Càng lớn, càng lo

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau mấy chục năm vất vả, vợ chồng tôi sắp có được những ngày hưu trí nhàn hạ. Hai đứa con đều tốt nghiệp đại học, đã có bạn gái, bạn trai, chờ việc làm ổn định là lập gia đình.
Càng lớn, càng lo
Ảnh minh họa

Nhưng “con đường sự nghiệp” của các con xem ra còn quá mờ mịt. Ngày xưa, từ quê lên phố, tuổi mười tám đôi mươi, tôi và chồng đều phải vất vả đủ nghề để kiếm tiền xoay xở việc trọ học. Đã trải qua nhiều khó khăn nên nhủ lòng cố gắng lo cho con, không để chúng sớm bươn chải giống mình. Ai có ngờ, đầy đủ quá hóa tác dụng ngược. Thỉnh thoảng, tôi kể chuyện ngày trước cha mẹ khổ cực ra sao, chuyện tiền nong, gạo thóc trong nhà thế nào, hai đứa con nghe với vẻ thờ ơ. Tính chồng tôi qua loa, đại khái. Chuyện nghiêm trọng cỡ nào cũng trở nên nhỏ bé, bình thường với anh. Bởi vậy, nghe vợ than vãn về sự bàng quan của con, anh phẩy tay: “Đâu có ai trẻ con suốt đời. Kệ tụi nó, từ từ sẽ thay đổi”.

Thằng anh tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh đã hai năm. Tôi phát mệt với những ý nghĩ trên mây của nó. Rất tự tin, con khẳng định sau này sẽ giàu có. Nhiều lần nó bảo ba mẹ đừng lo phiền chi, không cần dành dụm, có bao nhiêu tiền cứ tiêu xài thoải mái. Chỉ vài năm nữa thôi, nó sẽ bao cấp toàn bộ cho ba mẹ. Ôi thôi, con cứ nghĩ tận đâu đâu trong khi đi làm suốt sáu tháng ròng mà vẫn xin tiền đổ xăng.

Vừa tốt nghiệp, con trai hớn hở khoe đã tìm được việc vừa ý, thu nhập cao. Tôi háo hức, mừng đến... mất ngủ. Con muốn thứ gì cũng chiều, từ trang phục đến điện thoại, laptop, xe mới… Mẹ còn cấp tiền mỗi ngày ăn uống, xăng xe, giao tiếp bè bạn, khách hàng. Từ khi “đi làm”, con toàn dùng hàng hiệu, tiêu pha thoải mái. Có lần dọn vệ sinh phòng ngủ của con trai, tôi còn bắt gặp mảnh giấy dán trên tường, ngay bàn làm việc: “Một ngày không xa, mình sẽ là nhà kinh doanh giỏi”. Tôi nhìn tấm giấy mà muốn đau tim. Đành vờ như chẳng hay biết gì vì không nỡ làm con bẽ mặt.

Hàng xóm thấy con mỗi ngày ăn diện bảnh bao, xách laptop đi làm cứ trầm trồ khen. Đâu ai biết con đầu quân cho công ty môi giới địa ốc, hưởng phần trăm trên doanh số các thương vụ. Sáu tháng miệt mài, con chẳng bán được ngôi nhà hay miếng đất nào.

Con trai đã vậy, con gái càng khiến ba mẹ khổ tâm hơn. Từ năm cuối đại học, con bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được… phẫu thuật thẩm mỹ. Học kế toán nhưng con chỉ quan tâm phim, nhạc, thời trang và làm đẹp. Đứa bạn thân của con đã đi nước ngoài gọt cằm nâng mũi gì đó, trông rất xinh. Từ đó, con càng nằng nặc đòi ba mẹ cho tiền phẫu thuật. Xin mãi không được, con chuyển sang mượn, vay. Chồng tôi kiên quyết bảo không, bao giờ đi làm có lương thì muốn sao tùy ý. Con vùng vằng giận: “Đợi đến lúc đó con già mất rồi, có sửa cũng đâu đẹp nữa”. Mấy tháng nay con đi tìm việc làm. Thương con, hai vợ chồng cậy nhờ quen biết để phụ kiếm việc. Khổ nỗi khả năng không tới đâu, kinh nghiệm lại chưa có, mà việc nào con cũng chê. Đang lúc thất nghiệp, con lại úp mở khoe có người giúp tiền bạc để phụ đi Thái Lan tắm trắng, nâng mũi, cắt mi. Tôi hỏi, cậu bạn trai cũng ấm ớ, không hay biết gì. Chuyện đến nước này, hỏi sao hai vợ chồng không lo?

Bây giờ, tôi rất lúng túng mỗi khi có người quan tâm hỏi han cuộc sống và công việc của các con. Biết rằng tốt khoe, xấu che, nhưng giấu mãi, nỗi phiền muộn đè nặng trong lòng thật mệt mỏi. Nếu thời gian quay lại, chắc chắn tôi sẽ không “úm con” kỹ như thế, cũng không quá nuông chiều cho những đòi hỏi hưởng thụ. Ngoài mặt vâng dạ nhưng con chỉ thích quyết định mọi thứ, muốn dạy cũng không dễ. Chồng tôi an ủi: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Ráng một thời gian nữa chắc chúng sẽ chững chạc và biết nghĩ hơn”. Còn phải đợi đến bao giờ?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật