Nổ mặt đường Hoàng Sa nghi do khí tích tụ từ những “quả bom” dưới lòng đất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến trưa ngày 18.6, các cơ quan chức năng đã tiến hành khoan đào, khảo sát thực tế hiện trường của vụ nổ mặt đường Hoàng Sa (gần cầu Bùi Hữu Nghĩa), phường Đakao, Q.1 vào ngày 16.6, dù vậy vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân.
Nổ mặt đường Hoàng Sa nghi do khí tích tụ từ những “quả bom” dưới lòng đất
hiện trường mặt đường bị hư hỏng sau vụ nổ

Tuy nhiên, khả năng gây nổ làm hư hại mặt đường đang được các cơ quan chức năng tập trung làm rõ xuất phát từ lượng lượng khí mê tan của các giếng chia nước đặt dọc ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Nổ do khí mê tan?

Ghi nhận của PV ngoài hiện trường, đoạn mặt đường hơn một chục mét vuông bị nứt toác kéo dài khoảng 4m, mặt đường bị lồi nhựa và bê tông mặt đường sát lề đường cũng bị bong lên sau vụ nổ. Xung quanh mặt đường có một số hố ga thoát nước và gần đó cũng có những cái giếng chia nước (đường kính 8-10m, sâu 16 – 40m) thuộc dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã xây dựng hoàn thành từ cách đây khoảng 2 năm.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Quyết Thắng – GĐ Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (quản lý tuyến đường Hoàng Sa) cho rằng, nhiều khả năng vụ nổ làm hư hại mặt đường xuất phát từ khí tích tụ dồn nén từ các giếng khoan chia nước dọc ven kênh. “Hiện chúng tôi đã yêu cầu Ban QLDA vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rà soát kiểm tra theo hướng này”.

Ngày 18.6, Ban QLDA đã tiến hành khoan đào kiểm tra xung quanh các hố ga, giếng gần hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Lý Thành Danh – Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban QLDA – cho biết, hiện vẫn đang rà soát, kiểm tra nhiều yếu tố nên chưa thể đưa ra nguyên nhân chính thức vụ nổ.

Đến trưa ngày 18.6, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra nguyên nhân chính thức vụ mặt đường bị nổ

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Sanh (chuyên gia có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực cầu đường) cho rằng, nhiều khả năng vụ nổ xuất phát từ khí mê tan tích tụ ở các giếng chia nước. Các cống thoát nước kín đặt dưới lòng đất dẫn nước thải lâu ngày chứa một lượng khí lớn và lượng khí này thay đổi phụ thuộc vào lượng nước thải trong lòng cống. Khi lượng khí nhiều sẽ được đẩy về các giếng để điều áp thoát ra bên ngoài.

Tuy nhiên, nhiều khả năng việc điều áp tại các giếng này không phát huy hết tác dụng như thiết kế ban đầu, do các yếu tố bị nghẹt rác, do thi công hoặc vận hành hệ thống có vấn đề… nên khí mê tan dẫn về đây cũng bị dồn nén lại quá mức. Khi nhiệt độ thay đổi đã làm cho áp suất bên trong giếng tăng lên và dễ gây nổ.

Nguy cơ phát nổ từ những “quả bom” dưới lòng đất

Theo thạc sỹ Phạm Sanh, các đơn vị liên quan cần có đánh giá, rà soát toàn bộ lại các khâu thiết kế, thi công, vận hành của cả hệ thống tuyến cống, giếng dọc ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè về việc giải thoát khí tích tụ do rác, nước thải bên trong tuyến cống, giếng tạo nên. Không nên chỉ kiểm tra, xử lý cục bộ ở hiện trường nơi vụ nổ xảy ra làm hư hỏng mặt đường.

Bởi lẽ, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có hàng chục ki lô mét tuyến cống thu gom nước thải đặt dưới lòng đất dẫn về hàng chục giếng sâu trước khi truyền tải về đến nhà máy xử lý nước thải đặt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Các giếng có đường kính lớn và sâu này có nhiệm vụ vừa chia nước thải, nước mưa vừa làm nhiệm vụ điều áp khí.

“Nếu các đơn vị liên quan không rà soát, kiểm tra và có biện pháp khắc phục hiệu quả việc giải thoát khí mê tan tích tụ bên trong các cống, giếng thì nguy cơ nó như những “quả bom” dưới lòng đất. Điều này rất nguy hiểm vì nó có thể gây ra các sự cố bất ngờ khi nhiệt độ thay đổi và lượng khí mê tan tích tụ bị dồn nén không thoát được ra bên ngoài” – thạc sĩ Phạm Sanh cảnh báo.

Dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có hàng chục giếng khoan đường kính 8-10m, sâu 16 - 40m, đang nghi vấn là nguyên nhân vụ nổ do khí mêtan tích tụ bị dồn nén

Theo phản ánh của người dân, hiện tượng mặt đường bị nổ dọc hai tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc là đường Trường Sa và Hoàng Sa trước nay thỉnh thoảng vẫn xảy ra, tuy nhiên ở mức độ nhỏ, và vụ nổ lớn nhất khiến người dân hoang man xảy ra hôm 16.6.

“Tại hố ga trước số nhà 126B đường Trường Sa, phường 15, quận Bình Thạnh cũng thường xuyên rơi vào tình trạng “bỗng nhiên” bị nổ bụp rồi nắp thép bật tung, bay lên cao. Người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được các cơ quan xử lý” – một người dân phản ánh.

Một số hình ảnh hiện trường mặt đường Hoàng Sa sau vụ nổ, đến trưa 18.6 vẫn chưa được khắc phục:

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật