Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 3: Người không muốn làm vua

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Già Siu Pon, năm nay đã 82 tuổi nhưng thần trí khá tốt, kể rành mạch câu chuyện mình từ bỏ vương vị Vua gió, kết thúc những Pơtao Angin trên vùng cao nguyên này.
Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 3: Người không muốn làm vua
Già Siu Pon, vị Vua gió đã... từ chức! - Ảnh: Trần Hiếu

Miền phiêu lãng của những Pơtao Angin

Ít ai biết, làng Plei Măng xã Chư A Thai, H.Phú Thiện (Gia Lai) có truyền thuyết, giai thoại về những Pơtao Angin, hay còn gọi là Vua gió. Cùng với Vua nước, Vua lửa, Vua gió ở Plei Măng đã được cộng đồng làng trao cho những trọng trách về tinh thần như cúng sức khỏe, cúng bến nước cho làng hay là khả năng hô mưa gọi gió. Họ được xem như những “thông ngôn” giữa cộng đồng và Yàng (Trời) để truyền đạt ý nguyện khẩn cầu.

Bà Kpah H’qua, năm nay đã 72 tuổi, dẫn chúng tôi đến mộ của Siu Ba - Vua gió đời thứ 3. Khác với tưởng tượng của chúng tôi, mộ của Siu Ba chỉ là một bãi đất bằng trong một lùm cây khá rậm rạp ở ven làng. “Ơi (chữ người đồng bào gọi ông theo nghĩa tôn trọng - PV) mất trước khi đất nước thống nhất (1975). Mình còn nhớ khi Ơi mất, cúng nhiều lắm. Gia đình không được giữ mồ mả, phải giao cho làng chăm nom. Vài năm sau từ mộ của Ơi mọc lên một cây non. Nó lớn rất nhanh. Quả ăn được nhưng người làng không dám hái, cứ để rụng, chim tới ăn nhiều”, bà H’qua kể.

Theo một số tài liệu, Siu Bam, sinh năm 1920, làm Pơtao Angin từ năm 1969 và mất năm 1988, là vị Vua gió thứ 5 và cũng là cuối cùng. Nhưng theo già Siu Pon (82 tuổi, ở Plei Măng) cho biết: “Pơtao Angin tồn tại đến 8 đời, đến năm 2001 mới kết thúc”. Già Pon kể rằng khi biết tin vua mất, dân trong vùng đem rượu, ghè đi cúng. Đặc biệt, những đồ đem đi cúng phải được khiêng, không được gùi để tỏ lòng tôn trọng với Ơi.

Dẫu tiếng tăm không vang xa như vùng đất của Hỏa Xá hay Thủy Xá, song dòng họ Siu làm Pơtao Angin ở khu vực này vẫn được người bản địa tôn trọng. Tại nhà bà Ksor H’Nhriu, con gái của đời Vua gió thứ 5 vẫn còn hai cái ché Tôk, ché Tang. Theo người trong làng thì đây là hai loại ché quý. Mỗi cái ché ngày xưa phải đổi nhiều con bò mới có được. Loại ché này chỉ làm rượu để cúng và tiếp khách quý.

Ngày xưa, Plei Măng cũng không được nuôi bò, chỉ nuôi trâu vì Vua gió kiêng ăn thịt bò. Hay những “quy ước” bắt buộc như: Người làng có mối quan hệ mới được đặt chân lên cầu thang, bước vào nhà vua. Điều tối kỵ là phụ nữ thì không được lên nhà vua… Vua gió cũng đi làm rẫy bình thường. Duy chỉ có điều là không được cưỡi voi, đi xe vì theo quan niệm, nếu không trời sẽ nổi giông lốc hại mọi người. Trong các làng vẫn còn truyền miệng rằng năm 1971, Pơtao Angin có đứa cháu là một sĩ quan chính quyền Sài Gòn mời ông đi dự một phiên xét xử ở Plei Blrok. Do khởi hành muộn nên viên sĩ quan nài nỉ ông ngồi lên chiếc xe máy chạy cho kịp giờ. Xe chạy mới được một quãng, trời đang nắng gắt bỗng chuyển giông. Gió cuốn mù mịt khiến chiếc xe chao đảo, hất cả hai người xuống vệ đường, lao vào một gốc cây bên đường.

“Làm Vua gió khổ lắm”

Già Siu Pon nói mình được người một số làng tiến cử làm Vua gió trong những năm từ 1998 - 2001. Ông kể: “Nhiều người làng ở H.Phú Thiện, thị xã Ayun Pa cũng công nhận, đến nhờ mình cúng mà. Mình mới chỉ cúng trong làng. Theo lệ của các Ơi trước, phải 5 năm sau khi được làm Pơtao Angin mới được cúng trâu. Trước đó chỉ cúng heo, gà, rượu. Mình mới cúng sức khỏe, cúng cầu mưa. Làm Vua gió khổ lắm, phải kiêng nhiều thứ. Mình không biết sao lại phải kiêng. Chắc kiêng ăn con bò, con ếch, nhái là do bò cày ruộng, ăn nó thì không có ai cày. Ếch nhái báo tin sắp có mưa”.

Dù chưa có lễ cúng chính thức nhưng nhiều làng vẫn mặc nhiên xem ông là Vua gió và dành cho già Pon sự kính trọng. Gọi là vua nhưng thực ra, nhà của vua chẳng hề có kẻ hầu người hạ, chẳng có quân lính như những đấng quân vương thực thụ. Bên cạnh vua chỉ có một đến hai người phụ tá giúp việc khi cần. Bình thường, vua cũng như phụ tá phải trần lưng với đồng đất để mưu sinh. Theo già Pon kể, do làm vua phải kiêng nhiều quá nên một số người từ chối khi được chọn. Họ sợ làm không tròn việc sẽ bị Yàng trách phạt, nguy hiểm tới tính mạng.

Già Pon sở dĩ mất “vương hiệu” là do già đã đưa con đi chữa bệnh, đến nhà thờ. Bởi, theo lệ tục, Vua gió là người của Yàng tin tưởng nên không được theo ai nữa. Gia đình già Pon đã cùng nhau theo một tôn giáo khác nên ông đã tự nguyện không... làm vua nữa, kết thúc một truyền thuyết lịch sử - văn hóa về Vua gió ở Tây nguyên.

Chúng tôi đã gặng hỏi già Pon về một câu chuyện được ghi chép trong một số nghiên cứu rằng: Khoảng năm 1980, Ơi Bam được Plei Tơmul mời đến ăn nhà mả. Khi ché rượu cần vừa châm nước, Ơi Bam chợt thấy Siu Luynh - Vua lửa đời thứ 14 đi ngang qua. Ông nhiệt tình mời vào cùng uống rượu. Khi cả hai chưa yên vị thì bỗng một cơn lốc ùa đến cuốn bay cả căn nhà mà Vua gió và Vua lửa đang ngồi. “Chuyện của ông bà, mình không dám nói. Nhưng có tục kiêng là các vua không được ngồi cạnh nhau, nếu không sẽ xảy ra họa về thiên nhiên, hay làng bị dịch, bị mất mùa…”, già Pon kể lại.

Siu Pon, ông Vua gió… “từ chức” đang sống một cuộc sống bình thường, như bao người dân bản địa nơi Plei Măng này. “Mình không tiếc gì cả. Không làm được việc cho mọi người thì phải nghỉ thôi. Giờ mùa khô nước cũng về đầy rồi. Đâu cần cầu mưa nữa”, già Pon dí dỏm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật