Cuốn sách về thư gửi vợ của hai người lính đối đầu chiến tuyến

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuốn sách “Thư chiến trường“ là những trang viết của nhà phê bình Ngô Thảo - người lính Việt Nam và ông Donald C.Lundquist - người lính Mỹ - gửi cho vợ khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam.
Cuốn sách về thư gửi vợ của hai người lính đối đầu chiến tuyến
Bìa tiếng Việt sách “Thư chiến trường“.

Jacqueline Lundquist là một phóng viên người Mỹ. Chị là con gái của Donald C.Lundquist - một người lính từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Donald C.Lundquist đã mất, nhưng những bức thư mà ông gửi cho vợ con từ chiến trường miền Nam Việt Nam vẫn được giữ gìn cẩn thận. 300 bức thư của cha được cô tập hợp lại và xuất bản thành sách Những bức thư từ Việt Nam. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dành nhiều lời khen ngợi cho Jacqueline và cuốn sách.

Gia đình nhà văn Ngô Thảo và cô Jacqueline Lundquist (hàng trên, ngoài cùng bên trái).

Một hãng phim của Hollywood quyết định chuyển thể những bức thư đó thành phim. Năm 2013, Jacqueline Lindquist tới Việt Nam để tìm hiểu về những nơi cha mình đã đặt chân tới. Thông qua một người bạn, Jacqueline gặp Ngô Thị Bích Hạnh, con gái nhà văn Ngô Thảo, đồng thời là một người làm phim ở Việt Nam. "Đọc lướt qua những trang sách của Jacqueline, tôi chợt nhớ đến những bức thư ba thường gửi cho mẹ cũng thời chiến tranh mà ngày bé chúng tôi vẫn thường đọc trộm trong tủ sách gia đình... Chúng tôi quyết định làm cuốn sách chung" - chị Ngô Thị Bích Hạnh nói. Cuốn sách Thư chiến trường ra đời như vậy.

Sách in song ngữ, gồm những bức thư của hai người lính ở hai đầu chiến tuyến gửi cho vợ con ở quê nhà. Trong thư có thể thấy sự khác biệt ở hoàn cảnh, cuộc sống của hai người viết thư. Donald C.Lundquist là người lính chuyên nghiệp đi chiến đấu khắp các chiến trường, ông tới Việt Nam từ năm 1967 đến 1968. Còn Ngô Thảo là một người lính bất đắc dĩ, ông theo nghiệp bút nghiên, sau khi tốt nghiệp đại học về công tác ở viện Văn và tham gia chiến trường năm 1965. Nếu như Donald có cuộc sống khá đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần thì Ngô Thảo cùng đồng đội phải chịu cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề; đến cả giấy bút viết thư về cho vợ con cũng khan hiếm.

Những trang viết gửi vợ con của hai người đàn ông với văn phong khác nhau, nhưng cho thấy những khát khao trở về với gia đình trong hòa bình. Thư của Donald C.Lundquist gửi vợ - bà Ruth - và con gái Jacqueline tràn đầy tình yêu, tình thương nồng nàn, thể hiện trực diện, bằng những ngôn từ táo bạo. Còn thư của Ngô Thảo gửi vợ - bà Vũ Thị Bích Lộc - và con gái Ngô Thị Bích Hiền cũng thể hiện tình yêu, những nhớ nhung, lo lắng bằng văn phong ý nhị.


Nhà văn Ngô Thảo nói ông và người lính Mỹ khác nhau rất nhiều, tuy nhiên cả hai đều giống nhau ở tâm thế ra trận. Đó là ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, với dân tộc, với nghề nghiệp, chứ không phải những kẻ hiếu chiến, khát máu...

Sách Thư chiến trường được in song ngữ Việt - Anh. Ẩn chứa trong đó là tình yêu, tình thương với vợ con, những mong nhớ, lo lắng cho cuộc sống người thân ở quê nhà. Không những thế, sách còn chứa đựng một phần lịch sử của cuộc chiến, tố cáo những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra, cũng như khát vọng hòa bình của con người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật