trong tôi nữa.

Nhưng những liên kết ấy vẫn còn đó, có thể không rõ ràng nhưng đôi khi tôi vẫn muốn nhìn ngắm chúng, cảm nhận chúng để mà hình dung về ba tôi, đó có lẽ là một vệt loang dài hình bóng của ông phản chiếu lên những kết nối mà tôi có, cho dù không rõ ràng nhưng vẫn là một điều gì đó đang tồn tại. Nhìn ông nội, nhìn họ hàng tôi, tôi đều nhìn thấy hình bóng ấy và đôi khi, nó làm tôi nguôi ngoai đi nhiều thứ. Chính vì vậy, khi nghe tin ông nội qua đời, phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên và sau đó là trống rỗng, dường như tôi không còn cảm nhận được gì nhiều về sự kiện này. Trong đầu tôi thúc dục mình cần phải về ngay, về để xác nhận lại điều này, xác nhận một kết nối nữa đã mất đi, nhưng có lẽ, tình cảm tôi không đủ lớn để có thể bức mình ra khỏi công việc, khỏi bận rộn để gác bỏ mọi thứ sang một bên. Nói cho cùng, đôi lúc tôi là kẻ vô tình đến khủng khiếp.

Cái cảm giác trống rỗng ấy cứ nằm trong lồng ngực tôi cho đến khi tôi ngồi trước quan tài của ông. Tôi đã không được nhìn thấy mặt ông lần cuối, tôi cũng không được biết ông đã đau ốm trước đó như thế nào, tôi cũng không biết được rằng lần gặp ông vào tháng 5 cũng là lần gặp gỡ cuối cùng. Nếu tôi biết được điều ấy, biết đâu tôi đã ngồi với ông lâu hơn, kể cho ông nghe về cuộc sống mới của tôi cho dù ông không còn nghe rõ, tôi đã có thể nỗ lực hơn để ôm chầm lấy ông một cái trước khi chào ông để về với Sài Gòn. Nhưng không, tất cả những điều ấy chỉ là giá như, bởi tôi nghĩ rằng mình vẫn còn thời gian, nhưng buồn cười là tôi quên mất rằng ông đã không còn thời gian.

Vậy là một sợi dây liên kết giữa tôi và ba tôi đã đứt. Ông tôi đã qua đời. Mặc áo tang, ngồi tụng kinh, cúi lạy mọi người, tôi vẫn thầm tự nhủ với mình là ông đã ra đi thật sự rồi, và tôi sẽ nói gì đây? Tôi sẽ suy nghĩ cái gì đây? Tôi sẽ nhớ gì về ông đây? Chẳng có gì cả. Tôi vẫn vậy, trống rỗng, tôi vẫn ngang nhiên nghe điện thoại về công việc, vẫn tìm cách chạy ra một góc nào đó để tiếp tục làm việc. Giờ nghĩ lại, mọi thứ liệu có đáng như vậy? Tôi không rõ.

Trên chuyến xe đưa linh cữu ông về với quê hương. Trong căn nhà ông từng ở một mình, giờ là quan tài của ông, là bàn thờ ông đã được dựng lên. Dần dần, những ký ức mỏng manh về ông quay lại trong tôi, chạy thật nhanh qua tâm trí tôi cứ như chúng sợ rằng tôi sẽ dang tay ra, bắt lấy những kỷ niệm ấy để khóa chặt trong tim mình vậy. Tôi ước gì mình có thể làm như vậy. Tôi đã nghĩ tôi sẽ khóc thêm một lần nào nữa, nhưng có lẽ tôi nhầm, khi quỳ lạy quan tài ông trước khi đưa ông về nơi an nghĩ cuối cùng, nghe lời khấn của người làm lễ, tôi đã bật khóc một cách ngon lành, tôi khóc cho ông, cho ba tôi và cho cả tôi. Cho những gì đã không còn và cả những liên kết mà tôi hằng mong mỏi được nắm lấy, được cuộn mình trong đó. Tất cả đều ra đi mất rồi.

Quay trở lại với Sài Gòn, quay lại với cuộc sống thường nhật, với công việc của tôi, mọi thứ dường như không thể trở lại bình thường cho đến tận bây giờ. Nhìn đâu tôi cũng cảm thấy mọi thứ nhạt nhòa, và tôi hiểu mình đã bỏ quên ông nội tôi chừng nào. Giờ đây, tất cả những hối tiếc ấy đều chẳng có ý nghĩa gì cả bởi một đời người đã ra đi, điều tôi có thể làm là sống tiếp cuộc đời của mình và dành thời gian đâu đó trong cuộc sống hằng ngày để nhớ về những ký ức của ông nội và tôi. Tôi chỉ thầm mong, ông được yên nghĩ. Và bà nội tôi khỏe mạnh. Chỉ vậy là đủ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật