Bất ngờ với trí thông minh của các loài động vật (P2)

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những sự thật khó tin mà thú vị, kì lạ về thế giới động vật, khoa học tự nhiên, thiên nhiên kì thú, những điều con người ít biết chưa biết về thế giới xung quanh ta. Trên thực tế có khá nhiều điều thú vị về trí thông minh của các loài động vật mà các nhà khoa học đã đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Bất ngờ với trí thông minh của các loài động vật (P2)
Ảnh minh họa

6. Ruồi giấm cũng suy nghĩ trước khi hành động

Tuổi thọ của một con ruồi giấm chỉ kéo dài khoảng 60 ngày, do đó trên thực tế chúng không có nhiều thời gian để phát triển được khả năng nhận thức. Tuy nhiên một nghiên cứu của đại học Oxford cho thấy rằng ruồi giấm cũng suy nghĩ trước mỗi hành động của mình. Thậm chí chúng mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ trước những quyết định khó khăn.

Các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm, trong đó những con ruồi giấm được cho vào một chiếc hộp kín và chỉ có hai lỗ nhỏ ở hai đầu. Ở mỗi đầu các nhà khoa học đặt hai hệ thống điều chỉnh nồng độ mùi khác nhau, trong đó một đầu được đặt cố định. Họ tiến hành thí nghiệm với việc điều chỉnh các nồng độ mùi khác nhau.

Với nồng độ mùi có sự chênh lệch lớn, những con ruồi dễ dàng lựa chọn được hướng để bay ra ngoài chiếc hộp. Tuy nhiên khi các nhà khoa học điều chỉnh cho nồng độ mùi của hai hướng gần giống nhau, những con ruồi mất nhiều thời gian hơn để quyết định được hướng bay. Họ rút ra kết luận rằng chúng đã giành thời gian để thu thập thông tin trước khi hành động.

7. Voi châu Á biết an ủi đồng loại gặp nạn

An ủi và đồng cảm là điều ít thấy ở các loài động vật, vì nó thể hiện về mặt cảm xúc và mối quan hệ đối với đồng loại. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí PeerJ cho biết loài voi châu Á biết cách an ủi đồng loại khi gặp nạn.

Các nhà khoa học đã quan sát 26 con voi châu Á được nuôi trong sở thú tại Thái Lan trong vòng một năm. Họ phát hiện ra rằng, khi một con voi trở nên căng thẳng hoặc hoảng sợ khiến nó chạy loạn hoặc gầm lên. Lập tức những con voi khác cùng trong đàn sẽ đến bên cạnh và an ủi đến khi con voi đó trở lại bình tĩnh.

Những con voi an ủi đồng loại của mình bằng âm thanh có tần số thấp như tiếng thổi gió hay huýt sáo, hoặc chúng cũng có thể sử dụng các bộ phận c‌ơ th‌ể như vòi hoặc tai để an ủi. Chúng cũng có xu hướng an ủi theo bầy đàn, những con voi khác có thể tạo thành một vòng tròn bảo vệ xung quanh nhằm khiến con voi đó cảm thấy an toàn và được bảo vệ.

8. Sói có khả năng bắt chước tốt hơn chó nhà

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE , các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con sói quan sát và học hỏi lẫn nhau tốt hơn cả những con chó được con người thuần dưỡng. Họ đã tiến hành nghiên cứu trên 14 con sói và 15 con chó lai khoảng 6 tháng tuổi. Trong cuộc thử nghiệm, những con sói và chó phải mở được chiếc hộp gỗ để có thể lấy được thức ăn.

Ban đầu chúng không được xem hướng dẫn cách mở hộp, kết quả là không có một con sói nào mở được nắp hộp, trong khi có một vài chú chó làm được. Sau đó, chúng được các nhà khoa học làm mẫu một lần, kết quả đáng ngạc nhiên khi tất cả các con sói đều hoàn thành nhiệm vụ sau đó, trong khi chỉ có 6 chú chó có thể làm được.

Các nhà khoa học tin rằng loài sói có mối liên hệ bầy đàn tốt hơn, chúng phụ thuộc vào nhau và do đó chúng dễ dàng học tập lẫn nhau hơn loài chó. Đây cũng là cơ sở cho sự phát triển mối quan hệ xã hội giữa loài chó với loài người so với đồng loại của chúng.

9. Chuột có bộ nhớ như RAM trong máy tính

Chuột cũng có bộ nhớ ngắn hạn giống như RAM trong máy vi tính, nhằm lưu trữ những thông tin truy cập ngẫu nhiên nhằm giải quyết các sự việc hiện tại. Con người cũng có bộ nhớ ngắn hạn với chức năng tương tự, nó giúp chúng ta xử lý những thông tin tức thời một cách nhanh chóng như khi bạn chơi game. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là bộ nhớ ngắn hạn chỉ có ở các loài động vật bậc cao như con người.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài chuột có phản ứng với những rung động ở râu của chúng nhiều như phản xạ của con người với bàn tay. Bộ nhớ ngắn hạn giúp chúng nhanh chóng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định chính xác. Mặc dù chưa thể xác định chính xác cách thức cũng như vùng não bộ nào quản lý bộ nhớ ngắn hạn của loài chuột, nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng từ những nghiên cứu này, họ có thể tìm ra những điểm tương đồng giữa bộ não con người và não loài chuột nhằm tiến hành nhiều thử nghiệm trong tương lai.

10. Có loài động vật sống bằng cách trộm cắp

Không chỉ có con người mới biết trộm cắp để kiếm sống, mà ngay cả loài vật cũng có nghề trộm cắp. Các nhà nghiên cứu tại đại học Duke đã phát hiện ra loài vượn cáo có thói quen ăn cắp thực phẩm của các loài khác, trong đó có cả thức ăn của con người. Cách thức ăn cắp đồ ăn của vượn cáo cũng rất tinh vi, chúng biết cách chọn thời điểm mà người chủ không để ý để có thể lấy được đồ ăn.

Các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm trong đó những con vượn cáo được đặt trước một đĩa thức ăn trong phòng cùng với một người. Trong khoảng thời gian người đó ngồi trước đĩa thức ăn, con vượn cáo không có hành động gì kỳ lạ. Tuy nhiên khi quay lưng lại đĩa thức ăn, lập tức con vượn cáo đã lấy thức ăn trên đĩa và mang vào một góc để giấu kín. Kết quả của cuộc thử nghiệm cho thấy thói quen trộm cắp đã hình thành từ các loài vật chứ không phải chỉ có con người với bộ não phát triển mới biết cách trộm cắp.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật