Nín thở chờ V.League về đích

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vâng, người viết buộc phải dùng từ “nín thở”, bởi bóng đá Việt Nam giờ có thể xảy ra tiêu cực bất cứ lúc nào.
Nín thở chờ V.League về đích
Bóng đá VN đi về đâu với những cầu thủ ham bán độ?

Trong bức tranh u ám hiện tại, thì bất cứ một đội bóng nào, cầu thủ nào cũng có thể dính chàm. Một mùa giải đã được rút ngắn thời gian vì số đội tham dự ít hơn những năm trước, nhưng lại đang trôi qua một cách nặng nề, đầy sự hồ nghi, chán nản…

Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, hơn hai chục con người, trong đó đa phần là cầu thủ bóng đá bị bắt vì liên quan đến các vụ cá cược bất hợp pháp và dàn xếp tỷ số. Không chỉ báo chí trong nước, mà ngay cả các hãng truyền thông quốc tế, đang xem V.League như một "ổ dịch” bệnh cá độ. bi kịch thực sự với những nhà quản lý bóng đá nước nhà, với những lãnh đạo đội bóng, khi vụ 9 cầu thủ Ninh Bình tham gia bán độ tại AFC Cup gây chấn động làng bóng châu lục còn chưa được đưa ra xét xử, thì lại đến 6 cầu thủ Đồng Nai.
Thậm chí, số người bị bắt hoặc bị điều tra về cá cược và dàn xếp tỷ số tại V.League có thể vẫn chưa dừng lại, vì theo như cơ quan chức năng, việc điều tra sẽ được mở rộng.
Cầu thủ Việt chẳng phải nghèo khổ gì. Thu nhập bình quân mỗi tháng vài chục triệu, thậm chí còn cao hơn, nhưng họ vẫn cứ thích "kiếm thêm” những đồng tiền bất chính.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cầu thủ càng có nhiều tiền thì lại…thèm tiền. Và có một thực tế là hầu hết giới cầu thủ đều thích trò đỏ đen-bởi họ không bị quản lý chặt ở các đội bóng.
Vì không thể hình dung hết tác hại từ những việc làm của mình, mới có chuyện một loạt cầu thủ U23 Việt Nam phải vướng vào vòng lao lý sau SEA Games 23 năm 2005. Cả một thế hệ cầu thủ được kỳ vọng là "vàng”, đã sớm bị đánh dấu chấm hết với sự nghiệp.
Trở lại câu chuyện bán độ tại V.League, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại đánh mất niềm tin với người hâm mộ như lúc này. Vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bị phanh phui, người ta mới rùng mình nghĩ lại những trận đấu được các đội bóng diễn kịch, có lẽ cũng "có mùi” cả.
Năm nào cũng vậy, cứ đầu mùa giải là VFF và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (C45) lại ký các văn bản hợp tác phòng chống tiêu cực trong bóng đá, trong đó đáng chú ý là vấn đề bán độ, cá độ. Tuy nhiên, tiêu cực vẫn xảy ra, thậm chí có chiều hướng tăng. Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam đã rúng động bởi 2 vụ bán độ có quy mô lớn.
Chỉ trong vài tháng, liên tiếp 2 vụ bán độ tại 2 CLB V.League, khiến báo chí, người hâm mộ bóng đá Việt Nam bức xúc. Tuy nhiên, theo chính những lãnh đạo của VFF, vụ bán độ ở CLB Đồng Nai có thể chưa phải là cuối cùng.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thẳng thắn thừa nhận, vụ Đồng Nai chỉ là phần kéo dài, là tập 2 của vụ Ninh Bình. "Trong các vấn đề tiêu cực của bóng đá, quan điểm của chúng tôi vẫn là một thôi, đó là quét sạch, làm sạch bóng đá, song song với việc nâng cao chất lượng bóng đá. Tuy nhiên, một mình VFF không làm được, mà có sự phối hợp với các bên, đặc biệt là C45. Tất nhiên, công việc này cũng không chỉ làm có một vài năm, mà cần phải làm lâu dài. Chúng ta phải kiên trì, phối hợp chặt chẽ với nhau để làm sạch bóng đá”, người đứng đầu của VFF nói.
VFF sẽ xử lý mạnh tay với tiêu cực mà không sợ vỡ giải. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là liệu VFF có làm được triệt để vấn đề này? Khi mà bản chất của những vụ tiêu cực, có ít nhiều trách nhiệm từ chính bộ máy "thượng tầng”?.
V.League đang bước từng bước nặng nề về đích. Từng vòng đấu sẽ là những ánh mắt nghi ngờ về tính trung thực của các các đội bóng, cầu thủ. Bán độ giờ đây quá dễ và dường như mất kiểm soát, nên ngay cả có được "soi” kỹ, thì vẫn có thể xảy ra tiêu cực.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, nhấn mạnh C45 cùng VFF phải xử lý nghiêm tình trạng mua bán độ, dàn xếp tỷ số dù giải V.League có ra sao đi chăng nữa. Phải làm mạnh tay để cứu nền bóng đá. Rất có thể sẽ có thêm những đội bóng, cầu thủ khác bị phanh phui, tức là cái án treo vẫn đang lơ lửng trên đầu.
Những nhà tổ chức nín thở V.League về đích như thế nào trong 3 trận đấu tới, còn những kẻ đã và đang "nhúng chàm”, cũng đang nín thở không biết mình có bị "sờ gáy” hay không.
Cả một nền bóng đá nín thở với tiêu cực. Đó thực sự là bi kịch!
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật