Hoa đồng nội

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước mặt Hảo là một bà già ngồi trên chiếc xe lăn, hồng hào, béo tốt, miệng nhai trầu như nhai kẹo cao su. Sau lưng bà, tựa vào chiếc xe lăn là anh con trai hơn Hảo khoảng 5, 6 tuổi, cao ráo, đẹp trai và cũng béo tốt như mẹ.
Hoa đồng nội
Minh họa: Lê Trí Dũng.

- Công việc thì đơn giản thôi - Anh con trai lên tiếng - Mẹ tôi bị liệt nên mọi sinh hoạt cá nhân phải có người giúp. Tóm lại là chăm sóc bà cụ. Việc thứ hai là cơm nước hàng ngày cho cả nhà và việc thứ ba là dọn dẹp lau chùi quét tước. Tiền công ba triệu một tháng, nếu làm tốt thưởng thêm. Cơm nước cô ăn cùng với mẹ con tôi - Tới đây, anh ta hất hàm hỏi - Được không?

- Dạ, được ạ - Hảo nhỏ nhẹ.

- Tôi cũng nói để cô biết, với công việc như thế này, người khác họ chỉ trả hai triệu hoặc hai triệu rưỡi, còn tôi đã trả cao như vậy chắc cô cũng biết phải làm thế nào rồi. Chẳng giấu gì cô, trước cũng đã có hai cô đến làm ở đây, nhưng chưa cô nào trụ được quá một tháng.

Anh ta nói giọng tỉnh bơ, kẻ cả. Hảo cố kìm, dẫu thế nào mình cũng đang là người đi xin việc. Hảo nhìn thẳng vào anh ta:

- Anh cho em thử việc vài hôm, nếu không được, tự em sẽ ra đi chứ anh không phải đuổi đâu ạ.

- Đ.ư..ợ..c!

Anh ta kéo dài chữ "được" vừa như đồng ý vừa như thách thức. Không sao! Hảo cũng muốn rành mạch cái gì ra cái ấy. Bước chân ra khỏi nhà, cô đã hứa với chính mình, cô đi là để kiếm tiền, nhưng đồng tiền phải từ mồ hôi công sức cô bỏ ra chứ không quị lụy xin xỏ ai hết.

Anh ta đẩy rộng cánh cổng, quay xe đưa mẹ vào nhà, cô xách cái túi du lịch căng phồng bước theo sau. Ngôi nhà to, cao bốn tầng, đẹp như ngôi biệt thự cô nhìn thấy trong phim ảnh. Tầng trệt ba phòng, phòng nào cũng sang trọng. Cô tần ngần ngoài cửa không dám bước thêm. Bà mẹ vẫy tay:

- Cô để đồ đạc ở đây rồi đi rửa ráy mặt mũi chân tay cho mát. Bể nước đi lối này xuống - Bà chỉ.

Cô đi dọc hành lang. Một vòi nước sáng loáng, trong một không gian tối nhờ nhờ. Chậu lớn, chậu nhỏ, bát, đũa, xoong, nồi, bỏ ngổn ngang. Dưới nền, nước lép nhép. Những vỏ bia lon, cơm nguội, cuống rau vương vãi. "Đàn ông trên nhà, đàn bà dưới bếp". Chẳng cần  giới thiệu cô cũng biết, nhà này thiếu bàn tay phụ nữ. Cũng chẳng chờ người chủ sai bảo, cô xắn tay áo lên, bắt đầu thân phận của kẻ hầu người hạ. Cô mải miết dọn, mải miết lau chùi, cọ rửa, không biết bà cụ ngồi trên chiếc xe lăn đã đến đằng sau từ lúc nào. Khi công việc vừa xong, ngửng lên, cô bắt gặp đôi mắt bà cụ đang nhìn cô xét nét. Dáng nghiêm nghị như một vị giám khảo cuộc thi, bà cụ bảo:

- Phòng tắm ở nghách bên trái đấy! Cô đã biết sử dụng nóng lạnh chưa?

- Cháu cũng biết sơ sơ rồi ạ.

- Ừ, cẩn thận kẻo bị bỏng. Cô giúp việc trước, không biết cũng không hỏi, bị rộp cả hai bàn tay đấy.

Chiếc xe lăn trở về chỗ cũ. Cô đẩy cửa bước vào phòng tắm, tối mù. Suýt nữa cô đạp vào chậu quần áo để ngay cửa. Căng mắt lắm cô mới nhìn thấy một hàng công tắc điện gắn trên tường. Cô bật công tắc, điện sáng, phòng tắm ốp gạch men cũng sáng, bóng lộn. Nhưng bề bộn cũng chẳng kém bên ngoài. Quần áo, khăn tắm, khăn mặt, giấy vệ sinh, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng, để, treo, móc ngổn ngang. Lại dọn dẹp. Lau chùi. Giặt giũ. Phơi phóng.

Buổi tối bà cụ bảo:

- Bác bị bệnh tiểu đường ăn nhạt. Con trai bác lại ưa mặn. Thực phẩm đã có ở trong tủ. Cháu liệu mà nấu (bà đổi cách xưng hô).

Cô mở tủ lạnh. Lại băm, thái, xào nấu. Bà cụ ngồi cạnh hướng dẫn thêm cho phù hợp với khẩu vị từng người. Lửa ga reo. Chảo mỡ reo. Đôi má cô đỏ hồng. Bà cụ ngồi nhai trầu ít nói, chỉ nhìn.

Cuộc sát hạch tay nghề không có quy chế, không chấm điểm. Nhưng nhìn gương mặt bà cụ và anh con trai lúc ăn cơm, cô hy vọng mình sẽ trúng tuyển.

Trúng tuyển. Nghĩa là, mỗi tháng cô sẽ có ba triệu, gấp ba lần đánh đay, dệt chiếu ở quê, và bằng thu hoạch cả 2 sào lúa. Là thằng em cô có tiền theo học cho bằng bạn bằng bè. Con bò lang cày khéo, nuôi con cũng khéo mẹ đã bán đi rồi. Đôi hoa tai "của hồi môn" của ông bà ngoại, mẹ cũng lấy ra bán nốt mà còn những một năm nữa thằng em cô mới ra trường. Mẹ thở dài. Cô cũng thở dài, nhưng là chị cả trong nhà cô không thể thờ ơ. Trăn trở. Suy tính. Cân nhắc. Cuối cùng chỉ có giải pháp này là thích hợp. Mẹ cô bảo: "Kiếp đi ở, khổ một nhục mười". Cô cười, an ủi mẹ: "Có phải như ngày xưa đâu mẹ. Thời nay, giúp việc nhà cũng là một nghề đấy. Người ta đang sang làm cả bên nước ngoài nữa cơ mà". Cô hồi hộp, giọng run run gọi di động cho Hòa. Tiếng anh lẫn trong tiếng sóng biển:

- Anh không phải là kẻ hẹp hòi, định kiến. Em thấy việc nên làm thì cứ làm. Anh ủng hộ. "Cậu" phải bỏ học là chúng mình có tội đấy.

Cô thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn không quên trách yêu:

- "Cậu"! Còn lâu nhé. Người đâu mà...

Nếu Hòa ở bên cạnh chắc phải chịu thêm một cái nguýt thật dài nữa.

*

Con gái nhà quê, khi biết cầm cái chổi quét nhà, đã được bà được mẹ dạy cách cầm cho vững, đặt lát chổi ra sao, miết thế nào để quét cho sạch mà không hắt tung bụi lên. Khi nấu cơm, biết đãi gạo để lừa những hạt sạn ra, đổ nước chừng nào để cơm không khô không nhão. Nhỏ như việc rửa bát thôi cũng được dạy dỗ cẩn thận. Có lẽ vì vậy mà gái nhà quê vừa thạo việc nhà, vừa cần cù chịu khó. Một ngày, hai ngày và chỉ một tuần sau cô đã chiếm được cảm tình của bà cụ. Những khi hết việc, bác cháu ngồi thủ thỉ tâm tình như ruột thịt. Bà cho biết, bà cũng là gái nhà quê ra thành phố tìm việc, gặp "ông nhà" rồi hai người nên vợ nên chồng. Bà buôn bán lặt vặt. Ông làm công nhân đường sắt. Nghèo. Túng. Nhưng đầm ấm. Cũng may, ông bà sinh được hai người con trai, cả hai đều chăm chỉ học hành, đỗ đạt. Hiện tại, anh cả đang ở nước ngoài, làm giám đốc điều hành cho một công ty ở Mỹ. Tháng tháng gửi tiền về nuôi bà. Còn thằng Dũng, trưởng phòng Maketting cũng của công ty nước ngoài, trụ sở ở ngay trong thành phố. Chỉ thương "ông ấy" không sống được đến lúc con cái trưởng thành. Cách đây hai năm bà vẫn khỏe mạnh. Nhưng chỉ tại cái nhà tắm lát gạch men trơn trượt nên bà mới ngã đập đầu xuống nền, xuất huyết não. Thằng con cả phải lấy thuốc từ Mỹ bay ngay về mới cứu được. Nhưng đôi chân thì bị liệt, cứ mỗi ngày mỗi teo dần. Bà kéo ống quần, để lộ đôi cẳng chân nhẳng nhớt. Lủng lẳng. Da từng đám xám đen. Cô không lạ. Những lúc thay quần áo, hoặc tắm rửa cho bà, cô đã thấy. Nhưng cô vẫn ngồi xuống, xoa bóp nhẹ nhàng lên bắp thịt nhão nhoẹt. An ủi. Động viên. Bà ngồi im, ngừng kể, kéo đầu cô vào lòng âu yếm. Bà yêu thương cô ư? Chưa hẳn! Nhưng chắc chắn bà đang cần được sẻ chia, được cởi mở tâm tình.

Một lần, Dũng nhìn thấy bà ngồi ở hiên nhà, xổ tung mái tóc. Cô mân mê mái đầu tìm nhổ những sợi tóc bạc sớm. Được sợi nào, bà lại ngửa bàn tay lên đón lấy. Vừa làm, hai bác cháu vừa thủ thỉ chuyện trò như hai mẹ con. Mặt Dũng cau lại. Khó chịu. Buổi tối, lúc cô đang sắp cơm dưới bếp, Dũng nói với bà (cũng cố để cho cô nghe nữa):

- Mẹ là bà chủ. Cô ta là Ôsin. Phải có khoảng cách chứ. Được đằng chân, lân đằng đầu, rồi cũng có ngày… Ôsin bây giờ cũng lắm trò ma mãnh lắm!

Mặt cô tím bầm, giận dữ. Cô định nói, anh đừng vơ đũa cả nắm. Anh cần người giúp việc. Tôi cần tiền công. Hai bên hợp tác. Nếu không thì thôi chứ đừng rẻ rúng, xúc phạm nhau như vậy. Để cho anh ta bớt kẻ cả đi, nhưng chợt nhớ đến thằng em nên cô cố kìm nhưng nước mắt thì cứ ứa ra. Tại sao chứ? Cô có lỗi gì? Ngẫm nghĩ lại, cô chưa làm điều gì khiến bà cụ và anh ta phật lòng cơ mà. Hay tại lỗi của hai người ở trước nên anh ta mới ác cảm với Ôsin đến vậy? Thảo nào, từ hôm cô đến, anh ta chưa hề hỏi han trò chuyện với cô lấy một lần. Đi thì chớ, về đến nhà là anh ta leo lên phòng riêng, đóng kín cửa. Đến bữa xuống ăn. Ăn xong, bỏ bát đứng dậy, lại lên phòng. "Một con người khinh khỉnh". Cô nhận xét. Nhưng kệ, mình cứ làm đúng bổn phận của mình. Cô tự nhủ. Chờ cho cơn tức giận nguôi ngoai, chụm tay vốc nước rửa mặt, xóa đi nỗi ấm ức tủi hờn, cô mới lễ phép mời bà cụ với anh ta xuống ăn cơm. Có lẽ biết mình hơi quá lời, lúc ngồi ăn, anh ta bảo: "Tôi là thằng cương trực, có gì cứ muốn nói trắng ra, để trong lòng không chịu được. Nếu có điều gì không phải, cô Hảo thông cảm nhé". Cô mỉm cười: "Ơ kìa! anh có nói gì với em đâu nào?". Vẫn là mâm cơm như mọi khi, nhưng sao không khí bữa ăn chẳng giống như mọi ngày. Nặng nề, tẻ nhạt quá. Sau này cô mới biết, chính trong lúc cô cố kìm cơn tức giận vào lòng, thì ở trên nhà bà cụ đang trừng mắt nhìn anh ta, cái nhìn nảy lửa. Chính ánh mắt ấy đã khiến anh ta phải nghĩ lại.

Một bữa anh ta gọi điện về không ăn cơm tối. Anh ta vẫn thường vậy. Một tuần đôi lần phải tiếp khách, hoặc "lai rai" với bạn bè. Cô lại phải thức để chờ tiếng chuông gọi cổng. Chín giờ rồi mười giờ, nhưng phải gần mười hai giờ đêm, mắt cô đã díp lại, ngủ gà ngủ gật, anh ta mới về. Cửa cổng vừa mở, anh ta loạng choạng dắt xe máy đi vào, suýt nữa đâm vào cô. Bước đi được vài bước, anh ta ngã vật xuống. Cũng may, cô nhanh tay giữ được chiếc xe máy chứ không thì đã đè vào người anh ta rồi. Anh ta nói câu gì đó cô nghe không rõ, chưa kịp hỏi lại thì miệng anh ta đã há ra, nôn thốc nôn tháo. Những món đặc sản của nhà hàng chưa kịp tiêu hóa, cùng với nhãi nhớt dây ra cả áo quần. Mùi rượu, mùi lên men của thức ăn tanh nồng khiến cô cũng suýt nôn theo. Nghe tiếng động lạ, bà cụ đã lăn được chiếc xe ra từ lúc nào. Nhìn cảnh ấy, bà cụ thốt lên: "Rõ khổ! Biết làm thế nào bây giờ. Bác thì thế này, cháu thì chân yếu tay mềm". Rồi như chợt nhớ ra, bà quay sang cô:

- Đưa bác cái điện thoại. Phải nhờ người đến đưa nó vào nhà. Mình cháu đưa làm sao được.

- Đừng… đừng bác ạ. Để người ngoài thấy cảnh này, không hay đâu. Cháu sẽ cố. Nói rồi, không ngần ngại, cô cúi xuống xốc anh ta đứng lên, xoay người để hai tay anh ta quàng qua cổ mình, cô cõng. Nhưng sức vóc bé nhỏ, cô không thể mang nổi một c‌ơ th‌ể cường tráng có trọng lượng gần gấp đôi trọng lượng của mình. Cô vừa cõng vừa kéo. Ì ạch mãi rồi cũng đi được vào nhà. Một thoáng phân vân trước bậc cầu thang, cô quyết định đặt anh vào giường của cô. Như một người chị chăm sóc đứa em trai, cô thay quần áo ngoài, cô rửa mặt, cô lau người… Cô pha nước bột sắn giã rượu cố nài anh uống. Cô kéo tấm chăn của mình đắp cho anh. Say, nhưng chưa đến độ không biết gì, thỉnh thoảng anh ta vẫn cố mở đôi mắt mệt mỏi nhìn cô, nửa như biết ơn nửa như ngượng nghịu. Bàn tay chăm sóc dịu dàng, và mỗi khi anh mở mắt nhìn cô, cô nhìn lại, ánh mắt cũng dịu dàng như đôi bàn tay. Tâm trạng thoải mái, bình yên, anh ta đã chìm dần vào giấc ngủ. Chờ cho anh ta ngủ say, cô mới mang quần áo anh ta đi giặt. Trước khi ra khỏi phòng, cô ý tứ lấy hết những vật dụng trong túi áo, túi quần ra, đặt lên đầu giường… Bà cụ không giúp được gì, nhưng có mặt bà ngồi đấy, khiến cô thêm vững lòng.

Đồng hồ quả lắc trên tường đã thong thả điểm hai tiếng. Hai giờ sáng rồi. Giường cô anh nằm. Giường anh, cô không thể. Bà cụ bảo, cô ngủ chung với bà nhưng cô từ chối. Ngồi mãi cũng mỏi lưng, cô nằm tạm trên chiếc ghế xa-lông ngoài phòng khách. Cũng định bụng chỉ nằm tạm thôi, nhưng giấc ngủ đã kéo đến lúc nào cô không biết. Đến khi tỉnh giấc, những tia nắng ban mai đang nhảy nhót trên cành hoa sứ trước thềm. Chiếc chăn mỏng cô đắp cho anh ta hôm qua, giờ lại được đắp trên người mình. Thấy cô đã dậy, bà cụ lăn chiếc xe đến:

- Cháu ngủ ngon quá, thằng Dũng bảo cứ để cho cháu ngủ. Nó đi làm rồi.

- Anh ấy đã khỏe hẳn chưa ạ?

- Hết say là lại tỉnh, chứ có ốm đau gì mà không khỏe.

-Thế… còn ăn sáng… cháu… cháu vô tâm quá.

Bà cụ cười (lần đầu tiên cô thấy bà cười) phô hàm răng ăn trầu đen nhức:

- Thằng Dũng nó mua xôi rồi. Có lẽ trời sắp sập. Nó đang để phần cho cháu đấy, cháu rửa mặt rồi ăn sáng đi.

*

Sau cái "đận" ấy, Dũng trở nên quý mến cô ra mặt. Đi thì chớ, về đến nhà Dũng thường tìm cách để gần gũi cô, tâm tình, trò chuyện. Khoảng cách giữa "ông chủ" và "Ôsin" như anh ta nói hôm nào, đã bị chính anh ta xóa bỏ. Mới đấy mà đã 3 tháng rồi. Ba tháng. 90 ngày. Con bé Hảo nhà quê đã là người thành phố. Móng chân, móng tay không còn cáu vàng nước đồng chua, làn da không còn rám nắng. Gọi là "đi ở" nhưng công việc chẳng đáng gì so với việc nhà ở quê. Nấu nướng thì đã có bếp ga, có nồi cơm điện. Giặt giũ, chỉ cần vò xà phòng rồi cho vào máy là xong. Có máy hút bụi thay cho quét nhà. Không còn cảnh "đầu tắt mặt tối". Ăn uống lại đầy đủ, đúng giờ. Cô như dảnh lúa xuân đang thì con gái, mỗi ngày mỗi đẹp ra. Mơn mởn. "Cái đẹp của gái thị thành kiêu sa, khinh bạc, còn cái đẹp của gái nhà quê đằm thắm dịu dàng" - Có lần anh con trai bà chủ đã thốt lên với cô như thế. Cô cũng biết mình đẹp. Lúc ra đường hay đi chợ, chiếc nón lá đội đầu làm duyên, cô đã khiến cho bao cặp mắt đổ dồn nhìn theo. Bất chợt, cô lại nhớ đến Hòa. Tết này về (Hòa bảo thế) tha hồ mà khen mà nịnh nhé. Hôm qua nhắn tin cho người ta lại còn nhắc khéo: "Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Đấy là "em" của Nguyễn Bính, còn em của anh, anh tin, sẽ không có chu‌yện ấ‌y xảy ra phải không em?". Cũng văn thơ ra trò rồi đấy, chàng lính biển ạ. Chẳng bù cho lần nghỉ phép trước, đến nhà người ta chơi, miệng như ngậm hạt thị. Hỏi gì nói nấy rồi mang điện thoại ra nghịch. Người đâu mà…

Kéo lại hai tà áo cho thẳng thớm, cô quay người bước đi, thoáng có bóng người sau chiếu nghỉ cầu thang lùi lại. Cô giả như không nhìn thấy, đi thẳng đến phòng bà cụ:

- Hôm nay bác muốn ăn gì ạ?

- Nếu có cua đồng, cháu mua về nấu bát canh cháu nhé.

Cô xuống sân, vừa treo cái làn vào ghi đông xe đạp, tiếng chân Dũng bước vội xuống cầu thang:

- Để anh đưa em đi. Hôm nay anh cũng có việc phải đi qua chợ mà.

- Ối! Không được đâu! Em đi còn về sắc thuốc cho bác, chờ anh đến bao giờ - Nói rồi cô dứt khoát dắt xe ra khỏi cổng. Dũng đứng ở cửa tần ngần nhìn theo.

Đây không phải là lần đầu tiên cô từ chối "thiện chí" của anh. Lần trước, thấy cô ngồi vò xà phòng một lúc ba cái vỏ chăn trước khi cho vào máy giặt, anh đã kéo ghế ngồi xuống cạnh cô, vò giúp. Bọt xà phòng nổi tràn miệng chậu, trắng xóa. Nổi tràn che khuất cả những bàn tay. Tay anh đã lần tìm dưới đáy chậu nắm lấy bàn tay cô. Cô khẽ rùng mình giật vội bàn tay lại: "Hình như bác gọi em". Vừa nói cô vừa đứng bật dậy bước ra ngoài, mặc dù bà cụ vẫn ngồi im trên chiếc xe lăn, miệng nhai trầu, mắt nhìn lơ đãng ra sân. Đằng sau những cử chỉ, những lời nói ấy, không phải cô không biết anh muốn gì. Cứ tưởng khéo léo từ chối thế là xong. Nào ngờ…

Một buổi tối.

Bữa ấy trời se lạnh. Cơm nước dọn dẹp xong cô đi tắm. Phòng tắm, ánh điện mờ ảo. Thân thể cô tho‌ּát y, đẹp mịn màng như bức tượng thạch cao. Eo thắt, mông nở. Hai bầu v‌ú tròn căng. Nước pha vừa đủ ấm, cô thong thả rê vòi hoa sen lên khắp người, thích thú như trẻ nhỏ. Kỳ cọ. Mơn man. Thỉnh thoảng lại dừng tay, ngắm nghía từng bộ phận c‌ơ th‌ể. "Xịch"! Cánh cửa phòng tắm bật mở. Dũng đột ngột hiện ra, mắt rực lửa, giọng run lên khao khát: "Em… em đẹp quá! Cho anh…Cho anh ôm…cái nào…". Bị bất ngờ, cô chết lặng, mặt tái mét, sợ run lập cập. Nhưng phản xạ tự nhiên, cô né người, tránh được vòng tay của Dũng. Cô lùi sát vào chân tường, tay lăm lăm cái vòi hoa sen vẫn đang phun nước rào rào: "Anh Dũng… dừng lại… đừng vì một phút nông nổi mà làm hoen ố danh dự của anh… của gia đình… còn… anh cứ cố tình… buộc em phải tự vệ…". Dũng đứng khựng lại như xe phanh gấp, miệng lấp bấp: "Cô… cô…". Chắc là nghe tiếng hai người qua lại, bà cụ ngồi ở trên nhà hỏi vọng xuống: "Có chuyện gì vậy cháu?". Cô nhanh ý nói to: "Vòi nước bị tắc bác ạ. Anh Dũng đang sửa". Như gáo nước lạnh dội xuống, ngọn lửa si mê trong Dũng tắt lịm. Anh ngượng ngập bước ra ngoài. Cô kéo lại cửa, ôm mặt bật khóc, tủi phận. Tiếng khóc của cô hòa với tiếng nước xối rào rào.

Hôm sau, hôm sau và hôm sau nữa, Dũng lầm lì ít nói, về đến nhà là lên phòng riêng đóng cửa lại. Còn cô, chẳng biết trong lòng cô nghĩ gì nhưng bên ngoài cô vẫn vui vẻ với Dũng chẳng có biểu hiện gì khác cả. Phải sang ngày thứ tư, Dũng mới chủ động xuống bếp giúp cô nhặt rau, giọng hối lỗi: "Hảo tha lỗi cho tôi nhé. Bữa ấy, uống chút rượu vào tôi không làm chủ được mình". Hảo dịu dàng: "Em biết, anh không phải là người xấu, nếu xấu, em đã bỏ đi ngay tối hôm ấy rồi. Đó chỉ là phút xốc nổi bốc đồng thiếu suy nghĩ…". Cô cười, hàm răng lấp lóa. Còn anh, tự nhiên anh lại nghĩ về những loài hoa đồng nội, sắc không thắm nhưng lại rất đậm hương trong những lần anh về thăm quê ngoại.

Nguyễn Bá Doanh

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật