Sợ hãi phát hiện ký sinh trùng ngo nghoe trong cua đồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi làm cua đồng nấu canh, các bà nội trợ thường thấy một loại ký sinh trùng nhìn như đỉa con, màu đỏ nhạt hoặc đen nhạt bò trong mai cua...
Sợ hãi phát hiện ký sinh trùng ngo nghoe trong cua đồng
Cua có nhiều ký sinh trùng khu trú là cua sống trong vùng nước bẩn...
Sợ không dám ăn canh cua
Nói đến canh cua, riêu cua, chị Hà Thị Hằng (ngụ tại phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: "Trước đây, khi ăn canh cua tôi đều ra chợ mua và yêu cầu người bán làm cua tại chỗ, mang về chỉ việc lọc là nấu. Một lần mới đây khi mua cua về tự làm thì tôi thấy con gì đó ngoe nguẩy như đỉa con, mình mỏng như con vắt, bám ở thành nồi và bám ngay trong rổ rửa cua, sợ quá tôi đổ luôn cả rổ cua, không dám ăn nữa. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi con vật đó và gần như tẩy chay canh cua".
Tương tự như trường hợp chị Hằng, chị Minh Hương, ngụ tại quận 1 cũng sợ hãi khi phát hiện con vật mềm nhũn như đỉa con, bò ở rổ rửa cua. Bà Trần Thị Tình (quê Thái Bình) lại cho rằng, đó là con bọ cua, vì cua ở vùng đồng ruộng các tỉnh phía Bắc đều có con bọ này. Từ lâu nó đã xuất hiện trong mai cua, bà con cho đó là con bọ cua, nó không hút máu, không gây độc nên không ai để ý.
Tại nhiều chợ trong thành phố, cua vẫn luôn đắt hàng, giá trung bình 70.000 - 80.000đ/kg, nhất là món canh cua vẫn hấp dẫn thực khách và được nhiều gia đình chọn bởi theo họ ăn canh cua mát. Chị Nguyễn Thị Tôn, chủ hàng cua tại chợ căn cứ 26, quận Gò Vấp cho biết: "Có ngày tôi bán hàng chục cân cua, khi làm cua thường thấy con bọ cua. Người dân mỗi miền có cách gọi con vật này bằng một tên khác nhau như con vắt, con sán cua... Khi vừa tách mai cua, nếu có bọ là bò ra liền, nó không bám vào tay, xả nước vào mai cua là bong ra". Đa số chủ hàng buôn bán cua đều cho rằng, bọ cua thường xuất hiện nhiều trong mai cua vào mùa khô, nước ao, hồ, ruộng bị cạn, mùa mưa họ không thấy con vật này xuất hiện trong mai cua.
Chỉ là loài ký sinh trùng trong nước
Ông Lê Hồng Phước, Giám đốc Trung tâm Quan trắc, viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, TPHCM cho rằng, loại ký sinh trùng trong cua đồng không phải là đỉa con hay vắt hút máu người, cũng không phải là sán cua. Đây chỉ là một dạng ký sinh trùng trong nước có vòng đời ngắn, nó sống ký sinh trong mai cua. Trên nhiều loại thủy hải sản cũng có những dạng ký sinh lây sang người như sán lá gan thường có trên cá, nhưng đa số khi nấu chín kỹ thì không có nguy cơ lây sang người. Chính vì vậy, những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, trên tôm, cua, cá, nghêu, sò khi nấu chín thì không đáng sợ. Cá biệt có một số vi khuẩn gây tiêu chảy trên thủy hải sản là do người dùng ăn gỏi hoặc tái.
Về nguyên tắc, thường thì tình trạng nảy nở các loại ký sinh trùng cũng liên quan đến nguồn nước, nếu nguồn nước ô nhiễm, bẩn, thì ký sinh sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Ngoài ra, mùa vụ cũng liên quan đến chất lượng nguồn nước. Ví dụ, mùa nắng khô hạn nước thải sinh hoạt ra sông ngòi, nước ao hồ không được pha loãng, khiến nguồn nước bẩn. Mùa mưa khả năng hòa tan chất bẩn trong nước nhiều hơn nên ký sinh trùng sẽ ít hơn.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong môi trường nước có hàng trăm loài ký sinh trùng khác nhau. Nhiều ký sinh sống trong cua, tôm, tép, cá... sinh sôi nảy nở ở môi trường nước, vòng đời ngắn không gây hại, loài sống trong mai cua là một dạng ký sinh trùng. Cua có nhiều ký sinh trùng này khu trú là cua sống trong vùng nước bẩn, còn cua được nuôi trong ao hồ nguồn nước được vệ sinh sạch bằng các chế phẩm vi sinh nên hiếm có ký sinh này xuất hiện trong mai.
Dù những ký sinh trùng trong nước này có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao khi đun sôi nấu chín, song người tiêu dùng vẫn nên rửa thật kỹ cua bằng nước muối trước khi chế biến. Hiện nay, ở các chợ đa số làm cua xay sẵn cho khách, người mua phải chú ý nguồn nước và cách rửa cua sao cho sạch.
Loài ký sinh trùng này sinh sôi nảy nở theo mùa. Cua đồng đóng vai trò là ký chủ trong vòng đời của con ký sinh trùng này. Việc người ăn cua có phải là ký chủ chuyển tiếp của loài ký sinh này hay không thì chưa có nghiên cứu nói về vấn đề này.
TS Nguyễn Hữu Thịnh (Trưởng Bộ môn bệnh học, Khoa Thủy Sản, trường Đại học Nông lâm TPHCM)
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật