VN đưa vấn đề giàn khoan vào cuộc họp ASEAN

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của VN tiếp tục được VN đưa ra cuộc họp của ASEAN ở Hà Nội hôm nay như một ví dụ về thách thức nổi lên liên quan tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, ảnh hưởng hòa bình khu vực.
VN đưa vấn đề giàn khoan vào cuộc họp ASEAN
ASEAN

Cuộc họp SOM ASEAN đặc biệt về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực diễn ra tại Hà Nội hôm nay và ngày mai. Trao đổi với báo chí ngoài cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM VN nhấn mạnh cuộc họp đặc biệt nêu bật việc củng cố, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trước những biến động là cần thiết.

"ASEAN, với tư cách Hiệp hội các quốc gia nhỏ, cần nêu tiếng nói, lợi ích của mình không để bị tác động bởi tương tác của các nước lớn. Đây là một ưu tiên quan trọng của ASEAN" -Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho hay đồng thời nhấn mạnh :

"ASEAN phải bàn định được cách tiếp cận của mình đối với những vấn đề đặt ra của khu vực, làm sao thúc đẩy nội khối về những vấn đề ASEAN có lợi ích như xây dựng cộng đồng, gắn kết các đối tác mà không bị hiểu là đứng về bên này hay bên kia".

Ông cũng cho rằng, trong tương tác giữa các nước lớn với ASEAN hay giữa các nước lớn với nhau, không phải lúc nào cũng song trùng lợi ích với lợi ích ASEAN. Do đó, ASEAN phải đưa ra được tiếng nói của mình, làm sao thuyết phục được các nước lớn cùng ASEAN xây dựng mục tiêu chung của khu vực là hòa bình, ổn định và cùng phát triển chung.

Thách thức tranh chấp lãnh hải

Thứ trưởng Ngoại giao VN cũng cho hay, cuộc họp bàn cách thức mà ASEAN có thể có tiếng nói và ứng phó các thách thức nổi lên, trong đó có những thách thức liên quan tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Nêu những căng thẳng Biển Đông, vai trò trung tâm của ASEAN được tiếp cận ở góc độ khu vực ra sao trong cuộc họp? VN có chủ động nêu những thách thức đang ảnh hưởng đến hòa bình ở khu vực với vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của VN?

Thứ nhất, các quốc gia thành viên nhìn từ góc độ làm sao đảm bảo được an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Thứ hai, ASEAN coi trọng tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ, làm sao đảm bảo tuân thủ được luật pháp quốc tế và Công ước luật biển.

Thứ ba, trong khu vực có nhiều thỏa thuận liên quan đến cách ứng xử ở trong khu vực này cũng như trực tiếp đến vấn đề Biển Đông đó là Hiệp ước hợp tác hữu nghị ở ĐNA (TAC) hay Tuyên bố DOC được ký giữa ASEAN và TQ. Cuối cùng, khi có sự cố xảy ra thì ASEAN phải có tiếng nói thế nào để thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện trách nhiệm của mình.

Trong dịp này, chúng ta có những chia sẻ tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, đặc biệt sự phức tạp do việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan cũng đưa rất nhiều tàu hộ tống, bảo vệ, liên tục gây ra những hành động gây hấn, đâm va tàu. Phân tích ở góc độ khu vực, thứ nhất, việc này thực sự đã ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Thứ hai, việc sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của một nước là trái với thỏa thuận của ASEAN và TQ Tuyên bố DOC cũng như trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Thứ ba, việc đưa những giàn khoan, tàu này vào vùng thềm lục địa quốc gia theo Công ước luật biển là trái với Công ước luật biển.

Thứ tư, việc TQ chủ động đưa giàn khoan vào trong khu vực thềm lục địa của quốc gia khác thì trong tuyên bố DOC có quy định không được làm phức tạp thêm tình hình thì đây là đã là làm phức tạp thêm tình hình.

Trong ngày hôm nay các nước sẽ bàn tiếp vậy tiếng nói của các nước ASEAN sẽ thế nào, tôi tin chắc ASEAN phải khẳng định, ủng hộ việc bảo đảm hòa bình, ổn định , an ninh, an toàn hàng hải khu vực. Phải nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật biển, tuân thủ DOC là văn bản mà TQ đã cam kết, ký với ASEAN.

Ngoài ra, không được sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền. Đây là nguyên tắc rất lớn của ASEAN trong quan hệ quốc tế cũng như trong việc chia sẻ, xây dựng những nội hàm về quy định của khu vực, cách ứng xử của khu vực.

ASEAN là tập hợp một loạt nước nhỏ nên muốn các quốc gia phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì việc sử dụng sức mạnh để áp đặt những chủ kiến, những đòi hỏi chủ quyền của mình đều là không được chấp nhận.

Cần những giá trị ràng buộc

Phản ứng của các nước về vấn đề này như nào? Liệu ASEAN sẽ tìm được tiếng nói chung cũng như vai trò trung tâm ra sao đối với nguy cơ TQ có thể hạ đặt giàn khoan vào những vùng biển hiện đang chồng lấn với cả các quốc gia khác chứ không chỉ riêng VN?

Về phản ứng ngắn hạn, khi sự việc xảy ra, ASEAN đã lập tức bày tỏ quan ngại tại hội nghị 10/5/2014 ở Naw Pyi Daw trong nhiều văn kiện cấp cao. Trong quá trình bàn, người ta tính, với những tuyên bố như vậy của ASEAN thì cần thúc đẩy gì nữa để các bên cùng chia sẻ, cùng thực hiện.

Về tầm dài hạn, những cơ chế luật pháp quốc tế, những khuôn khổ của khu vực đã có nhưng làm sao để có cơ chế thực thi một cách hiệu quả nhất. Trong tuyên bố DOC  có 10 đoạn, 10 quy định, nhưng để thiếu 1 cái lớn nhất là cơ chế bảo đảm thực hiện những quy định này.

Làm sao bảo đảm được rằng có một cơ chế để bảo đảm những quy định của DOC được thực hiện thì hôm nay họp chúng tôi bàn rất nhiều. Chắc chắn đây sẽ là 1 nội dung ASEAN phải bàn nữa, rồi bàn với TQ để  hình thành những cái đó.

Về dài hạn, COC trong tương lai sẽ ra sao? Nhiều lần tôi nói COC phải dựa trên và phát huy được nguyên tắc tích cực đã có trong DOC nhưng nó phải bổ khuyết những gì mà DOC còn khiếm khuyết.

DOC là tuyên bố chính trị, vậy người ta cần một bộ quy tắc có giá trị ràng buộc, mà tốt nhất ràng buộc pháp lý như thế nào. ASEAN đã chia sẻ và phải trao đổi với TQ.

Khi COC có những quy định trong tương lai thì những quy định đó phải được bảo đảm thực hiện, theo đó phải xây dựng những quy chế và các cơ chế dàn xếp thế nào để có thể bảo đảm việc này.

Chúng ta cũng cần có cơ chế bảo đảm ngăn ngừa những sự cố, rủi ro xảy ra. Khi những sự cố và rủi ro xảy ra thì làm sao quản lý để không bùng nổ thành xung đột. Tất cả những vấn đề ASEAN đang bàn trong nội bộ và cơ bản đã thống nhất, chắc chắn trong quá trình tham vấn và bàn bạc với TQ sắp tới ASEAN sẽ bàn tới.

Với vai trò trung tâm của ASEAN duy trì trung tâm nhất định phải có sự đoàn kết. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tính đoàn kết của ASEAN nhất là khi đứng trước các sự cố đặc biệt như là tranh chấp chủ quyền?

10 nước ASEAN có chung mục tiêu là thống nhất với nhau trên một số nguyên tắc, thế nhưng không phải vấn đề nào thì lợi ích quốc gia của các nước thành viên cũng song trùng với nhau. Cho nên trên  bất cứ vấn đề nào nó cũng có điểm chung và điểm khác biệt.

ASEAN có những chế độ chính trị xã hội và lợi ích quốc gia khác nhau nhưng lại có rất nhiều chia sẻ lợi ích chung. Làm sao một vấn đề khi xảy ra thì tất cả các nước ASEAN đều coi đó là mối quan tâm chung của mình? Rồi từ quan tâm chung thì phản ứng của ASEAN là thế nào?

Trên thực tế nếu muốn đúng phương cách ASEAN, tăng cường đồng thuận, thì tham vấn phải nhiều hơn. Chỉ có tham vấn thì các nước mới hiểu được nhau, mới hiểu được khía cạnh đây là vấn đề thuộc quan tâm chung, mới thấy được rằng có lợi ích chung riêng mà phải kết hợp lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực. Cuối cùng chỉ có thông qua tham vấn, người ta đứng trên cương vị, lập trường của ASEAN mà người ta không ngại cấn cá với một nước lớn nào đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật