Văn chương mạng trên đường xuống giấy

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thế giới mạng đang mở rộng từng ngày. Trong thế giới đó cũng có đủ chuyện vui buồn và văn học được xem như một công cụ hiệu quả phản ánh sự phức tạp đó.
Văn chương mạng trên đường xuống giấy
Một số đầu sách của văn chương từ mạng hiện nay. Ảnh: SGGP
“Cô đơn trên mạng” - phát súng mở đầu

Cô đơn trên mạng là tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan Janusz L.Wisniewski, lấy chủ đề là một tình yêu được bắt đầu từ internet.

Tác phẩm đưa người đọc đến một thế giới ảo về vật chất nhưng lại rất thật về tâm hồn, do được xây dựng bằng chính những con người hiện hữu.

Cuốn sách đã được độc giả Việt Nam đón nhận nhiệt tình, không phải chỉ ở văn phong của tác giả hay tài năng của người dịch mà quan trọng nhất là đưa độc giả đến một thế giới đầy mới mẻ nhưng lại rất gần gũi - thế giới ảo.

Từ sau Cô đơn trên mạng, thế giới mạng ở Việt Nam trở nên gần gũi với thế giới thật hơn trước. Văn chương mạng cũng càng ngày càng hòa trộn với cuộc sống thật và dần dần tiến xuống thế giới sách giấy với các loại hình xuất bản quen thuộc.

Văn chương mạng có những đặc thù riêng của nó. Ban đầu, khi từ mạng bước xuống thế giới thật, nó cũng uốn mình theo những quy tắc của các loại sách chính thống.

Những tác phẩm đầu tiên của thời kỳ này dù được sáng tác trên blog hay các diễn đàn văn học, khi xuất bản chính thức đều chuyển thành cấu trúc sách quen thuộc, điển hình như Tớ là Dâu của Joseph Ruelle, Tuyết Đen của Giao Chi…

Thế nhưng, dần dần văn chương mạng đã làm biến đổi cả hình thức thể hiện của sách văn học. Nhiều tác phẩm văn chương được sáng tác trên mạng, khi xuất bản chính thức đã bê luôn cả cách thể hiện trên mạng, từ những chỗ để nhận xét (comment), cách dàn trang theo kiểu blog đến cách hành văn theo phong cách chat, thể hiện thoải mái trong câu cú.

Điển hình nhất của hai loại này là cuốn tiểu thuyết Chuyện tình New York của Hà Kin (Vũ Thu Hà) và Dị bản của Keng (Đỗ Thị Thùy Linh). Nếu Chuyện tình New York gây ngạc nhiên với kiểu thể hiện cùng lúc cả hai ngôn ngữ Việt-Anh trong một cuốn sách thì Dị bản lại gây bối rối cho người đọc với cách thể hiện trên giấy theo đúng kiểu blog, với đầy đủ các tiêu chuẩn như entry (một mục để ghi vào trên blog), comment… đến mức mà nếu ai quen thuộc blog mở sách ra thấy rất quen thuộc.

Văn chương mạng - tuổi nào cũng có

Những kiểu thể hiện sáng tác của Hà Kin hay Keng dù lạ lẫm, thậm chí gây sốc thì cũng được bào chữa bằng hai từ “tuổi trẻ”. Nhưng gần đây, bắt đầu xuất hiện cả những sáng tác của các nhà thơ, nhà văn khó có thể gọi là trẻ, cũng mang đậm phong cách văn chương mạng. Điển hình là tập thơ Net mùa thu của Hội Blogger Hà Nội (NXB Lao Động).

Đây là tập hợp các bài thơ của hội viên đăng trên Vnweblogs. Điều độc đáo của tập thơ này là sau mỗi bài thơ đầy chất tự sự, sâu sắc và nghiêm túc của tuổi trưởng thành là những đoạn nhận xét (comment) của các bạn văn trên Vnweblogs theo đúng kiểu blog. Cách trình bày dù không lạ, do đã có những tác phẩm mà các bạn trẻ đã làm trước đây, nhưng lại gây bất ngờ khi nằm trong một tập thơ rất nghiêm túc.

Nhà văn trẻ Từ Nữ Triệu Vương cũng góp vào kiểu thể hiện văn chương mạng trên sách giấy bằng tác phẩm Chat. Đây là một tác phẩm điển hình nhất của văn chương mạng hiện nay, với cách thể hiện dễ dãi đúng kiểu văn viết trên blog như: Chàng 70 yêu nàng 20-Thế thì đã sao? Gọi mình là X-Men ư Vui nhỉ?...

Thực chất, đây là một tuyển tập các bài phỏng vấn của tác giả vốn là một nhà báo, nhưng lại được thể hiện theo phong cách văn chương mạng, hay nói đúng hơn là theo kiểu văn tán gẫu (chat) rất quen thuộc với các bạn trẻ nhưng khá khó chịu với những người không quen đọc nó.

Dù nhận được nhiều ý kiến, nhận xét khen, chê khác nhau, thậm chí là những tranh luận gay gắt về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ của việc đưa văn chương mạng xuống sách giấy nhưng ít nhất văn chương loại này cũng đang mang đến một sự mới lạ cho thị trường văn học.

Tuy nhiên, cũng giống như các dạng văn chương khác, văn chương mạng khi xuống sách giấy cũng đang rất cần sự chú tâm của các nhà biên tập, sự để mắt của cơ quan quản lý văn hóa nhằm tránh những kiểu thể hiện lệch lạc, thái quá mà một số nhà văn trên mạng đang mắc phải.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật