Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may có thể được ưu đãi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
UBND TPHCM sẽ kiến nghị trung ương cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nguyên phụ liệu ngành dệt may và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp này hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt.
Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may có thể được ưu đãi
Ảnh minh họa

Đây được xem như động thái giúp ngành dệt may dần chủ động nguồn nguyên phụ liệu, hạn chế nhập khẩu lượng lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc như lâu nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề "Làm gì để giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc của ngành dệt may Việt Nam" diễn ra chiều nay (18-6), ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết UBND thành phố vừa chấp thuận cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư dự án khu công nghiệp chuyên sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may.

Khu công nghiệp này có diện tích gần 80 héc ta tại Nông trường Lê Minh Xuân, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM với tổng vốn đầu tư hạ tầng ban đầu trên 100 tỉ đồng. Dự kiến nhà đầu tư sẽ hoàn thiện hạ tầng trong vòng 3-5 năm tới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khu công nghiệp này cũng như giúp thu hút doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đầu tư vào đây, ông Khoa cho biết thành phố sẽ kiến nghị trung ương (thông qua Bộ Tài chính) một số chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Cụ thể, thành phố kiến nghị cho chủ đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (hiện giờ là 2 năm) và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo (hiện tại là 4 năm); được miễn tiền thuê đất 20 năm (hiện nay là 11 năm); được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước chưa sản xuất được để đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Còn đối với doanh nghiệp thuê đất sản xuất nguyên phụ liệu dệt may trong khu công nghiệp chuyên ngành này, thành phố đề xuất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (hiện nay được miễn thuế là 2 năm) và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (hiện nay là 4 năm); được miễn tiền thuê đất 11 năm (hiện tại chưa được miễn) và được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định tại nhà máy mà trong nước chưa sản xuất được.

"Đây là những chính sách mà thành phố sẽ đề xuất với trung ương thông qua Bộ Tài chính. Đề xuất này có khả năng được chấp thuận bởi hiện nay Bộ Tài chính đã thẩm định một dự án tương tự như dự án khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại thành phố", ông Khoa nói.

Theo ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, hiện nay ngành dệt may vẫn còn phải nhập khẩu gần 70% nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

"Mặc dù vấn đề tăng sự chủ động nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam tránh phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc được nói đến từ lâu nhưng chúng ta vẫn chưa làm được, lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu vẫn còn cao bởi đơn giản nguyên phụ liệu từ Trung Quốc luôn có giá rẻ, đa dạng và chi phí vận chuyển thấp", ông Lê Đông Triều nói.

Để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu sợi, ông Triều cho biết hiện Dệt may Gia Định đang có dự án xây nhà máy sản xuất sợi qui mô 40.000 cọc, vốn đầu tư 400 tỉ đồng tại Khu công nghiệp Tân Tạo.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn cho rằng hiện không nên ảo tưởng không còn nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc mà chỉ còn cách giảm dần trong lúc đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Cũng theo ông Hùng, cái khó nhất trong chủ động nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện nay chính là khâu dệt nhuộm vì đụng đến chi phí vận hành, xử lý hó‌a chấ‌t dệt nhuộm rất tốn kém, chưa kể vốn đầu tư một nhà máy dệt nhuộm cũng cao gấp mấy chục lần nhà máy may, công đoạn xử lý nước thải dệt nhuộm cũng khó hơn ...

Do vậy, trong thời gian trước mắt, ông Hùng kiến nghị nhà nước cần có chính sách thu hút doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ cao nhảy vào đầu tư công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật