Bộ Công Thương kêu gọi toàn dân giám sát tiền điện

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ghi hóa đơn sai là một giả thiết EVN đưa ra để giải thích hiện tượng tiền điện tăng vọt. Bộ Công Thương hứa vào cuộc làm rõ song cũng kêu gọi người dân tham gia giám sát.
Bộ Công Thương kêu gọi toàn dân giám sát tiền điện
EVN Hà Nội giải thích tiền điện tăng đột biến chủ yếu do người dân sử dụng thiết bị làm mát.

Hóa đơn điện tăng gấp 3-4 lần trong tháng 6 là vấn đề nóng tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tổ chức chiều nay. Hai phần ba thời gian cuộc họp chủ yếu xoay quanh chuyện hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng. Hầu hết câu hỏi của báo giới đều xoay quanh việc yêu cầu Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), Cục Điều tiết Điện lực và Bộ Công Thương giải đáp thỏa đáng cho việc hóa đơn điện tăng vọt. Đồng thời, báo chí cũng đề nghị ngành điện và cơ quan chức năng phải có một đơn vị độc lập kiểm tra và ra soát việc ghi hóa đơn, chốt công tơ để bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp ngọn ngành. Tại cuộc họp báo, EVN Hà Nội một lần nữa đưa ra thông cáo giải thích tiền điện tăng đột biến chủ yếu do người dân sử dụng thiết bị làm mát. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng cách lý giải này chưa thỏa đáng.


Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội cho hay tổng công ty đã đến kiểm tra các trường hợp phản ánh có địa chỉ cụ thể, tiền điện tăng đột biến ngoài chuyện thời tiết nắng nóng có thể do sai sót trong quá trình ghi hóa đơn. "Trong trường hợp phát hiện sai sót, ngành điện sẵn sàng sửa sai", ông Trung cho hay.

Liên quan đến chuyện 200 trên tổng số 300 công tơ ở Sóc Sơn ghi thiếu tiền điện, ông Trung lý giải, do hai công nhân ngành điện sợ đi vào khu vực có nhiều đối tượng nghiện hút nên đã tự ý ghi áng chừng số công tơ. "Hai công nhân này đã bị đình chỉ công tác", ông Trung khẳng định.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải bổ sung, trong số 100 hộ khiếu nại tiền điện tăng đột biến, 72 trường hợp dùng trên 400 số điện, còn lại tiêu thụ từ 100 đến 400 số. Không có hộ nghèo nào phản ánh chuyện tăng giá điện đột biến.

Thứ trưởng Hải khẳng định, từ 1/6, ngành điện thay đổi cơ cấu biểu giá điện chứ không có chuyện tăng giá điện. Cùng với xăng dầu, ngành điện sẽ dần tiến tới thị trường hóa. Tuy nhiên, các hộ nghèo và vùng biển hải đảo cũng vẫn được hỗ trợ giá. "Về chính sách, tôi khẳng định không có chuyện tăng giá, thậm chí, nếu thực hiện theo biểu giá mới còn có nhiều bậc giảm giá", ông Hải cho hay.

Ông cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN kiểm tra rà soát lai việc hóa đơn có trường hợp tăng giảm. "Bộ Công Thương sẽ có kết luận sau khi có giải trình báo cáo của EVN", ông Hải cho hay.

Trả lời câu hỏi của Báo về việc cần một cơ quan độc lập thực hiện việc ghi hóa đơn chốt công tơ để đảm bảo công bằng khách quan, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, việc kiểm tra chốt chỉ số công tơ của thành phố được phân cấp cho các Sở Công Thương. Tuy nhiên, theo ông Phúc, ngoại trừ Hà Nội, TP HCM có khoảng một chục người làm nhiệm vụ rà soát này, còn lại các tỉnh khác chỉ có vài ba người, do đó cần khách hàng trực tiếp giám sát.

"Đề nghị toàn dân tham gia vào việc giám sát ngành điện thông qua việc chốt chỉ số công tơ. Đến ngày chốt, khách hàng có thể tự xem xét lại chỉ số công tơ của mình", ông Phúc cho hay.

Vừa qua, hàng trăm khách hàng phản ánh với báo về việc hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng gấp 3-4 lần. EVN Hà Nội khẳng định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sản lượng điện tăng là những ngày tháng 5 đến  đầu tháng 6, Hà Nội đã có những đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng tăng vọt cả ban ngày lẫn ban đêm, trong đó điều hòa khách hàng sử dụng lên tới trên 10h mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều khách hàng chưa hài lòng với lời giải thích này và cho rằng ngành điện cần một cơ quan độc lập rà soát, kiểm tra lại việc tính tóan hóa đơn và chốt công tơ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật