Sâm của “Cô gái xấu xí“: “Sân khấu kịch mới là nơi thoả nghề nghiệp“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được nhiều người biết mặt, đặt tên hơn với vai Sâm trong “Cô gái xấu xí” nhưng diễn viên Cát Tường lại bộc lộ “Sân khấu kịch mới là thánh đường của nghệ thuật, đòi hỏi diễn viên ở khả năng diễn xuất cao nhất. Kịch là nơi thoả nghề nghiệp của Cát Tường”.
Sâm của “Cô gái xấu xí“: “Sân khấu kịch mới là nơi thoả nghề nghiệp“
Ảnh minh họa

Hãy lắng nghe cô chia sẻ về con đường đến với nghệ thuật và những tâm huyết của cô với sân khấu kịch.

Sau “Đồng tiền xương máu” cái tên Cát Tường vắng bóng khá lâu trên cả sân khấu kịch và điện ảnh. Giải Ba tiếng hát Truyền hình năm 1996 dường như vẫn không đủ sức níu kéo chị vững bước với nghệ thuật?

Cát Tường từng học trường Sân khấu Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh. Tường cũng từng giải Ba tiếng hát truyền hình thành phố năm 1996 và cũng đi hát 5 năm. Nhưng hồi đó thấy nghề vất vả quá, không nuôi sống nổi mình.

Thời đi hát, chạy sô cả tối may ra được 100 ngàn mà phải hát vài nơi. Mà lúc đó làm gì có bầu sô, có êkip giúp đỡ mình đi hát. Với điện ảnh cũng vậy, đóng vai phụ cũng rất được khen nhưng năng lực diễn xuất của mình luôn bị đạo diễn nhìn sai. Có thể do phong cách mình phóng khoáng quá nên khi họ không nhìn khả năng của mình mà họ nhìn những gì tế nhịn khác. Hồi đó, Tường trẻ và hoài bão, yêu nghề bằng nhiệt huyết của mình nhưng vì nhiều lời đề nghị khiếm nhã khiến mình không còn yêu nghề nữa.

Có thể nói, sau 5 năm đó nói nổi tiếng thì chưa nhưng nói không thì cũng không phải. Tường luôn muốn sống cuộc sống nghệ thuật “thà huy hoàng một phút rồi chợt tắt” chứ không thích cứ lập lờ trôi như lục bình chán lắm.

Dừng cuộc chơi nghệ thuật trong khoảng thời gian không ngắn để mở trung tâm dạy nghề thẩm mỹ rồi chợt quay trở lại với rất nhiều dự định cho nghệ thuật. Xem ra, nghệ thuật với chị là một duyên nợ?

Cùng với sự ảnh hưởng của vai Yến trong “Đồng tiền xương máu”, Tường đã tranh thủ đầu tư vào trường dạy nghề thẩm mỹ. Và Tường cũng tạm gác nghệ thuật sang một bên, lập gia đình, chú tâm vào việc sinh em bé.

Cuộc hôn nhân của Tường không may mắn, sau một thời gian ngắn, Tường cũng chia tay. Thời gian đó, Tường về Biên Hoà cùng gia đình để lo làm ăn. Sau 2 năm chấm dứt hôn nhân, Tường quay lại Sài Gòn vào năm 2006. Lúc đó chỉ nghĩ là đi chơi thôi, nhưng thật tình cờ gặp đạo diễn Lý Khắc Linh và được mời về làm vở kịch ở Đài, rồi nhận lời mời về nhà hát sân khấu nhỏ 5B. Lúc đó tự dưng nghĩ, hay mình còn cái duyên nào đó với nghệ thuật nên Tường đã bàn giao công việc làm ăn cho ba mẹ và em trai, lên Sài Gòn để làm lại từ đầu.

Ghi dấu ấn bằng hai vai diễn khá ngược tính cách nhau. Một cô Yến nham hiểm, nanh nọc trong “Đồng tiền xương máu”, một bà Sâm điềm đạm, biết chấp nhận số phận trong “Cô gái xấu xí”. Nổi danh với vai phụ như vậy, có lúc nào chị muốn mình có một vai thật cá tính trong điện ảnh?

 

 Cát Tường trong vở kịch "Đời có đợi anh không"

 

Tường vào vai Yến trong “Đồng tiền xương máu” năm đó mới 20 tuổi. Đầu tiên đạo diễn Đinh Đức Liêm không tin tưởng lắm nhưng may mắn là bộ phim đó được khán giả đón nhận. Vai diễn Sâm trong “Cô gái xấu xí” cũng vậy, không đòi hỏi mình phải trăn trở, vất vả với nó.

Tường đam mê sân khấu kịch hơn. Vì kịch nó đòi hỏi khả năng diễn xuất nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn. Kịch ở Sân khấu 5B không dùng micro, sân khấu rất gần khán giả, nếu diễn viên không thật sự hoá thân vào nhân vật sẽ bị lố ngay.

Sân khấu kịch mới là thánh đường của nghệ thuật, đòi hỏi diễn viên ở khả năng diễn xuất cao nhất. Kịch là nơi thoả nghề nghiệp của mình. Còn đóng phim chỉ là cách quảng bá cho hình ảnh.Với điện ảnh, Tường luôn mong mình có một vai diễn có số phận, một nhân vật đời thường có đủ hỉ, nộ, ái ố.

Phải đến cô Sâm trong “Cô gái xấu xí”, cái tên Cát Tường mới được nhiều khán giả trong Nam, ngoài Bắc biết nhiều. Vai diễn Sâm liệu có gì đồng cảm với cuộc sống của diễn viên Cát Tường ngoài đời?

Vai diễn Sâm trong “Cô gái xấu xí” là vai có nhiều đất diễn nhất trong nhóm G7. Khi nhận vai diễn, có người nói vai đóng dài chán nhưng khán giả thì nhiều người thích thú. Có người nói cô Sâm đanh đá, đáo để quá.

Vai bà Sâm có nhiều nét giống Tường ngoài đời là khả năng tự lập của người đàn bà sau khi ly dị chồng. Cảnh ngộ của Tường cũng nuôi con một mình, nhưng có một điểm khác là đến thời điểm này, Tường không còn sân si như bà Sâm. Tường chấp nhận số phận, không coi đó là bất hạnh. Chỉ thấy bất hạnh nhất là con mình không có cha. Nhưng Tường tin vào duyên số, cơ duyên chưa tới, người đàn ông của mình chưa tới. Hoặc kiếp trước mình đã gieo thì kiếp này mình phải gặt. Mình tức tối thì càng làm khổ mình hơn và chính mình sẽ không thấy hạnh phúc.

Bây giờ có nhiều em diễn viên trẻ hỏi mình kinh nghiệm trong cuộc sống mình sẵn sàng lấy chuyện của mình, lấy những va chạm cuộc đời của mình chia sẻ để người khác không phải mất mát hy sinh như mình. Quan trọng là mình sống tâm linh, thoải mái, vui vẻ. Bản thân mình cảm thấy hạnh phúc thì mới nhân hạnh phúc đó lên được.

Tự bỏ tiền đầu tư cho các vở diễn là một việc làm khá mạo hiểm nhưng lại là một sự mạo hiểm cần có trong sân chơi xã hội hoá sân khấu tại miền Nam. Cát Tường có nằm trong số đông đó?

 

Cát Tường làm bầu sô cho chính vở diễn "Ba chị em"

 

Một diễn viên như Cát Tường, ngoài chạy sô với phim ảnh, thì sân khấu là một lãnh địa riêng rất đam mê. Như Tường bây giờ một ngày đóng “Cô gái xấu xí” từ 6h30 sáng tới 6h30 tối, chỉ kịp ăn rồi chạy về nhà hát 5B diễn. Diễn xong 11 giờ đêm, ăn tạm rồi lại tập tới khuya. Không có lúc nào ngưng nghỉ cả.

Tường cũng tự tìm những cơ hội cho mình bằng việc đầu tư vào các vở diễn, mời đạo diễn, diễn viên và êkip để dựng vở diễn. Ngoài hai vở “Rạo rực”, “Ba chị em” đã diễn thì sắp tới Tường cũng sẽ đầu tư tiền cho vở diễn khác. Không ai tạo điều kiện cho mình thì mình phải tự tạo cho mình thôi. Đó cũng là cách mình đạt được phần nào đó những gì mình mong muốn cho sân khấu. Ở Sài Gòn, diễn viên thật sự có nghề thì không sợ thất nghiệp hoặc không lo thời gian chết.

Xin cảm ơn NS Cát Tường!
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật