Quốc hội bàn cách làm mạnh y tế tuyến huyện

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận bệnh tật có thể là bẫy nghèo với nhiều người nếu tình trạng bỏ qua các bệnh viện cơ sở để lên vượt tuyến vẫn tiếp diễn.
Quốc hội bàn cách làm mạnh y tế tuyến huyện
Chất lượng y tế tuyến dưới chưa đảm bảo, nhiều người bệnh phải vượt tuyến dẫn đến chi phí khám chữa bệnh cao, bệnh viện quá tải. Ảnh: N.Phương.

Thảo luận tại hội trường ngày 7/6 về chính sách giảm nghèo, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến nguy cơ nghèo hóa do chi phí y tế. Theo đại biểu Nguyễn Thu Anh (tỉnh Lâm Đồng), số bác sĩ tuyến huyện hiện chỉ chiếm khoảng 30% tổng số bác sĩ. Số người giỏi, chuyên môn sâu lại càng hạn chế. Chẳng hạn, tại Trung tâm y tế huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, cả xã và huyện chỉ có 93 y bác sỹ, trong khi nhu cầu cần khoảng 200. Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chỉ có 2 trong 14 trạm y tế có bác sĩ.

Bà Thu Anh cho rằng đa số sinh viên ngành y chỉ muốn ở lại các bệnh viện tỉnh và thành phố lớn vì điều kiện kinh tế. Chính vì vậy tuyến y tế cơ sở ngày càng thiếu bác sĩ trầm trọng.

“Tại Yên Bái, nếu bác sĩ mới ra trường về bệnh viện tỉnh thì sẽ được hỗ trợ 62 triệu đồng. Nếu lên 2 huyện nghèo là Mù Cang Chải và Trạm Tấu hoặc vào các khoa lao, tâm thần thì được hỗ trợ thêm 60 tháng lương cơ bản. Dù thế nhưng vẫn chưa có bác sĩ trẻ mới ra trường nào tình nguyện về”, đại biểu này nhấn mạnh.

Theo bà Thu Anh, cơ sở vật chất của y tế tuyến cơ sở xuống cấp; các trang, thiết bị y tế thiếu; đặc biệt thiếu cán bộ y tế giỏi… Điều này khiến người nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Họ chỉ có thể chuyển tuyến hoặc vượt tuyến nhưng phải trả chi phí y tế rất cao. Người dân đã nghèo càng nghèo hơn.

Vì thế, đại biểu kiến nghị cần có những chính sách đãi ngộ, chế độ đặc biệt với các cán bộ y tế công tác tại các cơ sở y tế của những huyện nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương cần khuyến khích học sinh của địa phương thi vào các trường đại học y. Địa phương cũng nên hỗ trợ đào tạo học phí cho sinh viên trong thời gian học và phải có cam kết sau khi ra trường về tỉnh công tác.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận bệnh tật có thể là bẫy nghèo với nhiều người. Sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao còn rất thấp ở các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Vì thế, để người dân không phải vượt tuyến điều trị, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh, ngành đang triển khai một loạt các giải pháp tăng cường y tế cơ sở.

Ngành đã tăng chỉ tiêu đào tạo từ năm 2007 về các loại hình cho miền núi là cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và đào tạo chính quy. Từ năm 2013-2014 trở đi, tỷ lệ bác sĩ ra trường và dược sĩ hàng năm sẽ tăng gần gấp đôi những năm trước. Nhiều bệnh viện tỉnh đã thu hút một năm khoảng 20 bác sĩ nhưng đối với trạm y tế xã vẫn khó khăn.

“Trong thông tư mới về tổ chức y tế của tuyến huyện sắp tới, chúng tôi sẽ nhập tất cả các trung tâm y tế huyện và bệnh viện huyện làm một; giảm bớt các đầu mối. Trạm y tế xã sẽ trực thuộc trung tâm y tế, như vậy trung tâm y tế sẽ có thể điều hành bác sĩ ở bệnh viện huyện xuống làm việc ở trạm”, Bộ trưởng Tiến nói.

Một chính sách mới nữa cũng sắp được Bộ ban hành là nghĩa vụ luân phiên giữa các bác sĩ tuyến trung ương, tỉnh, huyện mỗi năm một lần. Bên cạnh đó, sắp tới luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi cũng sẽ bỏ đồng chi trả 5% với người nghèo. Người nghèo, người cận nghèo ở vùng khó khăn vượt tuyến trong tỉnh vẫn được thanh toán 100%.

Về chính sách bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) cho rằng, người dân thuộc diện nghèo được cấp thẻ miễn phí tăng hàng năm nhưng các tỉnh thuộc các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước lại là tỉnh có kết dư quỹ bảo hiểm y tế cao. Điều này đồng nghĩa với việc bảo hiểm y tế với người nghèo chỉ là trên lý thuyết mà chưa triển khai hiệu quả trong thực tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật