Trưng cầu dân ý phải là kết quả cao nhất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng nay (16/6), các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về Luật tổ chức Quốc hội. Bên lề phiên họp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đã trao đổi với báo chí về những vấn đề xung quanh Dự thảo Luật này.
Trưng cầu dân ý phải là kết quả cao nhất
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng trao đổi với báo chí sáng 16/6

- Thưa ông, Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội quy định như thế nào vấn đề trưng cầu dân ý?

Trong dự thảo đã có điều khoản quy định về trưng cầu dân ý, nhưng vẫn còn chung chung. Theo tôi phải quy định rõ được hai ý. Thứ nhất, Quốc hội phải quy định rõ việc triển khai vẫn đề này theo Hiến pháp trong thực tiễn. Thứ hai, kết quả trưng cầu dân ý phải là kết quả cao nhất. Không ai được bàn cãi gì về kết quả này.

- Theo ông những vấn đề nào cần phải trưng cầu dân ý?

Có hai kênh rất quan trọng, một là các ý kiến kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, của đông đảo cử tri; hai là vấn đề Quốc hội thấy cần thiết phải trưng cầu dân ý, ví dụ như việc sửa đổi Hiến pháp có rất nhiều vấn đề cần phải trưng cầu dân ý hoặc trong xây dựng Pháp Luật có một số luật nên tổ chức trưng cầu dân ý.

- Có những trường hợp người dân đến UBND phường, xã… nhưng không được tiếp và ngay cả với đại biểu Quốc hội như ông thì điều này cũng có thể xảy ra. Vậy người dân sẽ thực hiện quyền giám sát như thế nào?

Tôi cũng mong rằng, cách cư xử như vậy chỉ là một cá biệt. Nhưng nếu nó là thái độ chung của xã hội đối với đại biểu Quốc hội thì đó là điều nguy hại. Bởi vì một đất nước, vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân mà không được khẳng định thì đó là điều nguy hại.

Hiến pháp quy định quyền giám sát nhưng quan trọng bây giờ là cơ chế để thực hiện quyền giám sát đó. Vẫn còn tồn tại rất nhiều biển “không nhiệm vụ miễn vào” thì công dân giám sát như thế nào? Không nhiệm vụ miễn vào thì có thể nhưng phải có cách để người dân giám sát. Trong đó, vấn đề công khai minh bạch của cơ quan công quyền là điều rất quan trọng. Cách cung cấp thông tin cho người dân cũng rất quan trọng.

- Có ý kiến cho rằng, Quốc hội thực hiện quyền lực cao nhất nhưng trong vấn đề ngân sách thì lại thể hiện rất mờ nhạt, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Đây là một thực tế. Như khi thảo luận vấn đề dự toán ngân sách năm 2012 vừa rồi, tại kỳ họp này chỉ có 8-9 đại biểu Quốc hội có ý kiến. Lý do tại sao? Đó là vì đại biểu Quốc hội công tác ở nhiều ngành nghề, đụng đến ngân sách có rất nhiều vấn đề chuyên môn nghiệp vụ nên đại biểu ít có điều kiện để tiếp cận sâu, nắm vững và hiểu thật sâu những vấn đề thuộc về nghiệp vụ ngân sách. Thứ hai là theo quy trình của chúng ta, Quốc hội quyết định dự toán nhưng thực tế khi thực hiện dự toán đó thì có rất nhiều chuyện như vấn đề vượt dự toán, vấn đề phát sinh… mà nhiều đại biểu đã phàn nàn là “tiền trảm hậu tấu”. Thứ ba là thời gian thảo luận cũng chưa nhiều.

Lần trước, tôi đã đề nghị những phiên họp liên quan đến ngân sách, trong đó có vấn đề quyết toán ngân sách thì nên công khai. Một trong những hình thức công khai là phát thanh và truyền hình trực tiếp. Bởi ngân sách là tiền của dân, thực sự người dân là chủ tài khoản của ngân sách quốc gia, mà chủ tài khoản lại không được giám sát, không được có ý kiến trực tiếp, tôi thấy rất cũng rất phí. Nhưng truyền hình trực tiếp mà chưa có 10 đại biểu tham gia phát biểu thì cũng là vấn đề.

Vì vậy, cần phải có cơ chế cung cấp thông tin, chứ không phải đến khi quyết toán, đại biểu quốc hội mới tham gia.

- Theo Luật thì khi Chính phủ đã chi rồi, Quốc hội có quyền không đồng ý không, thưa ông?

Luật quy định hoàn toàn có thể, nhưng thực tế thì chúng ta chưa bao giờ làm.

- Ông có ý kiến gì về việc Luật tiếp cận thông tin đã được đưa ra bàn rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được xây dựng.

Đây là vấn đề liên quan đến quyền lực của người dân. Muốn giám sát được thì người dân phải có thông tin. Tôi thấy cần thiết phải nhanh chóng xây dựng Luật này.

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật