Mùa hè không có nắng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyện không có gì đáng nói nếu trong chuyến đi công cán tại nước Cộng hòa Ucraina, tôi không gặp lại cô bạn gái tên Thanh cùng cơ quan một thuở, người rất thân với Nguyệt mà tôi từng chết mê chết mệt.
Mùa hè không có nắng
Minh họa: Tô Chiêm.

Thanh cũng biết điều ấy, nhưng có lẽ vì quá hiểu những thằng đàn ông vừa tốt bụng vừa có tính trăng gió, nên cô cũng không khuyên tôi bỏ cuộc khi đã có gia đình khá êm ấm, nhưng cũng không cổ vũ như có ý ra chiều thách đố.

Ừ, hãy cứ thử xem các đấng mày râu có tí chức còm, có tí tiền giấu vợ liệu có chinh phục được cô nàng không phải chân dài nhưng mềm mại, xinh long lanh và sáng trong như dải lụa giữa trời là Nguyệt của cô?

Ở một cơ quan làm văn hóa, được một người như Nguyệt, ngoài hai mươi, mấy năm sau đã gần ba mươi, lúc nào cũng môi ươn ướt, má ửng hồng, mắt nheo cười nhìn con trai thì nhìn thẳng như kìm lại một lời yêu, có lúc con mắt biết nói như mời gọi. Tôi cũng được nàng nhìn như thế một lần mà thấy rạo rực. Cánh đàn ông cơ quan, từ kẻ có gia đình đến bọn con trai chưa vợ đều tìm cơ hội ngấp nghé. Nhưng có lẽ, ông giám đốc là "bở" nhất, đã mấy lần rủ cô nàng đi công tác toàn ở các tỉnh miền biển, nơi có những bãi tắm đẹp mê hồn và tất nhiên có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ thì thôi rồi.

Sau mỗi lần đi công tác về, họa có kẻ ngờ nghệch lắm mới không tin rằng, con ong đã tỏ đường đi lối về, dù trong những bữa bia hơi sủi bọt ông ấy thề sống thề chết: "Tớ nhịn miệng đãi các cậu đấy. Đừng có thấy đỏ mà tưởng chín nhé. Loại đàn bà ấy, dùng quyền lực không ăn giải đâu, mà duyên thì tớ phai rồi. Khó ăn đấy. Nhường các cậu…". Đúng là nói không biết ngượng mồm, giám đốc mà đi với nhân viên xinh đẹp những mấy ngày chỉ có trời và non nước biết. Chẳng nhẽ lại bảo "tớ ngủ với cô ấy rồi", thì phải tội chết! Cấp dưới mà ghi âm được thì toi, kỳ bổ nhiệm tới coi chừng những trận bia say kiểu vườn đào này. Nhưng những chuyện bán tín bán nghi như vậy còn sống dai và hấp dẫn hơn một sự thật đã được phơi bày. Hình ảnh Nguyệt vẫn cứ ẩn hiện xa gần đâu đó trong lời ong tiếng ve tạo nên những bí hiểm, huyền ảo trong trà dư tửu hậu không dứt.

Mà hình như Nguyệt cũng có cảm tình với tôi thì phải. Tuy khác phòng, nhưng có chuyện gì vui vui, buồn buồn là cô nàng hay tìm đến tôi nói chuyện. Lúc thì vài trục trặc trong chuyện triển khai đề tài khoa học ở cơ quan, lúc thì chuyện mẹ cô bị ốm ở quê không có ai chăm sóc (vì bố mẹ cô đã bỏ nhau), các em thì đi xa cả, bà ở một mình với gánh hàng xén nơi chợ huyện. Có lúc lại là những tâm sự về những người con trai đến tìm hiểu cô mà nhìn thấy ớn lạnh "Họ thế nào ấy anh ạ. Chỉ muốn được yêu thật nhanh, chẳng cần biết em là người thế nào, gia cảnh ra làm sao. Vài lần rủ đi ăn khuya là muốn đưa em đi chỗ này, chỗ nọ… Sợ chết khiếp!".

Rồi nàng nhìn tôi buông một câu chết người "Người như các anh, giờ bói không ra", rồi nhìn vào mắt tôi nheo cười như muốn trao gửi. Chao ôi, tôi thẫn thờ như bị bỏ bom, chưa kịp nói một lời buông câu thì nàng đã chào đứng dậy, mặt ửng đỏ ra về, để lại một không gian hẹp lặng yên, cùng ánh nhìn dài đầy hứa hẹn. Nàng ra khỏi phòng, tôi ngồi trầm ngâm nhìn ra cửa, tưởng tượng những tình huống được gần gũi với nàng ở đâu đó, ở rất xa riêng có, để tận hưởng những gì có thể nàng dành cho tôi. Và suốt năm đó, tôi luôn bí mật tìm cơ hội.

Cơ hội đó đến trong chuyến chúng tôi cùng về miền Trung khảo sát ngôi chùa Bốn ở huyện Châu Diễn, tỉnh An Nghệ, bị phá hỏng từ năm 1930 nhưng những dấu tích vùi dưới lòng đất sâu ẩn chứa nhiều thông điệp lịch sử. Người dân ở đây vẫn truyền nhau câu thành ngữ: "Trống đền Cuông, chuông chùa Bốn", tự hào về tiếng chuông ngân vang có thể cả huyện nghe tiếng mỗi khi được gióng lên, nhất là về đêm khuya thanh vắng.

Về với làng quê, ban ngày giữa mênh mang là lúa xanh mướt, những cánh én đầu xuân liệng những vòng huyền ảo, nơi ngôi chùa trụ trì chỉ còn là khoảng đất rắn, hàng ngày tôi và Nguyệt đi bộ từ nhà dân lên ghi chép những phát hiện của các nhà khảo cổ đang đào xuống lòng đất sâu, hai chúng tôi càng gần gũi hơn, đi đâu cũng có nhau, sát sàn sạt. Cánh trẻ chăn trâu có lúc thấy hai chúng tôi gần nhau quá còn trêu đùa chồng chồng vợ vợ… rồi hét toáng lên chạy ra xa.

Lúc đó Nguyệt nhìn vào mắt tôi thì thầm: "Trẻ con thích anh nhỉ, em ước có một ngôi nhà ở quê, vợ chồng sống thanh thản, nghèo một tý cũng được nhưng được sống trong không khí thế này thích quá anh ạ…". Rồi cô chủ động nắm tay tôi kéo đi về phía các nhà khảo cổ như sợ sóng tình cảm dâng lên ào ạt khó kìm nén. Chiều đó tôi cố nán lại về thật muộn, khi bóng hoàng hôn đã trải dài trên cánh đồng chạng vạng, cánh khảo cổ cũng đã thu dọn cuốc xẻng đi bộ về làng nghe đâu tối nay còn liên hoan với chi đoàn thanh niên. Hai chúng tôi cũng xếp tài liệu vào cặp, đi bộ trên đường ray, bỗng một con tàu khách chạy qua, tiếng còi vang một hồi dài, rồi ngắt ba tiếng một như muốn trêu chào đôi trai gái mà người lái tàu nghĩ chắc là đang tìm chỗ hẹn để yêu nhau giữa đồng không mông quạnh. Hai đèn pha quét sáng choang chiếu rọi từng thanh tà vẹt và những viên đá nhỏ.

Tôi kéo tay Nguyệt ra khỏi đường ray xuống vệ đường. Gió từ đoàn tàu chạy ào qua mạnh bất ngờ xô cả người Nguyệt vào tôi. Tiếng hành khách trên mấy toa tàu hét vọng xuống giục giã: "Yêu nhau đi, yêu nhau đi!"! Rồi con tàu chạy qua, bóng tối đen đặc trùm lên mênh mông trở thành kẻ đồng lõa cùng với làn gió lạnh phả ra từ con tàu đã xô đẩy hai kẻ còn lại duy nhất trên cánh đồng ngã vào nhau. Tôi chủ động ôm ghì lấy Nguyệt làm sứ mệnh che chở cho cô một cách hợp pháp, rồi dìu em xuống vệ đường.

Dường như cũng không cưỡng lại được sức trẻ tràn trề của tôi trong màn đêm đồng lõa, Nguyệt ôm chặt ngã vào người tôi mềm mại. Tôi hôn vào đôi môi của em. Người em nóng dần lên. Cỏ dưới chân chúng tôi mềm quá, khô ráo quá, chỉ cần ngã xuống là không còn nghĩ đến điều gì nữa, là mơ một giấc mơ… Nhưng lạ chưa, khi tôi rắp tâm giở ngón đòn thành thạo của một người đàn ông có vợ thì người Nguyệt bỗng cứng lại. Em thả vòng tay, lỏng lẻo, nói đứt quãng nhưng dứt khoát: "Thôi anh ơi, không được! Em sợ mất anh… Em quý anh. Thôi anh!".

Rồi cô gỡ vòng tay tôi ra, kéo tôi đi, nói hổn hển như muốn khóc: "Anh thương em nhé, đời em không có ai thân thiết và tin cậy như anh. Em sợ mình buông xuôi thì không còn ai để em tựa vịn...". Tự nhiên tôi chùng xuống, đưa tay vuốt tóc Nguyệt như cử chỉ đối với người em gái nhưng vừa tiếc rẻ, vừa ngượng nghịu: "Anh xin lỗi, tại cái đoàn tàu", rồi bỗng cả hai cười phá lên sau câu chữa cháy bất ngờ ấy, lấy ồn ào xóa đi cảm giác tội lỗi mà chúng tôi vừa trải qua, bỗng thấy thân thiện trở lại, nắm tay nhau trở về làng mà không gợn lên điều gì. Kia rồi, ánh điện và tiếng còi xe chạy qua quốc lộ trở thành đồng minh kéo chúng tôi đi nhanh hơn…

Vậy mà sau đó bỗng xảy ra một chuyện động trời. Trong chuyến đi công tác ở Odersa, tôi nhận được tin nhắn bí mật của một đồng nghiệp thân qua facebook bảo rằng ở nhà Nguyệt bị HIV giai đoạn cuối, đang nằm viện, cả cơ quan đang dáo dác lên. Bạn ta còn ý tứ khuyên tôi nếu có "gì đó" với Nguyệt thì tranh thủ xét nghiệm ở nước ngoài đi. Ý nói là về nước dễ bị lộ, ảnh hưởng đến gia đình và khó khăn khi chữa trị. Cảm giác đầu tiên của tôi lúc ấy là gì nhỉ?

Thở phào. Tôi nằm xoài trong khách sạn, mỏi mệt, buồn não nề. Tự nhiên tôi giận Nguyệt ghê gớm, thì ra cô ta là người phóng túng thế ư? Cô ta đã giấu cái vẻ bề ngoài khéo thật để che đậy một lối sống buông thả. Phen này khối anh ở cơ quan mình sẽ chết một cách tức tưởi. Tôi nhớ lại cái chuyện bên vệ đường sắt năm đó, nếu như… có khi hỏng cả một nghiệp đời. May mà tôi dừng lại kịp, không phải là do chính cô ta mới phải. Cô ta đã ngăn tôi lại, điều đó là do gì nhỉ? Cô ta cứu tôi chăng? Có thể cô ta không dám lấy chồng vì biết mang trong mình một mầm bệnh, và vì thế chăng mà Nguyệt đã cưỡng lại dụ‌ּc vọn‌ּg của tôi trong cái chiều chạng vạng ấy? Nếu quả đúng như vậy thì chính cô ta là thần cứu mệnh tôi chăng.

Nghĩ đến đấy tự nhiên tôi thấy ớn lạnh, khi tưởng tượng nếu không may xảy ra cuộc giao hoan lầm lỗi, không biết bây giờ tôi sống dở chết dở thế nào… Tôi đang miên man nghĩ những chuyện không đầu không cuối ấy thì Thanh hẹn đến chơi gửi quà về nước. Bây giờ Thanh đã là Việt kiều, đã nhập quốc tịch, thỉnh thoảng về nước có đến thăm Nguyệt và tôi. Đang tâm trạng, tôi rủ Thanh ra một quán rượu ở Odersa. Lúc rượu đã ngấm, tôi đủ dũng khí để nói với Thanh một cách nghiệt ngã pha lẫn sự đố kị, ghen tuông vô cớ về Nguyệt:

- Nguyệt của chúng ta bị HIV, mình vừa nhận được tin, đau xót quá! - Tôi nhấn mạnh hai từ "chúng ta".

Ngỡ là thế nào Thanh cũng sửng sốt lên, nhưng không, cô cười to thủng thẳng sau một tợp rượu:

- Chuyện vặt!

Sao cô này ác thế, bạn thân bị bệnh mà lạnh tanh, bây giờ con người ta bươn chải kiếm sống nên trơ lỳ, xơ cứng như người máy thế này sao? Tôi uống ực một chén rượu, sức nóng ran trong bụng cũng không thể đốt cháy được nỗi buồn đang xâm xỏa trong người tôi, trái lại càng làm cho nó lan ra khắp c‌ơ th‌ể, xen lẫn sự chán chường khiến mông cứ dính vào ghế không thể cất mình lên. bệnh của Nguyệt suy cho cùng chẳng liên quan gì đến mình mà sao khiến tôi buồn thế này cũng bất thường thật! Tôi thấy giận mình, một thằng đàn ông vớ vẩn, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng, nghệ sĩ nửa vời vui buồn chuyện người khác tự làm khổ mình. Giận mình, tôi giận lây cả Thanh đang nhìn tôi soi mói nên cáu lên như để che giấu sự thẹn thò của mình:

- Sao lại chuyện vặt, nó sắp chết đến nơi mà em còn thế. Vậy sao bảo là thân lắm? - Tôi dùng từ "nó" là không phải vừa rồi.

Thanh cười khanh khách:

- Này nói cho ông anh biết. Đây thân từ bé cơ. Cái gì mà chẳng biết. Đàn ông các anh chán lắm. Tán không được người ta thì vu oan cho con gái. Nguyệt nó có gì đâu, em vừa điện cho nó, bị sốt thì đi viện, làm gì có Vê với Ết. Toáng lên làm gì? Anh ấy, anh mới là người bị "diễn biến hòa bình"!

Tôi bật cười rồi bán tin bán nghi trước cái cười ngặt nghẽo của Thanh như soi vào cái bụng toang toác của tôi. Ngượng thật đấy, vì có người biết cu ti củ tỉ về mình. Rồi bỗng thấy xấu hổ, tẽn tò. May quá, Thanh nâng chén chạm "cạch" vào chén tôi: "Uống đi, em kể chuyện này"!

Thanh uống ực một chén như đàn ông sành rượu. Rồi cô ngồi lặng đi, có cảm giác tự thấy xấu hổ vì nói to trước mặt đám đông khách nước ngoài. Cô cúi mặt xuống nhìn vào cái chén đã cạn rượu, im lặng rất lâu, lặng đến mức tôi còn nghe trộm được tiếng thủ thỉ bằng tiếng Nga của cô gái đang làm nũng người yêu bàn bên cạnh. Tôi được thể cũng im lặng một tý như người biết tinh tế, nhưng quả thật là do không biết phản ứng thế nào. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy tuyết trắng nhả xuống ngoài cửa kính như bông cây gạo quê tôi ngày rơi lơi phơi trắng trời… Một lúc sau, Thanh ngẩng lên nhìn tôi, buồn não nề, nước mắt ứa ra như người con gái bị mắng oan. Tôi hơi hoảng nhưng trấn tĩnh rất nhanh. Trước một người con gái yếu đuối như Thanh lúc này, phận sự của người đàn ông như tôi là phải cứng cỏi cho họ tựa vịn. Có lẽ trong mắt tôi có dấu hiệu đó nên đã khiến Thanh nói đứt quãng:

- Anh ơi, Nguyệt nó khổ lắm. Em học với nó từ lớp 1 đến lớp 7, nó cùng em chứng kiến nhiều tủi hờn của nhà nó lắm. Nó là chị cả, bố nó - một người đàn ông ra dáng lắm, nhưng đang yên đang lành thì đột ngột xin đi xuất khẩu ở Đức. Bố nó nhờ người bạn thân thay mình chăm vợ vừa sinh đứa con thứ hai. Người đàn ông ấy chăm sóc mẹ nó như vợ mình, chăm thế nào lại đẻ với mẹ Nguyệt đứa con nữa…

- Đa tình quá! - Tôi vẫn lởn vởn ý nghĩ không hay về Nguyệt

- Đừng nói thế. Để yên em kể cho mà nghe. Sau này em mới hiểu vì sao mẹ nó lại sa ngã thế. Lần đó, Nguyệt đang học lớp 6, bị sốt phát ban, mẹ nó phải ôm con nhỏ một tuổi, người đàn ông bạn bố nó chạy đưa Nguyệt lên bệnh viện tỉnh, rồi ở lại cơm cháo, thuốc thang cho nó suốt cả tuần. Bố nó có ở nhà cũng chỉ làm cho nó đến thế là cùng, phải không anh?

Rồi một buổi chiều, mẹ nó gửi con nhỏ, đạp xe lên bệnh viện thăm con gái. Hôm ấy, em cũng có mặt ở đấy, mẹ nó nhìn con nước mắt lưng tròng, rồi cũng với dòng nước mắt ấy ngước lên nhìn người đàn ông bạn chồng mình như nhìn một Đức Chúa. Bây giờ em mới hiểu ánh mắt ấy lạ lắm, nó da diết, lệ thuộc, như một con chiên. Người đó đã chăm mẹ Nguyệt những ngày mẹ nó vượt cạn, ở cữ, biết đi chợ, biết nấu những món gì hợp với người đàn bà đang ấp con. Nay người đó thay mẹ nó cứu sinh mệnh Nguyệt, bỏ cả người vợ một mình ở nhà để chăm Nguyệt như một người cha. Mà ông ta có đòi hỏi gì đâu, cứ cần mẫn, ít lời, lặng lẽ như lòng tử tế được chưng cất thành thứ rượu quý trong trẻo, không gợn đục chảy vào lòng người. Đêm xuống, mẹ nó chủ động kéo tay người đàn ông nói là đi tìm bác sĩ để xin cho Nguyệt ra viện sớm.

Linh tính người con gái mới lớn khôn sớm khiến Nguyệt rón rén đi theo. Nó thấy mẹ nó ôm lấy người đàn ông ở góc tối mà khóc, rồi họ kéo nhau ra công viên cạnh bệnh viện. Nó về phòng ôm lấy em khóc tui tủi. Em hỏi gì nó cũng không nói. Bây giờ thì em hiểu, mẹ nó bị lòng biết ơn của kẻ cô đơn yếm thế xô ngã vào vòng tay của một người đàn ông không vụ lợi, đó là phút tự nguyện không tính toán, là sự mê miết không cần biết phía trước là gì. Nhưng đó không phải sự trả ơn, đó là sự choáng ngợp bất ngờ trước một luồng ánh sáng bạo liệt tinh khiết thiêu đốt lí trí của mẹ nó thành nỗi yêu cuồng nhiệt thì phải. Đó như là một cơn say nắng trong đời người, hãn hữu lắm và hiếm hoi lắm. Rồi mẹ nó sinh thêm một em trai. chu‌yện ấ‌y làm sao mà giấu được. Vậy là bố nó tức tốc xin về nước sớm, bỏ mẹ con nó. Người bạn thân của bố nó không thể sống được ở thành Lam, đưa người vợ tâm thần bỏ đi biệt xứ. Mấy mẹ con nó ở thành Lam thời bao cấp, cực lắm, Nguyệt bươn chải từ lúc mười ba tuổi như một người mẹ thứ hai để giúp mẹ không gục ngã trước ngang trái cuộc đời. Hôm nay em xin lỗi nói câu chữ một chút. Em thương nó và hiểu nó hơn ai hết. Nguyệt nó ít lời, không tâm sự chuyện nhà đâu. Anh càng không phải cán bộ tổ chức, làm sao anh hiểu được lý lịch của nó. Nó không muốn yêu ai cũng vì mẹ nó, nó không thể ngủ với ai được cũng do mẹ nó. Chuyện này còn dài lắm, phải người tâm phúc may ra mới lý giải được. Cho em một chén nữa, em kể cho mà nghe. Anh muốn nghe không?

Tất nhiên là tôi gật đầu ngồi lặng đi. Sau khi rót thêm cho Thanh một chén, tôi cúi đầu nhâm nhi chén rượu không dám nhìn vào mặt Thanh đang rầu rĩ. Cả quán rượu như nhòa đi trước mắt tôi. Có thể do lòng tôi hoang hoải, cũng có thể hơi rượu nóng bay thoảng qua mắt tôi nhìn mọi vật cứ nhoãng đi như mù sương âm ẩm. Thật khó tin câu chuyện như là sợi dây quá khứ cột số phận của Nguyệt vào mái tóc của mẹ nó vẫn để dài sau tấm lưng dài bươn bả. Tôi cũng từng thấy mẹ Nguyệt ngày cô đưa mẹ lên ở cùng. Thi thoảng chiều tối đi làm về phóng xe máy qua khu nhà tập thể bên cái hồ nước nông, thấy hai mẹ con sánh bước xách chiếc làn nhẹ thênh đi chợ vãn chiều hôm. Họ đi như hai chị em, hai mái tóc dài gần ngang nhau, chẳng biết họ mua gì nhưng dường như nét mặt thanh thản lắm, không nhìn ai, thủ thỉ chuyện gì nghe không rõ, cảm giác như chợ chiều chỉ có hai mẹ con liêu xiêu đi bên nhau bình yên giữa phố xá ầm ào náo động.

Tôi giật mình vì tiếng "cạch" nhẹ của Thanh vào chén rượu xoay xoay trên tay mình, giọng Thanh nghe xa xôi lắm:

- Anh, em biết là anh hiểu chưa nhiều về Nguyệt đâu. Em thì gần đây em mới tự lý giải được, nó đổ vỡ về bố nó, đổ vỡ cả người bạ‌n tìn‌h bất đắc dĩ của mẹ nó ngày bố nó đi kiếm ăn xa. Hai người đàn ông ấy bỏ mẹ nó đi hết, không ai tha thứ cho phút nhẹ lòng của một người đàn bà yếu đuối, nặng tình mà dại dỡ. Nhưng tại sao cũng không ai nói với mẹ nó một lời vì đã một mình gánh trên đôi vai gầy ba người con thơ dại chạy qua cái thời bao cấp nhọc nhằn, nghẹt thở. Ba chị em nó giờ đã trưởng thành, có việc làm, đi đâu cũng quẩn quanh bên mẹ như muốn cụm vào chở che cho mẹ nó. Với những đứa con gái như Nguyệt, sự đổ vỡ đã lấy đi của nó thứ quý nhất là niềm tin, niềm tin vào đàn ông, chỉ để lại trong lòng nó sự vô vọng khiến nó không thể yêu ai. Mà anh thấy không, nó đẹp như thế, con trai nào chả thích. Hẳn có lúc nó cũng xiêu lòng, nhưng cứ mỗi lần chạm vào cõi yêu, sự thất vọng đã khiến nó cảnh giác với tất cả, khiến nó bị xơ cứng…

Im lặng một lúc, Thanh nói tiếp:

-  Mà sao em nói với anh những điều này nhỉ? Có đúng không anh nhỉ, đã bao giờ em rành rọt như hôm nay đâu. Thôi anh, em bị say rồi! Anh đừng nghe nữa…

Đêm đó, hai chúng tôi nói nhiều lắm về Nguyệt, về người mẹ liêu phiêu của đời cô, về tình bạn của Nguyệt và Thanh những năm tuổi thơ trong veo, nói rồi tự biện, thủ thỉ, tự sự như cánh nhà thơ say rượu mộng du. Uống rượu với đàn bà cũng có khối điều thú vị, bởi họ không bao giờ làm ta nổi giận, kể cả lúc say lảo đảo. Nhìn họ nâng chén rượu cạch vào chén ta, sao thấy bình yên như chính ta say được che chở vậy. Lúc này làm sao tôi hiểu được ngọn ngành điều Thanh kể, giải thích là thật giả thế nào. Chỉ thấy dâng lên trong thẳm sâu tim mình niềm thương tội nghiệp đến da diết giữa bồng bềnh ngưỡng vọng tâm tính thật khó nhận biết của một người con gái vời vợi xa. Ngoài kia, tuyết trắng rơi dày hơn, bảng lảng như sương khói sáng tinh mơ quê nhà ngày chớm đông. Rượu và hơi ấm sẽ giữ hai chúng tôi ở lại lâu hơn nếu chồng Thanh không đánh xe ra đón, kéo chúng tôi ra màn đêm trắng xanh Odersa huyền ảo…

Tôi về nước mỏi mệt vì vừa trải qua một chuyến đi gấp gáp và bề bộn những chuyện từ phương trời xa ngái. Và kỳ lạ chưa, khi xe ôtô cơ quan đưa tôi về nhà lúc chiều hè muộn, qua cái chợ chiều thì bỗng nhìn thấy nhân vật trong câu chuyện giữa tôi và Thanh đang đi cạnh người mẹ đang xách chiếc làn nhẹ thênh. Đúng là Nguyệt rồi, vẫn cái dáng thon thả như từng bên cạnh tôi chạng vạng nơi đoàn tàu dạo nọ, suýt nữa thì tôi gọi to lên: "Nguyệt ơi! Em có quà Thanh gửi đây…", nhưng cậu lái xe đã cho xe lướt qua.

Nguyễn Hồng Thái

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật