Thị trường gạo thế giới tuần 14-18/7

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết thúc tuần 14-18/7/2014, Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu đạt 473 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước.
Thị trường gạo thế giới tuần 14-18/7
Ảnh minh họa

Trong Báo cáo Triển vọng Lúa gạo tháng 7, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán sản lượng gạo trắng toàn cầu năm 2014-2015 sẽ đạt 479,4 triệu tấn, tăng nhẹ so với dự báo trước đó, chủ yếu nhờ diện tích gieo cấy tăng thêm. Tiêu thụ gạo toàn cầu ước tính đạt 482,4 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2013-2014, trong khi dự trữ đạt 108,5 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2013-2014.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2015 được dự báo đạt 41,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2014.

Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế Liên hợp quốc (Ủy ban Codex - CAC) đã ban hành quy định mới về hàm lượng asen chấp nhận được trong gạo. Theo đó, hàm lượng asen tối đa trong gạo được quy định là 0,2 miligram asen/1 kg gạo.

Thái Lan

Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 425 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước và tăng 40 USD/tấn so với tháng trước, nhưng giảm 45 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính quyền quân sự đã thông báo kế hoạch ổn định giá lúa niên vụ chính 2014 ở mức 8.500 baht (264 USD)/tấn.

USDA dự đoán Thái Lan sẽ vượt Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2015 với khối lượng xuất khẩu đạt 10 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2014 nhờ nguồn cung dồi dào và giá thấp hơn.

Ủy ban Thương mại Thái Lan (BoT) đã đề xuất 5 chiến lược lúa gạo trị giá 20 tỷ baht (621 triệu USD), bằng 1/10 chi phí của chương trình trợ giá lúa gạo. Đây là một phần trong sáng kiến phát triển ngành lúa gạo bền vững mà BoT trình lên Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO).

Các chiến lược gồm: Thúc đẩy tự túc lúa gạo; áp dụng công nghệ canh tác hiện đại; khuyến khích chuyển đổi cây trồng thay thế lúa gạo; tập trung vào chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động thương mại lúa gạo mà không có sự can thiệp của chính phủ.

Ấn Độ

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 440 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tuần trước và không thay doodirr so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Theo Kết quả Khảo sát Vòng thứ 68 Tiêu thụ hộ gia đình hàng hóa và dịch vụ của Văn phòng Khảo sát Quốc gia Ấn Độ, tỷ lệ mua gạo qua Hệ thống Phân phối công cộng Ấn Độ (PDS) tăng đáng kể giai đoạn 2014/2015 – 2011/2012, chủ yếu do giá gạo tại thị trường tự do cao hơn nhiều so với giá gạo phân phối qua PDS. Trong khi đó, tiêu thụ gạo đầu người PDS cũng tăng 2 lần tại khu vực nông thôn và tăng 66% tại khu vực thành phố.

Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, tính đến 18/7, diện tích gieo cấy vụ Kharif (tháng 6-tháng 9) đã đạt 12,736 triệu ha, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

USDA dự đoán xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2015 đạt 9 triệu USD, giảm 10% so với năm 2014.

Chính phủ Ấn Độ đã bãi bỏ thuế nhập khẩu cám gạo – trước đây thuế suất là 15%, với hy vọng động thái này sẽ kíc‌h thí‌ch ngành chế biến dầu cám gạo trong nước.

Việt Nam

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời điểm kết thúc tuần 7-11/7/2014 đạt 435 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước và cùng kỳ năm 2013.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tổng khối lượng xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 10/7 đạt 3,182 triệu tấn, trị giá FOB 1,377 tỷ USD, trị giá CIF 1,451 tỷ USD, giảm 22% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2013. Giá xuất khẩu trung bình tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với 123,600 tấn, chiếm 69,1% tổng khối lượng xuất khẩu, tiếp đến là châu Mỹ với 37.000 tấn, chiếm 20,77%, và châu Phi với 10.917 tấn, chiếm 6,1%.

Các chuyên gia tại Việt Nam đang lên tiếng ủng hộ tầm quan trọng của chuỗi giá trị kết nối sản xuất, phân phối và xuất khẩu nhằm giúp đảm bảo giá hợp lý cho nông dân.

USDA ước tính sản lượng gạo của Việt Nam sẽ tăng lên 28,2 triệu tấn năm 2014-2015.

Pakistan

Gạo 5% tấm Pakistan được chào bán với giá 440 USD/tấn, không đổi so với tuần trước đó, nhưng giảm 10 USD/tấn so với tháng trước trong khi tăng 15 USD/tấn so với năm ngoái.

Pakistan và Iran đang thảo luận về hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa sao cho không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hơp quốc đối với Iran.

Nam Mỹ

Theo số liệu của viện lúa gạo Rio Grande do Sul (IRGA), xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2014 của Brazil đạt 677.176 tấn, giảm 44% so với 1,29 triệu tấn của cả năm 2013.

Venezuela hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Brazil với 141.524 tấn, chiếm 21% tổng lượng gạo xuất khẩu của Brazil, tiếp đến là Cuba với 115.329 tấn, chiếm 17%.

Ngoài ra, Brazil còn xuất khẩu 86.202 tấn gạo sang Sierra Leone (chiếm 13%), xuất 68.331 tấn sang Senegal (chiếm 10%) và 39.883 tấn sang Gambia (chiếm 6%).

Theo số liệu của viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), ước tính sản lượng lúa của Brazil năm 2014 đạt 12,3 triệu tấn, tăng 4,23% so với 11,76 triệu tấn năm 2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán Brazil sẽ xuất khẩu 950.000 tấn gạo trong năm tài khóa 2013-2014 (tháng 4/2014 – tháng 3/2015), tăng 13% so với 840.000 tấn năm 2012-2013.

Gạo 5% tấm của Uruguay và Argentina được chào báo với giá 625 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Theo tờ Clarin của Argentina, María Gabriela Chávez, con gái của cố tổng thống Venezuala Hugo Chávez, đã bị buộc tội “tạo điều kiện thuận lợi” cho một công ty gạo Argentina về việc xuất khẩu 37.000 tấn gạo vào Venezuela với giá cao quá mức.

Mỹ

Gạo 4% tấm của Mỹ thời điểm kết thúc tuần 18/7/2014 có giá 555 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 25 USD/tấn so với tháng trước và giảm 60 USD/tấn so với năm ngoái.

Theo báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản thế giới mới nhất của USDA, xuất khẩu gạo của Mỹ sẽ tăng lên 4,85 triệu tấn năm tài khóa 2014-20145 (tháng 8 – tháng 7 năm sau), tăng 14% so với năm 2013-2014. USDA cũng dự báo nhập khẩu gạo của Mỹ sẽ giảm xuống 950.000 tấn trong năm 2014-2015, giảm 9% so với năm trước đó. Trong khi đó, sản lượng gạo được dự báo tăng lên 7,2 triệu tấn trong năm 2014-2015, tăng 18% so với năm trước đó, chủ yếu do diện tích gieo trồng tăng.

Giá gạo vụ trước giao tháng 7 tại trại (FOB) đạt 15 USD/cwt, tương đương 331 USD/tấn (1 cwt ≈ 45,36 kg), mặc dù hầu hết người bán vẫn hy vọng bán ra với giá 16 USD/wct, tương đương 355 USD/tấn.

Giá gạo giao tháng 9 trên sàn CBOT hồi phục chậm sau khi giảm xuống 12,785 USD/cwt, tương đương 282 USD/tấn hôm 15/7.

Các thị trường khác

Gạo 5% tấm của Campuchia được chào với giá 445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng tăng 5 USD/tấn so với tháng trước.

Chính phủ Philippines sẽ tái tập trung vào việc hỗ trợ cho người trồng lúa bằng cách hạ thấp chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lúa, đồng thời sẽ dừng chương trình hỗ trợ giá cho nông dân trồng lúa thông qua Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA).

Trong một diễn biến khác, Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Manila (USDA Post) ước tính Philippines sẽ nhập khẩu 1,45 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2013-2014 (tháng 7/2013-tháng 6/2014), giảm 28% so với ước tính chính thức của USDA, nhưng tăng 3,5% so với 1,4 triệu tấn nhâp khẩu năm 2012-2013.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Indonesia, thặng dư gạo của nước này năm 2014 có thể đạt kỷ lục 4,2 triệu tấn, bất chấp sản lượng lúa giảm 2%.

Đầu tháng 7, Cục Thống kê trung ương (BRS) đã ước tính sản lượng lúa năm 2014 của Indonesia đạt 69,8 triệu tấn, giảm 2% so với 71,28 triệu tấn năm 2013.

Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, sản lượng lúa 69,87 triệu tấn là thừa đủ để đáp ứng nhu cầu của 252.165 triệu dân nước này, và Indonesia vẫn sẽ đạt mức thặng dư gạo 4,2 triệu tấn trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp đã bác bỏ nhu cầu nhập khẩu thêm gạo trong năm 2014 khi cho rằng sản lượng nội địa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Ngày 18/7, chính phủ Hàn Quốc thông báo quyết định dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo vào nước này từ năm 2015, song cho biết sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể để hạn chế nhập khẩu gạo tăng bất hợp lý và đánh thuế cao để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới nông dân trong nước.

“Đây là điều tất yếu và cũng là lựa chọn tốt nhất hiện có”, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Lee Dong-Phil cho biết. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ bảo vệ ngành công nghiệp nội địa bằng cách áp đặt mức thuế cao nhất được phép. Mặc dù Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn không nói rõ mức thuế sẽ được áp, nhưng theo các nguồn tin trong nước và các nhà phân tích, mức thuế đề xuất khoảng 300-500%. Mức thuế mới sẽ được WTO kiểm tra.

Công ty Thương mại Thực phẩm & Nông thủy sản quốc doanh Hàn Quốc (KAFTC) đã mở thầu mùa 44.158 tấn gạo từ Trung Quốc và Australia, Bloomberg đưa tin. Theo đó, KAFTC đang tìm mua khoảng 34.724 tấn gạo Trung Quốc giao hàng từ 30/11 – 31/21/2014, và tìm mua 9.434 tấn gạo Australia giao hàng từ 15-31/12/2014.

KAFTC sẽ mời các công ty tham gia đấu thầu vào 31/7/2014 và phiên thầu dự định sẽ diễn ra vào 1/8/2014.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật