Việt Nam lười thay đổi nên thích bán cho Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan -bày tỏ lo ngại rằng quan hệ kinh tế Trung Quốc - Việt Nam hiện nay quá sâu nhưng lại “rất không bình thường”.
Việt Nam lười thay đổi nên thích bán cho Trung Quốc
Hội thảo Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

DN Việt không muốn thay đổi

Tại cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, đi sâu vào phân tích các số liệu kinh tế hiện nay, bà Lan đánh giá, quan hệ thương mại của Việt Nam và các đối tác thương mại thế giới, trong đó Trung Quốc là nước có vai trò lớn nhất đối với ngành thương mại Việt Nam.

Bà Lan đánh giá, tình trạng lệ thuộc vào mối quan hệ XNK giữa TQ với VN là nặng nề nhất. Sự ảnh hưởng này chịu tác động của những yếu tố sau:

Thứ nhất, khoảng 70% hàng nhập khẩu từ TQ là hàng công nghiệp phụ trợ hoặc hàng trung gian, máy móc thiết bị tức là đầu vào quan trọng cho nền sản xuất của VN.

Nền nông nghiệp thì phụ thuộc vào nhập khẩu giống, phân bón những sản phẩm rất cần cho nền sản xuất nông nghiệp. Một số sản phẩm xuất khẩu của VN xuất sang TQ chiếm tỉ trọng rất cao như gạo, cao su, trái cây lại bị phụ thuộc vào thị trường mua của họ.

"Đã đành họ cũng cần ăn của VN nhưng mỗi khi họ có gây sức ép thì VN lại lãnh đủ. Gạo là một ví dụ. Đó là do chúng ta để tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường mà kinh nghiệm thế giới cho thấy việc xuất khẩu lại đang bị phụ thuộc vào nước mua chứ không phải do người bán", bà Lan cho biết.

Với các tổng thầu cũng vậy, TQ là nước cấp từ A-Z, trong các dự án đó họ có quyền đưa vào VN từ "thượng vàng hạ cám", tất cả các sản phẩm, buôn lậu rất lớn mà không kiểm soát được. Đây là tình trạng không có trong quan hệ kinh tế với các nước khác.

Thứ hai, về cơ cấu xuất khẩu, các mặt hàng trung gian được đánh giá là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất, trị giá tăng cao, tỉ trọng chiếm 51,1%  năm 2008. Tuy nhiên, theo bà Lan, đây là nhóm hàng chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp cho TQ, chứ sự đóng góp của các doanh nghiệp trong nước không được bao nhiêu.

Trong khi đó, vấn đề nhập siêu từ TQ cũng khác so với các nước khác: nhập siêu ít đi kèm với giá trị và việc gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Nghĩa là nhập tới đâu sản xuất bán luôn tới đấy, không tạo nên năng lực thúc đẩy sản xuất trong nước như nhập từ các nước Hàn Quốc, Nhật.

Từ XNK như vậy có thể thấy, VN phụ thuộc khá nặng vào TQ, nhập siêu tăng cao khiến phần lớn lợi ích thương mại của VN rơi vào tay TQ, kể cả tỉ trọng xuất khẩu ra nước ngoài.

"Chúng ta luôn tự hào hàng năm xuất khẩu được bao nhiêu tỷ hàng dệt may nhưng ai cũng thấy rõ trong xuất khẩu đó phần chúng ta xuất hộ TQ là rất lớn, người TQ thu được lợi nhiều hơn. Tương tự là hàng da giày và một số sản phẩm khác" - vị chuyên gia thẳng thắn.

Điểm thứ ba, cơ cấu thương mại của VN ít thay đổi, tụt hậu so với các nước khác, không có vị thế trên thị trường, nên bị lệ thuộc sâu hơn. Theo bà Lan, nguyên nhân là do lỗi của chúng ta, không chịu thay đổi cứ hài lòng với việc đi làm gia công, đi làm thuê.

Thứ tư, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đặt trong mối quan hệ với TQ như vậy thì bị chèn lấn, khó phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Họ vừa bị đẩy lui khó phát triển ngay cả trên thị trường trong nước.

Và cuối cùng, các doanh nghiệp VN và các doanh nghiệp FDI tuy được nhà nước động viên đầu tư vào công nghiệp phụ trợ nhưng họ mất dần động lực, không có niềm tin để phát triển. Trong khi đó, phát triển hàng trung gian khó cạnh tranh với hàng, thậm chí có doanh nghiệp còn đi mua hàng TQ cho nhanh và rẻ.

Do đó, trong quan hệ XNK với TQ nó đang nuôi dưỡng rất nhiều tiêu cực, ít có với thị trường khác. Trong khi tâm lý của doanh nghiệp VN lại không quan tâm, không nghe không chịu nâng cao chất lượng.

"Đây là nỗi đau kìm chặt doanh nghiệp Việt, nó giữ cho doanh nghiệp trong nước cứ dùng dằng như vậy mãi mà không vươn lên được trong hội nhập quốc tế", bà Lan phân tích.

Bà Lan nhận xét, với cách kinh doanh của VN hiện nay chỉ làm được với TQ, vì làm với TQ dễ hơn nhiều so với những nước khác.

Do cấu trúc XNK của VN cũng chỉ khuyến khích xuất khẩu hàng gia công, chạy theo số lượng nhiều là sung sướng, nhưng không biết thực chất mình làm được bao nhiêu.

Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp VN chỉ chú trọng tới việc sản xuất nhanh và nhiều chứ không quan tâm tới việc sản nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng để tham gia sâu hơn, có vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị.

"Hay nói cách khác chúng ta cứ ngủ yên trong đáy của chuỗi giá trị, không muốn thức dậy để làm những khâu cao hơn. Cách làm đo chỉ phù hợp với việc làm ăn với TQ", bà Lan nói thêm.

Bà Lan cảnh báo, không nên vì chạy theo thành tích một cách mù quáng, chạy theo số lượng để lừa nhau dẫn tới tình trạng bị lệ thuộc một số mặt hàng "truyền thống", dẫn tới sản xuất dễ dãi hơn,  không muốn nâng cao, không muốn thay đổi.

Trung Quốc là bậc thầy về "lại quả"

Theo TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, trong quan hệ với Trung Quốc,tính phụ thuộc lẫn nhau là rất đáng chú ý. Chẳng hạn, 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang xuất sang ba tỉnh miền Nam Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có thể ép giá, nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khi không nhập nữa.

Nếu nhìn rộng ra, năm 2013, Samsung Vietnam xuất khẩu ra thế giới hơn 23 tỷ USD, nhưng Trung Quốc cũng nhập khẩu 21 tỷ USD từ Samsung toàn cầu, nếu không nhập nữa thì sẽ ứng xử thế nào với Samsung?

“Không nên than phiền, hãy nhìn thấy cơ hội trong đó, phải tận dụng. Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết các vấn đề trước mắt, chẳng hạn chênh lệch tới hơn 5 tỷ USD mỗi chiều trong báo cáo thương mại của hai nước, bản chất là nhập lậu và xuất lậu, vì sao Nhà nước không quản lý được?”, ông Doanh nêu vấn đề.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng: “Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…”.

Ông cũng cho rằng, với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Theo chuyên gia này, việc để lợi ích nhóm chi phối trong các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng có “quá nhiều sơ hở không đáng có dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”, do đó, cần công khai minh bạch hơn nữa và làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Vị chuyên gia này nhận xét, quá trình cấp phép, giao thầu các dự án quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đó.

“Không có cách tự chủ nào khác là chúng ta phải tự cải cách và mạnh lên” ông Doanh khẳng định.

3 lý do Trung Quốc không dễ "thoát" VN

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới tương thuộc là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển.

Nhưng trong quá trình đó, có nhiều biến số trong đó mức độ hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là rất quan trọng.

Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Đây không chỉ là “cuộc chơi” của 2 quốc gia mà là của rất nhiều bên cùng tham gia vào, chia sẻ lợi ích. Khi một mắt xích trục trặc thì cả chuỗi ảnh hưởng, khó nói ai ảnh hưởng nhiều hơn.

Đối với Trung Quốc, đây là một nền kinh tế lớn mà cả Việt Nam và các nước đều không thể không hợp tác. Tại thời điểm hiện tại, quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc là khá sâu. Trung Quốc có quan hệ thương mại lớn, có nhiều dự án khá nhạ‌y cả‌m, quan trọng với Việt Nam. Mặc dù vẫn đề phòng phương án xấu nhất, nhưng ông Võ Trí Thành nhận định, có 3 lý do Trung Quốc không dễ gây hấn ồ ạt về kinh tế với Việt Nam.

Thứ nhất: quan hệ kinh tế của 2 nước còn gắn với nhiều nước khác trên thế giới. 60% nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam liên quan đến hoạt động của các tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Canon.

Thứ hai, quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc dựa trên nhiều cam kết song phương, đa phương như WTO, ASEAN+… mà Trung Quốc không dễ dàng phá bỏ.

Lý do thứ 3 được nêu ra là nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam thì hình ảnh của Trung Quốc với thế giới sẽ càng xấu, sự lo ngại của các nước với Trung Quốc tăng lên, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của Trung Quốc trong các mối quan hệ trên thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật