Phan Việt không định tiếp tục mang đời mình ra viết sách

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tác giả có sách bán chạy trong nước cho biết, sau cuốn thứ ba viết về những câu chuyện của bản thân, chị chuyển sang viết tiểu thuyết.
Phan Việt không định tiếp tục mang đời mình ra viết sách
Bìa cuốn “Xuyên Mỹ“, tác phẩm mới của Phan Việt.

- Vì sao chị quyết định đem một phần cuộc đời mình làm đề tài trong "Một mình ở châu Âu" và "Xuyên Mỹ"?

- Tôi nghĩ xã hội hiện tại cần những câu chuyện thật; vấn đề không phải là tôi kể hay ai kể, mà vấn đề là những câu chuyện này, những cơn sóng ngầm này.

- Bao giờ cuốn thứ ba của bộ "Bất hạnh là một tài sản" ra mắt độc giả?

- Cuốn sách thứ ba chắc ra mắt đầu năm 2015. Tôi sẽ kể tiếp những chuyện xảy ra sau khi tôi tới California làm việc rồi lại chuyển khỏi California trở lại bờ Đông nước Mỹ. Thời gian này, tôi về Việt Nam nhiều lần và lần đầu tiên tìm hiểu một cách có ý thức về văn hóa Việt. Trước đó, tôi chỉ mặc định mình là người Việt nên biết về văn hóa Việt Nam. Nhưng trở lại Việt Nam, sống trong một ngôi chùa, tôi mới thấy mình không hiểu gì mấy về văn hóa nước mình, về những người mình gọi là "đồng bào" và về cả những vấn đề khác lớn hơn nhiều cái lối sống đối-đãi mà mình đã đi theo cho tới lúc đó. Có thể nói là thế giới của tôi mở ra như chưa bao giờ được mở như thế, kể cả trong suốt mấy chục năm tôi học hành hết bằng nọ đến bằng kia.

Nhà văn Phan Việt trong một chuyến đến Nhật công tác.

- Sau cuốn thứ ba, chị tiếp tục khai thác bản thân như một chất liệu cho trang viết như thế nào?

- Bộ sách này cũng chỉ có ba cuốn thôi. Tôi không định mang cuộc sống mình ra để viết. Chỉ là ở hiện tại, bộ sách này phải ra đời; nó xong việc của nó thì thôi; tôi quay lại viết tiểu thuyết, về người khác và những thứ khác trong xã hội. Bây giờ tôi đang có một số ý tưởng, tùy lúc đó tôi có cảm hứng với cái gì nhất thì sẽ viết về nó.

- Trang viết của chị phảng phất cảm hứng từ văn phong của J.J. Rousseau, một người tự mang những nỗi đau và câu chuyện của mình để bộc bạch với văn chương. Chị nghĩ sao?

- Không, tôi không đọc nhiều tác phẩm của Rousseau. Lúc tôi làm luận án tiến sĩ thì vì có liên quan nên tôi đọc cuốn Emile. Tôi nghĩ nhà văn nào cũng ít nhiều viết dựa trên những điều mình tự trải nghiệm hoặc thấy người khác trải nghiệm và mình đồng cảm. Nhưng một nhà văn xử lý những điều họ trải qua khác với những câu chuyện trong mục Tâm sự của các tờ báo. Về cơ bản, tôi nghĩ các nhà văn thờ ơ với những chuyện hỉ nộ ái ố của cá nhân. Họ chỉ viết về cá nhân khi thấy câu chuyện của mình đủ là một câu chuyện về con người nói chung. Khi đó thì dù họ có viết rất chi tiết về bản thân, người đọc rút cục vẫn không thể nói rằng họ biết rõ về nhà văn đó. Người làm nghệ thuật nào cũng vẫn có cái "mật thất" tâm hồn mà không ai có thể chạm vào.

Phan Việt (thứ ba từ trái qua) và các sinh viên Mỹ của chị trong một lần đến Việt Nam.

- Là người có học hàm, học vị cao, nhưng truyện ngắn của chị thường cho thấy sự vỡ mộng của những con người được gọi là trí thức, vốn xem học hành là lẽ sống. Vì sao có sự mâu thuẫn đó?

- Càng học thì sẽ càng thấy sự hạn chế của học thuật, của thế giới ý niệm hiện tại trong việc cắt nghĩa và giải quyết những vấn đề thực tế của con người. Đơn giản thì là chu‌yện tìn‌h yêu, chuyện hôn nhân, chuyện đạo nghĩa - đạo đức và những khoảng xám của nó, lớn hơn thì những câu hỏi như rút cuộc thì cuộc sống này là như thế nào.

- Sự học từ sách vở có bao giờ trở thành hố ngăn để chị tiếp cận cuộc sống như nó vốn có nhằm tìm chất liệu thực tế cho trang viết?

- Đến giờ thì tôi cảm thấy nó hỗ trợ tôi trong việc tiếp cận tư liệu, xử lý tư liệu; nó cho mình sự nghi ngờ cần thiết với nhiều thứ thường được cho là nghiễm nhiên. Chất liệu để viết thì thực ra chưa bao giờ thiếu. Tôi thấy mình sống bằng con mắt và cảm giác của một nhà văn trước khi là các nhà khác; cho nên lúc nào cũng nhìn thấy câu chuyện để viết.

- Nếu có thể được trở thành bất kỳ một nhà văn nào đó trên thế giới, chị sẽ chọn trở thành ai?

- Có một thời gian tôi muốn như Victor Hugo, có thời gian tôi thích Hemingway. Giờ, thú thật là tôi không nghĩ đến ai cả; nói chung không còn nghĩ là mình muốn hoặc có thể làm ai khác.

- Càng bước sâu vào cánh cổng văn chương, chị cảm nhận được điều gì?

- Càng thấy cái đẹp văn chương vừa gần vừa xa. Càng thấy là mình phải bảo vệ cái chút khả năng mà mình đang có.

- Khi nào chị cảm thấy bế tắc đề tài và không muốn viết nữa?

- Bế tắc đề tài thì chưa, còn không muốn viết thì có chứ. Ví dụ những lúc đang sửa bản thảo, tôi thường bị bội thực và cảm thấy chán nó đến mức chỉ muốn vứt hết đi và không bao giờ viết nữa. Nhưng tôi bỏ nó một thời gian, rồi quay lại và lại thấy có cảm hứng viết tiếp.

- Chị từng nói, ngày mới bắt đầu viết lách, khi viết gì chị cũng muốn lồng tư tưởng vào, nhưng về sau, chị chỉ muốn kể chuyện. Vì sao có sự thay đổi này và sẽ như thế nào nếu chị không còn chuyện để kể?

- Cũng là tự nhiên thôi. Tôi thấy đời sống tự nó quá sinh động, quá văn rồi; tôi không cần lồng ghép những tư tưởng thô thiển của mình vào nữa. Mình chỉ nên dẹp qua một bên để câu chuyện tự kể.

Đời sống lúc nào cũng có chuyện nên chuyện không bao giờ hết. Chỉ có bản thân nhà văn có thể mất sự lay động với cuộc sống nên không thấy những câu chuyện đó. Cho nên tôi mới nói nhà văn phải biết bảo vệ mình để lúc nào cũng vẫn giữ được một sự phải lòng với cuộc sống.

- Là một trong những người chủ trương Tủ sách Cánh cửa mở rộng, đến nay, chị và những người ấp ủ dự án sách này đón nhận được điều gì?

- Sách vẫn ra đều đặn, có một lượng độc giả trung thành. Mỗi cuốn sách có vẻ gieo những câu hỏi và khái niệm nhất định trong người đọc. Vậy là vui rồi.

- Tủ sách Cánh cửa mở rộng dường như quá rộng về đề tài, thể loại sách mà không có chủ điểm tập trung nào để khuyến khích hoặc hướng dẫn người đọc đi theo một vệt chủ đề nhất định. Chị có thể chia sẻ thêm về mục đích hình thành tủ sách?

- Đơn giản là anh Châu(giáo sư Ngô Bảo Châu) và tôi - những người khởi xướng - cảm thấy rằng mình có được lợi thế nhất định là đang sống và làm việc trong các đại học ở nước ngoài, mình có một chút kinh nghiệm về việc trí thức nước ngoài, biết họ đọc gì để xây được những nền tảng lâu dài mà họ có, thì chúng tôi giới thiệu những cuốn sách đó.

Còn chúng tôi đều xác định chúng tôi không giới thiệu dựa trên các danh sách best-sellers. Vậy nên có sách ra cũng chẳng có tiếng vang gì so với tác phẩm mà các nhà sách chuyên nghiệp giới thiệu. Nhưng nếu chúng tôi cảm thấy cuốn này có thể quan trọng cho sự tích lũy lâu dài để làm thành tri thức thì chúng tôi giới thiệu. Dĩ nhiên là chỉ có hai chúng tôi thì phiến diện lắm nên chúng tôi vẫn muốn mở rộng cho thật nhiều người làm công việc giới thiệu sách. Chúng tôi cũng không ấp ủ gì ngoài việc có thêm nhiều người tham gia giới thiệu sách, phê bình sách, dịch sách và bổ sung sách hay cho tủ sách.

- Một vấn đề đối với người đọc hôm nay là không thiếu sách hay để đọc nhưng phải đọc như thế nào, đọc gì và vì sao cần đọc là điều khiến không ít người loay hoay. Chị chia sẻ gì với độc giả về vấn đề này?

- Đầu tiên là họ phải xác định họ đọc cho họ, không phải đọc để khoe với ai đó, để có câu chuyện làm quà bên bàn nước. Đọc là một trong những thứ mà người ta phải rất ích kỷ và phải là một thứ say mê riêng, một thú vui riêng. Cá nhân tôi, khi tôi đang theo đuổi một câu hỏi nào đó thì tôi đọc như kiểu người cầm bản đồ đi tìm kho báu. Nghĩa là tôi đọc một tác giả cơ bản để làm đầu mối, rồi tôi bắt đầu lần theo đầu mối đó đọc rộng ra, sâu ra cho đến lúc bão hòa thông tin. Tôi tự biết là mình không có đủ thời gian trên đời để đọc hết những sách hay nên tôi chỉ đọc những gì cần thiết cho tôi. Khi đọc có mục đích thì nó ngấm lắm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật