Mẹ Lịch ‘A lô’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mẹ Lịch “A lô” hay “bà già thép” - đó là cái tên thân thương mà nhiều người dân ở Tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội đặt cho bà Nguyễn Thị Lịch.
Mẹ Lịch ‘A lô’
Phóng viên đang trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lịch

Mấy anh công an phường còn gọi bà là “người đương thời”, cánh “đầu bò đầu bướu” thì gọi bà bằng biệt danh “cảnh sát trưởng”. Bà Lịch năm nay 74 tuổi cùng với chiếc loa cũ rích của mình đã trở thành người bảo vệ của tổ dân phố này.

“Vác tù và hàng tổng”

Đều đặn mỗi buổi tối, từ 20 giờ trở đi, bà Nguyễn Thị Lịch tay cầm chiếc loa cũ mèm, lưng giắt thêm một chiếc gậy gỗ, chỉnh tề trong trang phục bảo vệ, tay đeo băng đỏ đi tuần tra. Người dân của Tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội đã quá quen với hình ảnh này từ hơn 30 năm qua. Tiếng loa của bà Lịch đã ăn sâu vào ký ức của nhiều đứa trẻ ở đây, theo nhiều người xa xứ hình ảnh đó trở thành nỗi nhớ: “A lô, a lô! Tôi là Nguyễn Thị Lịch, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố 14. Nhà ông Bát ở số 39/23 vừa đi du lịch, bị trộm cưa khóa vào nhà lấy mất 20 triệu đồng. Sắp tới dịp nghỉ lễ, đề nghị mọi người hết sức đề cao cảnh giác. Nếu ai đi vắng thì chú ý nhờ hàng xóm nom hộ, thay thế khóa cửa chắc chắn đề phòng trộm cắp. A lô, a lô!” - đó là tiếng loa của bà Lịch.

Hay như: “Đã đến giờ lao động vệ sinh toàn khu, mời các cụ ông, cụ bà, thanh niên nam nữ, các cháu thiếu nhi tham gia lao động làm sạch phố phường, thực hiện khẩu hiệu: Gọn nhà, sạch phố, đẹp thủ đô. Ban lãnh đạo khối 14 kính mong mọi người tham gia đầy đủ. A lô, a lô!”. Ngắt loa, bà Lịch lại tỉ mỉ đến nhà này dặn thay khóa cửa cũ, đến nhà kia dặn đóng cửa sổ mỗi khi đi vắng. Mỗi chiếc xe máy dựng trước cửa bà Lịch đều đến nhắc dựng lại gọn gàng, rác để không đúng chỗ là bà đến “kiểm điểm” ngay. Đều đặn đến nỗi, cứ đến giờ ấy không thấy tiếng bà “a lô” là người ta biết ngay bà bị ốm.

Cứ mỗi chủ trương chính sách gì mới của Nhà nước, hoặc mỗi đợt tiêm phòng cho trẻ con, rồi cả đến kỳ lĩnh lương hưu… thôi thì tất tật mọi thông tin từ phường, từ quận đến với người dân đều thông qua… chiếc loa cũ của bà Lịch cả. Mà những bài “a lô” của bà Lịch nhiều khi còn có cả vần, có điệu, nếu không thì cũng phải rất trôi chảy chữ nghĩa, chính xác thông tin. Hỏi ra mới biết, bà thường lên phường xin các báo cáo, nghị quyết, công văn rồi về chỉnh lý lại một chút, sau đó bà học thuộc. Hay như những bài tuyên truyền về vệ sinh đường phố, sinh đẻ có kế hoạch, hiến máu nhân đạo… là do bà tự sáng tác ra.

Bà Lịch từng đi thanh niên xung phong ở Tuần Giáo, Điện Biên năm 1958. Bà từng vượt cửa khẩu Tây Trang, sang Lào cõng máy thông tin liên lạc cho bộ đội. Năm 1964, bà Lịch được chuyển về Ty Công an Lai Châu, sau là về viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội làm cấp dưỡng. Năm 1980, bà về mất sức, không chồng, không con, được phân cho mảnh đất bé ton hỏn để dựng nhà. Và từ ngày nghỉ hưu, bà làm công tác phường và trở nên “nổi tiếng”.

Bà Lịch vốn tính sởi lởi, ruột để ngoài da, gặp việc là nói, nhiệt tình vô cùng. Có một câu chuyện mà có lẽ những người trung tuổi ở cả khu không ai là không biết, đó là chuyện bà Lịch bỏ tiền túi ra mua xi măng rồi tự tay vá lấp những chỗ đường tróc lở, hay những hố nước đọng lâu ngày. Cả chuyện bà Lịch “dũng cảm” cải tạo 10 cái nhà vệ sinh chung của toàn khu nữa.

Ông Lê Đình Chính, Tổ trưởng Tổ dân phố 14, phường Nguyễn Trãi nắc nỏm: “Hồi trước, nhà vệ sinh công cộng của khu này vô cùng hãi hùng, bừa bãi không ai quét dọn, cỏ mọc cao quá đầu người. Bà Lịch vận động chẳng được ai, đành một mình xung phong ra quét dọn, cắt cỏ và mua gạch vữa về xây lại những chỗ tường mục. Rồi hằng ngày bà cần mẫn quét dọn ở đó như quét dọn nhà mình. Sau mọi người trông thấy vừa ngại vừa nể bà, mới phân công nhau thay phiên quét dọn. Thế là nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ tinh tươm từ đó”.

Gặp chúng tôi, Trung tá Nguyễn Minh Đức, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội phấn khởi: “Bà ấy tốt lắm, nhiệt tình lắm. Nói không ngoa, mọi phong trào của Tổ dân phố 14 xuất sắc đều có công lớn của bà Lịch cả. Tôi công tác trong ngành mấy chục năm rồi, đôi lúc thấy vất vả quá cũng chán ngán, nhưng cứ trông thấy bà Lịch cầm loa lọ mọ đêm hôm đi tuyên truyền thì lại thấy khí thế và yêu công việc trở lại. Lại lẩn thẩn nghĩ rằng, bà Lịch già yếu như thế mà còn nhiệt thành với công việc chung thì anh em cũng thấy cần nhìn lại bản thân mình”.

Buổi tối hôm chúng tôi theo bà Lịch tới trụ sở Công an phường Nguyễn Trãi để nghe bà “báo cáo tình hình an ninh trật tự khu phố”, mấy chiến sĩ trẻ trông thấy bóng bà chẳng ai bảo ai vội chạy ra đón bà vào. Người dìu, người đỡ như thể những người con đón bà từ xa trở về.

 

Bà Lịch cầm loa đi tuần đêm

Nơi mà bà Lịch đang sinh sống vốn là khu phố mới, nhà cửa san sát xây lên mới chỉ được vài năm. Mới, nên dân giang hồ tứ xứ đổ về kiếm ăn, lại cộng thêm đám thợ xây dựng choai choai ngó trước, ngó sau. Một dạo, mạn quanh chợ Hà Đông người ta cứ hở ra cái gì là mất liền cái đó. Có ông cả Vĩnh ở đầu khu nuôi con chó Nhật, một giống chó quý, sáng nào ông cũng bế chó ra ngồi trước cửa chải lông. Thế mà vào một sáng hai tên đạo chích đang phóng xe máy liều mạng nhảy xuống giằng mất con chó quý của ông giữa thanh thiên bạch nhật. Lại có anh Vũ “râu” nhà bán bún đậu mắm tôm mới sắm được chiếc xe ôtô. Đêm về, xe anh để trước cửa nhà, chẳng hiểu trộm cắp từ phương nào đến kê gạch lên rồi tháo của anh cả 4 cái bánh xe, ai trông thấy cũng bò lăn ra mà cười. Nói tóm lại là dạo ấy khu phố này rất loạn!

Bà Lịch tức lắm, bao lần đi rình, trông thấy kẻ trộm lởn vởn rồi mà chẳng thể làm được gì. Chân bà yếu, chạy đuổi không nổi, sau đó bà đã nghĩ ra kế hay. Bà sắm ngay một cái loa mini và từ đó, bất kể đi đâu, làm gì, đặc biệt những tối đi tuần an ninh quanh phố, “vũ khí” bất ly thân của bà là chiếc loa mini giắt ở sau lưng. Trông thấy đối tượng khả nghi, lởn vởn rình mò là bà ra tay liền. Bà đứng từ xa, để cỡ loa to hết công suất và lên giọng: “A lô, a lô! Tôi là Nguyễn Thị Lịch, Tổ trưởng Tổ bảo vệ khu 14, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội. Theo quan sát của tôi, hiện nay có hai thanh niên một cao, một thấp, người thấp mặc áo phông cổ tròn, màu đen, người cao mặc quần đùi, đi dép tổ ong đang đứng trước cửa nhà số 56. Đề nghị bà con tổ dân phố hết sức đề cao cảnh giác, ai có xe cất xe, ai ở nhà khóa cửa. A lô, a lô!”.

Chiêu đó của bà Lịch xem ra mang lại hiệu quả bất ngờ. Những kẻ táo tợn đến sửng cồ hoặc chửi rủa bà một lúc rồi bỏ đi, còn những tay trộm vặt trông thấy bóng bà cùng chiếc loa trên tay là co giò chạy thẳng. Chúng hiểu rằng, lúc đó mà ra tay, bà Lịch “a lô” mà hét toáng lên thì chỉ có nhừ đòn.

Có một lần, trong lúc đi tuần, bà phát hiện một đối tượng khả nghi. Người này đội mũ sụp lấp mặt, lảng vảng quanh một ngôi nhà đang hé cửa, vừa đi vừa dòm trước ngó sau để dò chừng. Thấy tên này có biểu hiện lạ thường, ngay lập tức bà bám sát đối tượng thì thấy hắn đang loay hoay đưa chiếc xe đạp vừa ăn cắp ra ngoài. Vừa ra khỏi ngôi nhà, tên trộm lập tức leo lên xe tẩu thoát. Mặc dù đi một mình nhưng bà vẫn quyết đuổi theo vừa đuổi bà vừa a lô ầm ĩ.. Tên trộm ban đầu vốn chủ quan, nghĩ bà già chỉ a lô thế thôi chứ chạy theo sao được nên hắn vẫn ngang nhiên đạp xe vòng qua hướng cánh đồng. Nhưng đi được một quãng, vẫn thấy bà bám theo, tên trộm bắt đầu hoảng sợ, cuối cùng hắn đành phải “bỏ của chạy lấy người”.

Lại một lần khác, trong lúc đi tuần tra ban đêm, bà Lịch gặp mấy tên trộm. Đặc biệt, chúng đã chuẩn bị đầy đủ đồ nghề cho một phi vụ trộm cắp tài sản của người dân. lợi dụng sơ hở của một số hộ gia đình trong khu phố, trong lúc đêm hôm, chúng đã dùng thang nhôm trèo lên tầng 2 của gia đình bà H. Nhưng đúng lúc đó, bọn chúng đã bị đội tuần tra đêm của bà Lịch “a lô” bắt gặp. Thấy có người, chúng vội vàng tẩu thoát không kịp mang theo đồ nghề. Tang chứng để lại hiện trường vẫn còn chiếc thang bằng sắt, một túi xách, giày, găng tay, dây dù, kéo cắt khóa…

Việc nhỏ ý nghĩa lớn

Khống chế được trộm cắp bằng ngón võ kia nhưng chúng nào có để cho bà Lịch yên. Hồi trước, thi thoảng chúng lại quăng vào nhà bà món “bom thối” hòng “tr‌a tấ‌n” tinh thần của “bà già can đảm”. Bom thối khi thì là bọc mắm tôm, khi thì là trứng vịt ung, có khi là cả phân người. Chúng thấy quần áo, chăn chiếu của bà phơi ngoài sân, hoặc bể nước mở nắp là quăng tuốt “bom thối” vào đó rồi bỏ chạy. “Nhưng những đòn võ bẩn ấy thì bà cũng chẳng sợ, duy chỉ có một lần, có tên lưu manh say rượu cay cú vì bị bà tố giác đã mang rìu sắt đến bổ nát hai cánh cổng bằng tôn của nhà bà. Khi ấy bà cũng hơi hoảng, gọi điện khẩn cấp cho các anh cảnh sát khu vực đến giải cứu. Khi các anh ấy xuống đến nơi thì cánh cửa đã móp, bẹp hết cả. Vậy thôi chứ chưa bao giờ bà bị chúng đánh, trộm cắp gì chứ chúng chắc cũng có tâm, vẫn thương người già”, bà Lịch nói thế rồi cứ cười tủm tỉm.

 

Bà Lịch và ông Lê Đình Chính - Tổ trưởng Tổ dân phố 14, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông đang trao đổi công việc

Chẳng riêng gì những vụ trộm cắp vặt, nhờ cái loa cũ mèm của mình, bà Lịch còn “can dự” cả vào những vụ chém nhau ngay trên phố. chu‌yện ấ‌y chúng tôi được nghe chính Trung tá Đức kể: “Tối đó, vừa đến trụ sở để bắt đầu ca trực đêm, thấy bà Lịch lóc cóc đạp xe đến, đằng sau xe là một bó… dao kiếm đủ loại. Tôi trông thấy hãi quá chạy ra hỏi. Thì bà Lịch bảo rằng, bà vừa… thu giữ được của hai nhóm côn đồ đánh nhau trên phố. Tôi hỏi đánh nhau ở đâu để định chạy đến thì bà ấy nói ngay rằng: Tôi giải tán rồi, không giải tán thì làm sao thu được dao kiếm”.

Hỏi ra thì mới biết, hóa ra tối hôm ấy, trong lúc đi tuần đêm, bà Lịch thấy hai nhóm thanh niên rú ga phóng xe điên cuồng, cả thảy phải gần 20 đứa. Chúng gầm ghè nhau chán, đến cuối phố thì dừng lại và rút hung khí ra lao vào chém nhau xối xả. Trông thấy cảnh tượng ấy, bà Lịch tay chân run lẩy bẩy, chỉ sợ lỡ có người chết. Nhưng bà trấn tĩnh lại ngay, rút loa ra hắng giọng: “A lô, a lô, đây là lực lượng công an phường Nguyễn Trãi, đề nghị mọi người hạ hung khí và lập tức giải tán ngay, nếu không muốn chúng tôi dùng biện pháp mạnh”. Bà Lịch dù run nhưng vẫn cố cứng giọng, nói đi nói lại mấy lần. Đám côn đồ sau phút say máu, trông thấy một người đeo băng đỏ ở tay, giọng cứ sang sảng thì chột dạ. Bà Lịch nhanh trí bấm còi hú trên loa, đám côn đồ chỉ nghe thấy thế là vội vã vứt bỏ hết dao kiếm lại rồi lên xe rú ga phóng thẳng. Bà Lịch thấy chúng đi xa rồi mới thở phào thu chiến lợi phẩm, buộc đằng sau xe đạp chở về phường.

Sau vụ ấy, một đồn mười, mười đồn trăm, người ta cứ tưởng bà già ấy có võ nghệ cao cường lắm, một mình mà tả xung hữu đột trấn áp được cả nhóm côn đồ có hung khí. Trẻ con thì kháo nhau rằng, bà là “đệ tử bí truyền” của Thiếu Lâm Tự. Gặp ai hỏi về chuyện này, bà Lịch đều phải dừng xe đạp, xua tay giải thích: “Võ vẽ gì đâu, chỉ nhờ cái này thôi” rồi vỗ bồm bộp vào cái loa sau lưng.

Rồi chuyện bà Lịch một mình làm cuộc “cách mạng” với việc xóa số điện thoại trên tường, bóc biển quảng cáo trên dây điện, làm sạch phố phường. Cả việc bà hằng ngày lụi cụi mang xẻng đi thu gom ống kim tiêm do các con nghiện để lại. Đó là những việc không có tên, không là của ai mà bà Lịch nhiệt tâm làm, chưa phút nào nề hà.

Vậy thôi nhưng có nhiều người độc miệng bảo bà Lịch hâm hấp, rằng dại dột, việc gì mà phải ôm rơm rặm bụng, có ngày côn đồ nó đánh cho thì thiệt thân. Lại có người bảo rằng: “Công việc của bà Lịch có trả tôi 2 triệu đồng một tháng tôi cũng chẳng dại mà làm”. Vậy nhưng, bà Lịch bỏ ngoài tai tất cả. Ngót 30 năm cầm loa chẳng có một đồng phụ cấp, bà Lịch vẫn kiên trì như thể lẽ sống của mình.

Trung tá Đức thực thà: “Anh em cũng lo cho sức khỏe của bà, già yếu thế rồi, đêm hôm ai biết được. Mấy bận trước, anh em cũng động viên bà ấy nghỉ và cử người khác thay thế, nhưng bà ấy giãy nảy lên không chịu, thế là đành thôi. Mà phụ cấp dành cho bảo vệ tổ dân phố nào có nhiều nhặn gì, mấy năm trở lại đây tất tật mới được hơn 600 nghìn đồng/tháng thôi, kể cả cái loa phường cấp cho bà Lịch cũng cũ quá rồi, bà phải bỏ tiền túi ra mua lại”.

Hôm chúng tôi “chém gió” ngoài quán nước trà đầu phố, khi gợi chuyện về “bà già thép Nguyễn Thị Lịch”, mấy tay “đầu xanh, đầu đỏ” ngồi gần nó nửa đùa nửa thật: “Cả khu này tớ chả sợ ai, chả nể ai, chỉ nể sợ mỗi bà già ấy. Bà ấy chân tay lẩy bẩy, chỉ đẩy khẽ cái là ngã nhưng cứ nhìn thấy bóng bà ấy ở đâu là tớ biến ngay tắp lự. Thế mới lạ”.

Chị Hoa, chủ quán nước thì bảo: “Chẳng biết khi bà ấy già yếu rồi, có ai làm được như bà ấy không, chắc là không có đâu chú ạ vì thời buổi này tìm đâu ra người lạ đời như thế. Mà cái loa của bà ấy về sau nhất định đưa vào bảo tàng để cho mọi người xem và học tập. À mà thôi, chắc bà ấy cũng chẳng muốn thế đâu”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật