“Còn độc quyền xăng dầu, người tiêu dùng còn khổ”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa cho phép các DN được điều chỉnh tăng giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu. Nhưng lần tăng giá xăng thứ 5 này trong năm 2014, DN ngày đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận.
“Còn độc quyền xăng dầu, người tiêu dùng còn khổ”
Ngày 7 – 7 – 2014, giá xăng tiếp tục tăng 410đ/lít, đây là lần tăng giá thứ 5 tính từ đầu năm 2014.

Vai trò DN Nhà nước ở đâu trong ổn định kinh tế vĩ mô, năng lực điều hành của lãnh đạo DN xăng dầu… là những “dấu hỏi” mà người dân mong muốn được giải đáp. 

Gần nửa tháng, xăng 2 lần tăng giá

Ngày 7 - 7, liên Bộ Tài chính và Công thương cho phép DN xăng dầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ. Cụ thể, giá xăng tăng 410đ/lít, với xăng A92 lên 25.640đ/lít; A 95 lên 26.140đ/lít; Dầu di‌ezel tăng 290đ với dầu loại 0,05S lên 22.820đ/lít; Dầu mazut tăng 130đ/kg, với dầu mazut 3,5S lên 18.690đ/kg; Dầu hỏa tăng 410đ/lít lên 22.950đ/lít.

Đây là lần tăng giá thứ hai liên tiếp trong nửa tháng qua. Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng 5 lần và đây cũng là lần tăng mạnh nhất. Với lần tăng này, giá xăng đến gần hơn với ngưỡng 27.000đ/lít (xăng RON 95 ở vùng hai là 26.660đ/lít).

Trước đó, ngày 23 - 6, giá xăng RON 92 và RON 95 đồng loạt tăng thêm 330đ một lít. Cả hai lần tăng giá trong khoảng thời gian chưa đầy nửa tháng, giá xăng đã “đẩy” lên 740đ/lít. Nếu tính tổng cộng cả 5 lần tăng giá, tính từ đầu năm 2014 đến nay giá xăng tăng 1.440đ/lít.

Theo “lý giải” của Bộ Tài chính thì liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng dầu tối 8 – 7 là đúng quy định. Với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày. Việc này đã được cân nhắc tính toán hài hòa lợi ích của các bên, để tránh việc người tiêu dùng bị sốc.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 8 – 7, trả lời các câu hỏi của PV về việc giá xăng từ đầu năm 2014 đến nay liên tục tăng mà không giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết:

“Việc giá xăng liên tục tăng là do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp theo chiều hướng tăng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng thế giới từ ngày 5 - 6 đến ngày 6 - 7 đã tăng từ 116 USD/thùng lên 126 USD/thùng và biến động khó lường. Có lúc giá xuống 124 USD/thùng nhưng giá xăng tính bình quân theo chu kỳ 30 ngày là 122 USD/thùng. Vì vậy việc điều chỉnh giá xăng dầu đã được tính toán rất kỹ theo hướng kiềm chế bằng cách sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá. Nếu không sử dụng Quỹ bình ổn 500đ/lít thì mức điều chỉnh giá xăng dầu sẽ cao hơn nhiều mức đã tăng, giá xăng thực tế phải tăng khoảng 900đ/lít” -  ông Tuấn khẳng định.

Được biết, hiện tại giá xăng được điều hành theo hướng liên Bộ quyết định áp giá trần. Sau đó các DN tự quyết định mức giá tăng cụ thể trong trần cho phép.

“Dấu hỏi” về vai trò của DN Nhà nước trong ổn định kinh tế vĩ mô

Có thể thấy, giá xăng tăng trong điều kiện thu nhập của người lao động chưa được cải thiện đáng kể. Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh… chắc chắn sẽ gây sức ép rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt đối với các ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy, dư luận cũng đang đặt ra dấu hỏi về vai trò của DN xăng dầu trong trách nhiệm điều hành kinh tế vĩ mô.

“DN Nhà nước được xác định nắm vai trò kinh tế chủ đạo trong việc điều chỉnh nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều dấu hiệu suy thoái: Nhiều DN phá sản, thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động bị thất nghiệp, hàng hóa ế ẩm, thu nhập của người dân vẫn rất khó khăn… Vì thế, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được ban hành, nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định phát triển kinh tế vĩ mô; khẳng định vai trò quan trọng của khối DN quốc doanh trong việc thực thi nhiệm vụ này. Thế nhưng, các DN xăng dầu được xác định là DN mạnh của Nhà nước, những “đầu tàu” trong khối DN quốc doanh “điều chỉnh” giá lại chỉ thấy tăng mà không giảm. Điều này, rõ ràng là dễ gây cho người dân sự bức xúc, băn khoăn và đặt dấu hỏi về vai trò của các DN Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô” – Anh Nguyễn Thành Hưng, trú tại  tập thể K14 phường Bách khoa, Hà Nội bày tỏ ý kiến.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: “Kinh doanh xăng dầu cần phải công khai minh bạch. Nếu còn độc quyền thì người dân còn khổ”.     Ảnh: Sỹ Hào

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết: Tăng giá đã trở thành “điệp khúc biết rồi khổ lắm nói mãi” của ngành xăng dầu. Nếu còn duy trì tình trạng độc quyền như hiện nay, thì việc giá xăng trong nước tiếp tục tăng cao trong khi thiếu cơ sở thuyết phục là điều dễ xảy ra. Vấn đề xăng tăng giá, được nhìn nhận ở các góc độ sau:

“Thứ nhất, việc điều hành quản lý kinh doanh xăng dầu còn chưa minh bạch. Khi DN tăng giá thì cơ quan chức năng khơi khơi giải thích: giá xăng thế giới tăng, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, lần tăng này họ nói khoảng 900đ. Thế là được trích quỹ bình ổn “bù lỗ” đồng thời cho phép DN tăng 410đ/lít. Hiện tại Bộ Công thương chủ trì việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, như vậy khó tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” – khi vừa nắm giữ “con cưng” Petrolimex giữ vai trò thống lĩnh thị trường; vừa quản lý cạnh tranh; vừa điều hành xuất nhập khẩu đối với mặt hàng này nay lại trao thêm quyền chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu thì… không còn gì để nói.” – ông Vũ Vinh Phú băn khoăn.

Thứ hai, theo ông Vũ Vinh Phú kinh doanh xăng dầu mà có “lợi nhuận định mức” - trong cơ cấu giá thành “cho” DN hưởng “món” này là điều rất vô lý. Về nguyên tắc đã gọi là kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu. Nay cứ kêu lỗ thì được người dân bù lỗ, lại được đóng khung “lợi nhuận định mức” 300đ/lít, lấy từ tiền thuế của dân như vậy thì DN xăng dầu… sung sướng quá. Lại thêm chi phí hao hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng được tính tất vào giá thành để người tiêu dùng gánh chịu.

Giá nhập bao nhiêu nhập ở thời điểm nào? Chi phí hao hụt, chi phí vận chuyển… cũng chưa công khai minh bạch để mọi người được biết.

“Xăng dầu là đầu vào của toàn xã hội. Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 5%, thấp hơn 1/2 so với cùng kỳ của những năm kinh tế phát triển mạnh – điều này cho thấy đời sống của người lao động rất khó khăn, nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ rất hạn chế. Với thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/ tháng, xăng dầu tăng giá đồng nghĩa mọi thứ khác tăng, sẽ “ngốn” vào chi phí thịt, cá, sữa… Nếu vẫn còn độc quyền trong lĩnh vực này, thì người dân còn khổ” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.  

Ở góc độ người dân, rất nhiều ý kiến cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các DN xăng dầu phải là người có năng lực thật sự. Để biết khi nào nên nhập và xuất nguyên liệu cho được giá, đem lợi nhuận về cho quốc gia. Không thể chấp nhận mãi chuyện vác tiền thuế của dân đi kinh doanh mà lại “ấm ớ, gà mờ” nhập hàng vào thời điểm giá cao, bán cho nước ngoài vào thời điểm giá hạ, để rồi cứ ca mãi “điệp khúc” kinh doanh lỗ để người dân gánh chịu.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

“Kinh doanh xăng dầu tồn tại nhiều điểm vô lý. Theo quy luật mỗi lần tăng giá xăng đều khiến cước vận tải tăng, kéo theo chi phí của xã hội tăng. Lần tăng giá xăng hôm 7 - 7, các DN vận tải cũng chẳng lấy gì ra để bù mà buộc phải tính vào giá thành cho xã hội gánh chịu. Bởi vậy xã hội đang đòi hỏi đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thứ nhất là phải công khai minh bạch để người dân giám sát kiểm tra. Thứ hai, không có ngành nào mà kinh doanh mà lại được cho một khoản gọi là “lợi nhuận định mức”, bất kể hoạt động như thế nào thì khoản này cứ “bỏ túi” đã – lẽ ra DN phải được vận hành theo nguyên tắc sòng phẳng lời ăn lỗ chịu. Thứ ba, chi phí hao hụt (rất lớn) hiện cũng tính vào giá thành để người dân gánh chịu là vô lý. Việc này là do năng lực điều hành quản lý của DN, giảm được hao hụt thì lãi nhiều, không giảm được thì phải chịu, chứ sao lại đẩy cho người dân gánh?”

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật