Miroslav Klose: Thợ săn bàn vĩ đại ra đời như thế nào?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh đến với bóng đá một cách muộn mằn, và tình cờ. Anh không sở hữu phẩm chất tốt đẹp nào để có thể trở thành một ngôi sao bóng đá.
Miroslav Klose: Thợ săn bàn vĩ đại ra đời như thế nào?
Klose là cây ghi bàn số 1 tuyển Đức (71 bàn) và World Cup (16 bàn)

Anh vốn chỉ là thợ (mộc). Và khi chơi bóng, anh cũng vẫn chỉ là thợ. Nhưng sự cần cù đã biến anh thành thợ săn bàn vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup. Anh là Miroslav Klose.

XUẤT PHÁT ĐIỂM QUÁ TẦM THƯƠNG

Bây giờ, cầu thủ chuyên nghiệp ở tuổi 17 xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Trong đội tuyển Đức tham dự World Cup 2014, có tiền vệ Julian Draxler mới 20 tuổi. Hồi Draxler ghi bàn đầu tiên cho Schalke ở giải Bundesliga, anh còn trẻ đến nỗi có người rảnh rỗi đưa đơn kiện Schalke về tội lạm dụng lao động ở độ tuổi v‌ị thà‌nh niê‌n! Ở độ tuổi ấy, Miroslav Klose còn đang là một... thợ mộc, mới ra nghề!

Trận đấu đỉnh cao đầu tiên của Klose, trong màu áo Kaiserslautern ở giải Bundesliga, diễn ra khi anh đã 22 tuổi. Cũng ở độ tuổi 22, Mario Goetze đã ghi bàn quyết định vào lưới Argentina trong trận chung kết, đưa Đức lên ngôi vô địch World Cup 2014!

Cứ nhìn vào xuất phát điểm “khiêm nhường” như thế, chẳng ai nói Klose sau này sẽ là ngôi sao bóng đá. Càng không thể tưởng tượng nổi rằng sẽ có ngày anh đi luôn vào huyền thoại, trở thành cây làm bàn cừ khôi nhất trong lịch sử World Cup, sánh vai Pele trong bảng vàng kỷ lục, thậm chí còn làm được rất nhiều điều quan trọng mà “Vua bóng đá” cũng không làm được.

Một mặt, Klose chỉ đến với bóng đá một cách ngẫu nhiên. Anh chơi bóng trong thời gian rảnh rỗi chứ không thuộc mẫu ngôi sao được đào tạo bài bản từ tuổi 13, kiểu Lionel Messi trong lò trẻ La Masia nổi tiếng. Mặt khác, Klose chưa bao giờ là một ngôi sao danh giá.

Bây giờ, anh đã sở hữu một trong những kỷ lục quan trọng nhất trên đấu trường World Cup, đã trở thành cây làm bàn vĩ đại nhất trong lịch sử Mannschaft, với 71 bàn thắng trong 137 lần khoác áo ĐTQG. Nhưng sẽ không ai đặt Klose ngang hàng với Zinedine Zidane, di‌ego Maradona, Johan Cruyff hoặc Michel Platini. Anh thậm chí không được xếp chung mâm với Dennis Bergkamp, Gabriel Batistuta hoặc Roberto Baggio.

LUÔN CẦN CÙ VÀ CHẮT CHIU CƠ HỘI

Klose trở thành tượng đài vĩ đại nhất về khả năng ghi bàn ở World Cup, nhưng người ta sẽ chẳng bao giờ nhắc lại và mổ xẻ, bình phẩm một pha ghi bàn của Klose, như cách thưởng thức bóng đá thường thấy. Cứ việc nhường hết các pha xử lý lắt léo, tài tình, kinh ngạc, sáng tạo... cho các ngôi sao danh tiếng. Phần mình, Klose chỉ chăm bẵm vào yêu cầu quan trọng nhất đối với một tiền đạo. Đưa được quả bóng vào lưới, thế là hoàn thành nhiệm vụ.

Anh luôn tìm cách đón những quả tạt và cố dùng đầu để lái quả bóng vào lưới. Anh chăm chú dự đoán vị trí bóng sẽ nẩy ra để chớp cơ hội. Anh cố len mình vào rừng chân cầu thủ trong khu cấm địa và lạnh lùng đẩy bóng vào lưới một cách đúng lúc, đúng chỗ.

Trong toàn bộ 16 bàn thắng làm nên kỷ lục World Cup của Klose, không có bàn nào được ghi từ khoảng cách xa hơn 10m. Và dĩ nhiên, cũng chẳng có bàn nào đáng gọi là “siêu phẩm” hay “tuyệt chiêu”, như cách người ta vẫn hay gọi các bàn thắng của Arjen Robben, Robin van Persie, hoặc... cầu thủ Australia Tim Cahill!

Khoan bàn về giá trị nghệ thuật, Klose thậm chí không có cả những giá trị thông thường mà một tiền đạo cần có. Anh thường xuyên chấn thương và rất ít khi chiến thắng trong những cú va chạm 5-5 với cầu thủ đối phương. Cũng hiếm thấy Klose có một pha bứt tốc, thắng đối thủ bằng tốc độ. Anh dường như... chẳng có gì, ngoài sự cần cù và chuyên tâm. Anh vốn là thợ (mộc). Và khi chuyển sang bóng đá đỉnh cao rồi thành công vang dội, anh cũng vẫn chỉ là thợ. Một thợ săn bàn vĩ đại!

KLOSE RẤT TỪ TỐN, KHIÊM NHƯỜNG

Ngay từ lần đầu tiên khoác áo Mannschaft (người ta hoài nghi: HLV Rudi Voeller gọi Klose vào đội tuyển Đức là để chấm dứt vĩnh viễn khả năng anh khoác áo đội tuyển Ba Lan, theo nguồn gốc), Klose đã tỏ rõ phẩm chất tuyệt vời nhất của mình. Anh vào sân ở phút 73 và đội đầu, ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 cho Đức ở phút 75, trong trận gặp Albania ở vòng loại World Cup 2002.

Bốn ngày sau, Klose lại vào sân ở phút 67 và ghi bàn nâng tỷ số lên 3-2 cho Đức ở phút 82, trong trận gặp Hy Lạp cũng ở vòng loại ấy. Từ đó trở đi, số bàn thắng của Klose cứ tăng mãi. Rồi Klose xô ngã kỷ lục ghi bàn cho đội tuyển Đức của huyền thoại Gerd Mueller trước khi chinh phục kỷ lục ghi bàn ở World Cup của “Người ngoài hành tinh” Ronaldo.

Bốn năm trước, Đức tranh hạng Ba World Cup 2010 với Uruguay. Khi ấy, Klose chỉ cần thêm 1 bàn là ít nhất cũng chia sẻ được kỷ lục ghi bàn trên trận địa World Cup của Ronaldo. Nhưng, bất chấp đặc điểm thường thấy của một trận tranh hạng Ba (nhiều bàn thắng, chẳng phải ai cũng quyết chiến, và suy cho cùng thì hạng Ba chỉ có ý nghĩa an ủi), HLV Joachim Loew vẫn để Klose ngồi ngoài. Anh không hề băn khoăn.

Rồi Klose bỏ CLB danh giá Bayern Munich, sang Lazio để tiếp tục thi đấu một cách thường xuyên. Người ta cho rằng anh chưa chịu... già. Ít ai biết rằng, anh đã trở thành cầu thủ Lazio đầu tiên ghi được 5 bàn trong một trận đấu (vào lưới Bologna). Thái độ từ tốn, khiêm nhường của Klose cũng là một phần nguyên nhân làm cho anh trở nên vĩ đại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật