Mỹ - Ấn - Nhật tập trận chung trên Thái Bình Dương

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản hôm qua bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tuần ở Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ hải quân ba bên, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc lên cao.
Mỹ - Ấn - Nhật tập trận chung trên Thái Bình Dương
Thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson vẫy chào tàu khu trục Ấn Độ INS Ranvijay trong cuộc tập trận Malabar năm 2012. Ảnh: US Navy

"Tập trận Malabar bao gồm các hoạt động chống cướp biển, chống khủ‌ng b‌ố, hỗ trợ nhân đạo và diễn tập máy bay trực thăng". AFP dẫn lời ông DK Sharma, phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ cho biết.

Malabar, một hoạt động song phương thường niên giữa Ấn Độ và Mỹ, được tổ chức kể từ năm 2007. Năm nay, Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản (MSDF) cũng góp mặt vào sự kiện này.

Tập trận kéo dài từ ngày 25 - 30/7. Hạm đội Bảy của Mỹ đóng tại vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ tham gia cùng ba tàu và 700 – 800 lính hải quân Ấn Độ. Nhật Bản điều đến hai tàu hộ tống, một máy bay tìm kiếm cứu hộ US-2 và một máy bay tuần tra P3C.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực tăng cao, khi Tokyo và New Delhi đều đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

"Mục đích cuộc tập trận hải quân này là nhằm giám sát vùng biển từ tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ muốn đảm bảo mối quan hệ ba bên được giữ vững, khi cả ba nước đều đang đề phòng với Trung Quốc", ông Takehiko Yamamoto, giáo sư danh dự đại học Waseda tại Tokyo, nhận định.

Tập trận Malabar cũng phản ánh mối quan hệ kinh tế và quân sự ngày càng thân thiết giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tháng một, hai nước nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng và tiến hành tập trận hải quân thường xuyên.

Trong khi đó, Washington đang ngày càng chú trọng tới an ninh châu Á. Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng và sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, vốn khiến một số nước trong khu vực lo ngại.

Về phần mình, New Delhi từ lâu vẫn thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một khu vực thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật