Bậc cao tăng và đàn công quý

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về thành phố Tuy Hòa nghe truyền tụng về đàn chim quý, nhất là loài công vốn được đưa vào Sách đỏ Việt Nam lẫn thế giới, nhưng được một vị hòa thượng bỏ công nghiên cứu, nuôi dưỡng thành công, tôi tò mò tìm đến ngôi cổ tự và hết sức ngạc nhiên...
Bậc cao tăng và đàn công quý
Hoà thượng Thích Nguyên Đức bên viên gạch cổ.

Theo tư liệu sinh học, hiện nay trên thế giới, loài chim công chỉ còn xuất hiện ở vùng Vân Nam của Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Đông Dương. Riêng ở Việt Nam, loài lông vũ quý phái này còn sống tập trung ở vùng rừng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên ở Đồng Nai. Việc săn bắt chim công từ lâu đã bị Nhà nước ngăn cấm.

Tại các thành phố ở nước ta, ngoài các vườn thú thì chim công dường như biến mất. Vì vậy, nhiều người đã ngạc nhiên khi nhìn thấy giữa lòng thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên có một đàn chim công cùng nhiều loài chim quý khác được nuôi dưỡng và ngày càng phát triển trong khu vườn của tổ đình Hồ Sơn. Đây là ngôi chùa cổ đã có lịch sử hơn 300 năm, trải qua 17 đời trụ trì, hiện còn là trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên. Sư trụ trì chùa Hồ Sơn hiện nay là lão hoà thượng Thích Nguyên Đức, Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Tổng thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên.

Đưa chúng tôi tham quan cảnh chùa và vườn chim quý, hoà thượng Thích Nguyên Đức cho biết nhiều điều lý thú. Thầy vốn xuất thân từ giáo viên dạy Sinh vật trung học, yêu thiên nhiên và văn học, sáng tác nhiều thơ thiền. Nhờ vị thế và phong cảnh đẹp, chùa Hồ Sơn nơi thầy tu luyện là điểm đến thường xuyên không chỉ của giới tăng ni phật tử, mà còn của nhiều nhà trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết mạn đàm về đời sống văn hoá, nhất là thi ca và cả những thú chơi cây cảnh, chim muông. Vốn là giáo viên Sinh vật nên thầy luôn quan tâm nghiên cứu về thiên nhiên, trong đó có các loài chim quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vào năm 1975, cơ duyên thầy Thích Nguyên Đức được phật tử tặng một con chim công mái, thả nuôi tự do ở vườn chùa. Càng lớn chim công càng xinh đẹp, càng tinh khôn và gắn bó với thầy cùng đệ tử trong chùa. Ban ngày, công bay ra đồng lúa kiếm ăn rồi về quẩn quanh trong vườn, tối bay lên ngủ trên ngọn dừa cao. Ba năm sau, công bắt đầu đẻ, ấp trứng, nhưng vì không có công đực nên trứng không nở. Thầy dự định tìm nuôi thêm một con công đực, hy vọng sẽ có thêm chim công con. Tuy nhiên, khi dự định của thầy chưa thành thì một lần công mái bay ra đồng đã ăn phải rau cỏ phun thuốc trừ sâu nên bị ngộ độc và vật vã chết.

Sư thầy Nguyên Đức rất buồn và nhớ chim công. Nhiều đêm trong mơ thầy thấy chim công bay trở về vườn chùa, không chỉ một công mái như trước mà là cả đàn công. Mơ ước ấy phần nào trở thành hiện thực khi một ngày đẹp trời có phật tử mang đến tặng thầy một cặp chim công khoảng một năm tuổi. Thầy chăm nom hai con công rất kỹ. Chúng sống hoà đồng với các loài khác trong vườn chùa như ngỗng, trĩ, gà sao, gà đá,…

Một thời gian sau, chim công mái đẻ trứng. Dù đã có chim công đực nhưng trứng vẫn không nở. Thầy lại âm thầm nghiên cứu sách vở, tìm đủ phương cách ấp trứng chim công. Cuối cùng, trải qua nhiều đợt chim công sinh sản, ấp trứng, thầy vui mừng đón hai chú chim công con đầu tiên chào đời vào năm 1993. Nhớ về kỷ niệm đẹp này, thầy Nguyên Đức cho hay lúc đó do chùa bận rộn nhiều việc, vả lại thầy chưa bao giờ nhìn thấy hình dáng chim công mới nở ra sao, nên ban đầu thầy cứ tưởng hai chú công con kia là… gà đá, vì khi đó công với gà sống chung và ấp chung. Cho tới đúng ba tuần sau khi nở thì trên đầu chúng mọc chỏm lông mào và ngày càng cao dần lên. "Ồ, hai chú chim công con. Tôi vui mừng gọi đệ tử trong chùa đến chia vui" - Thầy nói, rồi nụ cười trên môi chợt biến mất, thay vào đó là ánh mắt buồn buồn: "Hai chim công con vừa lớn lên thì bị bắt trộm. Chim công cha bay ra đồng kiếm thức ăn cũng bị bắn gãy cánh. Tôi rất đau lòng. Sự an nguy của chim công mãi chiếm lĩnh tâm trí tôi".

Không thể để đàn chim quý, nhất là hai con chim công bay nhảy khắp nơi không an toàn như trước, hoà thượng Thích Nguyên Đức quyết định làm cái chuồng rộng hơn 100m2 trong vườn chùa. Dưới bóng mát bồ đề cổ thụ, được bảo vệ bằng lưới kẽm rất kỹ, đàn chim công vui thú với các loài chim muông khác mà không sợ bị bắt hoặc ngộ độc nữa. Thầy cũng chăm nom đàn chim kỹ hơn, tự chế biến thức ăn và cung cấp đầy đủ thường xuyên cho chúng. Từ hai con chim công ấy, lần lượt cả đàn chim công đã chào đời ở vườn chùa cổ Hồ Sơn…

Hòa thượng Thích Nguyên Đức giữa đàn chim công quý hiếm.

Gần 40 năm có duyên với loài chim công, sư thầy xuất thân từ giáo viên sinh vật đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng chim quý. Mỗi tháng thầy trực tiếp hoặc cho đệ tử tẩy uế chuồng một lần, rắc vôi bột để chống vi khuẩn xâ‌ּm hạ‌ּi. Thức ăn chủ yếu là ngũ cốc, rau xanh, luôn được bổ sung các chất vi lượng. Rau xanh được rửa thật sạch để tránh sán kim. Chim công tự bắt rận rất giỏi, nhưng không thể hết được. Khi phát hiện có rận, đợi tối công ngủ, thầy mới vào chuồng dùng thuốc xịt muỗi xịt vào bộ lông chúng. Khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch thì công thay lông…

Hoà thượng Thích Nguyên Đức còn cho hay, mỗi năm công mái chỉ đẻ một lần vào cuối tháng Giêng âm lịch, trung bình từ 4-6 trứng, ấp gần tròn một tháng thì nở con. Vì công mẹ to lớn vụng về hay làm vỡ trứng hoặc giẫm lên con nên sư thầy thử đem trứng công bỏ vào ổ gà cho ấp thử. Thầy bảo: "Thích thú lắm anh ạ! Đến ngày nở con, gà mẹ hồn nhiên dẫn công con đi ăn và bảo vệ con rất kỹ. Còn công cha, công mẹ thì đi xung quanh múa may làm dáng, làm trò trông rất vui".

Khi chúng tôi đến thăm, không có cảnh gà mẹ dẫn công con đi ăn, nhưng chỉ nhìn cảnh hoà thượng Thích Nguyên Đức tung thức ăn cho đàn công, trĩ, sao, gà, ngỗng, bồ câu… và cả thỏ nữa cũng đủ thấy rất vui giữa cảnh chùa yên tĩnh. Chú công trống cao lớn "đóng" bộ lông màu lục ánh thép, đuôi rất dài điểm màu lục ánh đồng, ở cuối mỗi lông có sao màu lục xanh, đỏ và nâu vàng. Thi thoảng chim công trống xoè lông đuôi thành hình nan quạt, thẳng đứng rất đẹp, đi quanh đàn công mái. Còn những chim công mái cũng có màu sắc tương tự, nhưng đuôi ngắn và tham ăn hơn, hình như chúng sợ gà rừng, gà sao giành hết phần mình. Thiên nhiên với cây cỏ, chim muông hoà quyện làm một với con người!

Ngôi cổ tự Hồ Sơn giữa thành phố Tuy Hoà ngày càng thu hút đông đảo phật tử và du khách. Ngoài việc dâng hương cúng phật, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, mọi người đến đây còn có dịp chiêm ngưỡng đàn chim quý hiếm gần như duy nhất tại các thành phố miền Trung. Không giữ riêng mình, vị cao tăng còn mang chia sẻ cái đẹp và niềm vui đến cho thiên nhiên và con người. Đã nhiều lần thầy đưa các đôi chim công lên miền cao phía Tây tỉnh Phú Yên để thả chúng tự do về với rừng núi mênh mông. Thầy còn mang tặng chim công cho nhiều chùa ở trong Nam ngoài Bắc, hướng dẫn tỉ mỉ các đồng môn cách nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển đàn chim công.

Không chỉ đam mê nuôi dưỡng chim quý, mà vị hoà thượng xuất thân giáo viên sinh vật còn thích chơi phong lan, nghiên cứu cổ vật, sách văn học và làm thơ. Trong vườn tổ đình Hồ Sơn, thầy trồng nhiều loài hoa, đặc biệt là phong lan và lưu giữ nhiều viên gạch, đá cổ như một nét văn hoá riêng của không gian tĩnh mịch này.

Trước khi chúng tôi chia tay, hoà thượng Thích Nguyên Đức còn tâm sự rằng, thầy và đệ tử chùa Hồ Sơn sẽ tiếp tục nhân giống đàn chim công để góp phần lưu giữ một giống chim quý và đưa chúng bay muôn phương. Thầy mong muốn ngôi cổ tự không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi bảo tồn vẻ đẹp quyến rũ cây cỏ, chim muông. Nghe thầy nói, tôi thầm ước giá như mỗi người đều có một phần tình yêu thiên nhiên như sư thầy thì môi trường sống của chúng ta sẽ xanh, đẹp lên biết bao

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật