Tìm giải pháp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới, hơn nữa trong thời gian tới, thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN chỉ còn 0% nên đó là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam chuyển hướng nhập khẩu (NK) nguyên liệu.
Tìm giải pháp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Ảnh minh họa

Không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong điều kiện diễn biến tình hình kinh tế – xã hội không được thuận lợi như hiện nay.

Thời gian qua, hoạt động sản xuất của các DN Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc. Cụ thể, năm 2013, Việt Nam NK từ Trung Quốc 36,9 tỉ USD (chiếm 28,1% tổng kim ngạch NK cả nước), trong khi xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 13,3 tỉ USD (chiếm 10% tổng kim ngạch XK cả nước). Đánh giá của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường XNK chủ yếu của DN Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2014, NK Trung Quốc chiếm 28,3% trong tổng kim ngạch NK cả nước, XK Việt Nam sang Trung Quốc tăng 23,7%, chiếm tỷ trọng 10,5%.

Một trong những nguyên nhân Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn của DN Việt Nam trong thời gian qua đó là do có lợi thế cung cấp nguồn nguyên vật liệu giá rẻ và dồi dào. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến dư luận thế giới và ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội đã khiến các DN không thể yên tâm khi quá phụ thuộc vào thị trường này.

Là ngành phải NK 80% nguyên liệu từ các nước, trong đó chủ yếu NK từ Trung Quốc, để chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ các thị trường mới, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết: “Do thuế NK trong các nước ASEAN bằng 0% nên hiện các DN nhựa đã tăng NK nguyên liệu của các nước trong khu vực, nhất là Singapore. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ, nhưng nhập về Việt Nam đang chịu thuế trung bình 5%, cao hơn các nước ASEAN nên đây chính là cơ hội để DN trong nước từ bỏ nguồn NK này”.

Bà Hồ Trang, Tổng Giám đốc Công ty Áo mưa Lucky cũng nêu quan điểm: 5 năm trước công ty sử dụng 100% nguyên liệu của Trung Quốc để sản xuất sản phẩm hợp túi tiền với người tiêu dùng (NTD). Nhưng thời gian qua, công ty đã chuyển dần sang NK nguyên liệu từ Thái Lan, Ấn Độ... hạn chế dần nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, bởi vì công ty không chỉ sản xuất sản phẩm giá rẻ, hợp túi tiền của NTD mà còn quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của NTD.

Ngoài ngành nhựa, dệt may và da giày là hai ngành NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Năm 2013, NK của hai ngành này đạt kim ngạch 17,69 tỉ USD, trong đó NK từ Trung Quốc chiếm 6,38 tỉ USD. Tại hội thảo “Doanh nhân và chủ quyền kinh tế” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Da giày Việt Nam cho biết, NK vật tư, thiết bị của ngành dệt may và da giày từ Trung Quốc chiếm hơn 36% kim ngạch NK của hai ngành này hàng năm. Thậm chí, có nhiều vật tư phải nhập khẩu 100% từ Trung Quốc… Tuy vậy, việc tìm thị trường NK khác thay thế không phải là chuyện dễ. Theo phân tích của ông Diệp Thành Kiệt, nếu DN trong nước chọn sản xuất sản phẩm trung bình thì phải mua nguyên phụ liệu giá rẻ, như vậy thì không nơi nào khác mà chỉ có Trung Quốc mới đáp ứng được tiêu chí cung cấp nguồn nguyên liệu giá rẻ này, DN Việt lại tiếp tục phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Do đó, để tránh phụ thuộc các DN cần phải nâng cao và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.

Để chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường nguyên phụ liệu mới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn kêu gọi các DN trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác để NK. Theo đó, một số nước DN Việt Nam có thể hợp tác như: NK xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; NK sợi từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ; NK vải từ Hàn Quốc, Thái Lan, Maylaysia… Hiệp hội cũng cho biết sẽ nghiên cứu để đưa ra những chính sách hỗ trợ DN giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Các DN cho rằng, việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh là cần thiết. Đây cũng là cơ hội để mỗi DN tái cơ cấu lại, không phụ thuộc vào một thị trường nào. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng cao sức cạnh tranh thì DN cần sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước, đặc biệt là ngân hàng cho vay với lãi suất hợp lý hoặc DN được ưu đãi về thuế thì sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật