Lãi suất huy động sẽ còn giảm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bất chấp lãi vay đang rơi xuống đáy nhiều năm, trong lúc tín dụng chỉ tăng trưởng không đáng kể sau 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng lớn vẫn tin rằng lãi suất còn có khả năng giảm thêm 0,5% trong các tháng tới.
Lãi suất huy động sẽ còn giảm
Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tiếp tục giảm.

Cơ hội giảm thêm 0,5%

Xu hướng giảm của lãi suất trên thị trường thực tế vẫn duy trì với biên độ nhỏ trong suốt các tháng đầu năm. Biểu lãi suất huy động của các ngân hàng cho thấy, đến cuối tháng 6 vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường có được mức giảm tới 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Đà giảm của lãi suất huy động theo đó cũng kéo giảm lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng khoảng 0,5-1,5%/năm, đưa lãi suất phổ biến xuống còn 7-10%/năm cho các kỳ hạn ngắn và 10-12%/năm ở các kỳ hạn dài. Thậm chí, một số NHTM áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ còn 6-7%/năm cho một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch và phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Giải thích về quyết định cho vay lãi suất thấp, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, điều này hoàn toàn “bình thường” trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp hay cầu tín dụng nói chung tương đối yếu, trái ngược hẳn với trạng thái thanh khoản khá dồi dào của hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia ngân hàng, với khả năng lạm phát cả năm chỉ ở mức thấp 4,6-4,7% và thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt, tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp như hiện nay và đặc biệt là tín dụng bằng VND mang đến cơ hội giảm thêm lãi suất trên thị trường. Mặt bằng lãi suất huy động thậm chí còn được dự báo có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 0,5%/năm. Việc lãi suất đầu vào của các ngân hàng tiếp tục giảm thêm sẽ là cơ hội để lãi vay trên thị trường được điều chỉnh giảm, dĩ nhiên sẽ có độ trễ sau đó khoảng vài tháng. Đồng quan điểm này, một tổ chức đầu tư khẳng định: “Các động thái giảm lãi suất đầu vào sẽ tạo dư địa cho việc giảm hơn nữa lãi suất cho vay, tuy nhiên điều này sẽ có độ trễ nhất định và mức độ giảm sẽ không nhiều”.

Khả năng lãi suất có thể giảm nhẹ 0,5% cũng được một đơn vị kinh doanh của BIDV cho là có cơ sở. Đơn vị này còn cho rằng, trần lãi suất huy động dù khả năng cao vẫn sẽ được NHNN duy trì cho mục đích thận trọng, song vẫn có thể được cơ quan ngân hàng trung ương điều chỉnh xuống mức 5,5% nếu lạm phát cuối năm được kiểm soát ở mức thấp, đảm bảo lãi suất tiền gửi vẫn thực dương. “Dự đoán của chúng tôi dựa trên cơ sở mặt bằng lãi suất hiện tại đã giảm 0,5-1,5% so với cuối năm 2013, sát với dư địa 2% đưa ra trong thông điệp đầu năm của Thống đốc”. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất tốt, không những đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, mà còn đủ cung ứng khi kinh tế khởi sắc cũng là một cơ sở chắc chắn cho khả năng giảm lãi suất trong tương lai gần.

Cho vay vẫn khó tăng

Đối với xu hướng giảm lãi suất trong các tháng đầu năm, giới ngân hàng nhìn nhận nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ động thái nới lỏng từ từ chính sách tiền tệ từ phía NHNN dựa trên cơ sở thị trường tiền tệ ổn định và lạm phát được kiểm soát. Cụ thể hơn, việc hạ lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn hồi tháng 3 của cơ quan ngân hàng trung ương phát đi thông điệp sẵn sàng hỗ trợ cung cấp vốn cho các ngân hàng, đẩy lãi suất liên ngân hàng dịch chuyển xuống mặt bằng thấp hơn và từ đó khơi thông dòng tín dụng trên thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất.

Còn ở yếu tố thứ hai, tác động đến xu hướng giảm lãi suất xuất phát từ chính các ngân hàng. Một đánh giá dẫn nguồn từ NHNN cho thấy, nhu cầu thanh toán, vay vốn của các NHTM thông qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn là không nhiều. Việc tín dụng tăng trưởng thấp khiến cho nguồn vốn khả dụng trong hệ thống ngân hàng dôi ra đáng kể, thậm chí dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc. Chính trong bối cảnh đó, các ngân hàng được cho buộc phải đẩy mạnh việc mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc dù lãi suất trái phiếu thấp hơn mức chi phí là lãi suất huy động. Các ngân hàng theo đó buộc phải cắt giảm lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí đầu vào và điều này tạo cơ sở đẩy lãi suất cho vay xuống mặt bằng thấp hơn.

Các dữ liệu trên cho thấy càng có thêm nhiều điều kiện giảm lãi suất. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ có chiều hướng giảm nhẹ không đồng nghĩa với việc tín dụng sẽ được đẩy nhanh ra nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% dễ dàng đạt được. Bởi theo NHNN cũng như phân tích của nhiều NHTM, rào cản chính của tín dụng hiện không còn đến từ lãi suất chưa ở mức hợp lý, mà chủ yếu do quá trình giải quyết nợ xấu chưa có nhiều tiến triển và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lòng tin của khu vực tư nhân còn yếu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật