Lọ Lem không thành công chúa...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lên đường sang Ấn Độ tìm cha, cô gái lai Việt - Ấn vỡ mộng đẹp ngay từ những ngày đầu. Nhưng truyện cổ tích thời nay may thay vẫn xảy ra với cái kết cũng có thể coi là có hậu dù Lọ Lem không biến thành Công chúa...
Lọ Lem không thành công chúa...
Băng tuyết miền cực Bắc chủ yếu là ở bang Kashmir - nơi luôn xảy ra các vụ xung đột giữa Ấn Độ với nước láng giềng Pakistan

Mùa đông tái tê

Mùa Đông xứ Ấn đến thật nhẹ nhàng, sẽ sàng như bước chân ai đó rón rén để rồi… hù một tiếng khiến ta bất ngờ trở tay không kịp. Không có tuyết rơi trắng xóa như ở vùng miền núi cực Bắc – nơi các đoàn làm phim thường phục sẵn để quay những cảnh tình yêu lãng mạn, cũng nhằm giới thiệu các bộ sưu tập mùa Đông rất phong phú chất liệu len lông cừu và da trâu Mura có tiếng của đất nước sở hữu tới tỉ mốt dân này. Đặc sắc nhất là cảnh đám đông nhảy múa tưng bừng trên nền những ca khúc da diết, vời vợi gợi bao xúc cảm, chạm tới những góc sâu thẳm nhất trong trái tim ta. Phim Ấn mà không có những màn múa hát đặc sản đó thì cứ coi như là hỏng vì chẳng có mấy ai xem...

Mới hôm nào còn ong đầu ngồi trong những chiếc scooter phi như điên tới mức mình mà không bám thật vững vào thanh chắn đằng trước thì rất có thể sẽ văng cả người xuống lòng đường nhựa bị mặt trời thiêu đốt tới chảy nhão ra và bốc hơi ngùn ngụt, mà nay ta đã có thể thảnh thơi thả bộ trên những con đường hun hút gió lạnh xào xạc lá vàng, lá tím, lá đỏ bay bay, rơi rơi…tạo thành cảbiển lá dập dờn sóng sau đuổi theo sóng trước...

Xe scooter trên đường phố New Delhi

Cây cỏ tuy úa tàn trong giá rét nhưng lại phô ra vẻ đẹp riêng của các loại cành trơ trọi vươn lên theo nhiều tư thế từ những gốc cây sù sì vừa kiên cường trải qua cả một mùa hè rát bỏng. Có vẻ gì đó rất gợi nhớ liên tưởng tới ý chí của người dân xứ Ấn vẫn tồn tại và sinh con đẻ cái với tỉ lệ rất cao bất chấp sự khắc nghiệt kinh khủng của thời tiết, của những ràng buộc truyền thống vô cùng chặt chẽ cũng tạo nên những nét rất riêng và đặc sắc của đất nước này.

Đường phố dường như rộng thênh thang hẳn ra bởi ai cũng cắm đầu cắm cổ cố đi cho thật nhanh tránh rét. Mùa hè người Ấn trông đã lùm xùm trong cả mớ khăn áo lùng nhùng, tới mùa đông càng chẳng khác gì đụn rạ vì thêm lòe xòe loẹt xoẹt trong những áo len dày, áo khoác, măngtô với những ai khá giả. Còn người nghèo có khi khoác luôn cả tấm chăn chiên, mảnh vải dày cộp, quấn chặt trẻ con bằng đủ các loại chăn như những cái kén khổng lồ...

Thỉnh thoảng trên đường tôi lại bắt gặp những con người nằm co quắp dưới cả mớ bìa cáctông, giấy báo cũ, giẻ rách thòi lòi ra ngoài bên đống lửa đốt bằng đủ thứ rác rưởi gom lại. Chỉ có mỗi cái đầu trùm khăn tùm hum là được bảo vệ tốt nhất bằng cách nhét vào trong "hốc" đất đào sát vệ đường tránh mưa, tránh gió. Mỗi lần nhìn những thâ‌n hìn‌h khẳng khiu, đen đúa, xộc xệch cho thấy sự cùng cực ấy, tôi lại chảy nước mắt vì xót xa... Thương thay cũng một kiếp người!

Đàn bò nằm nghỉ ngơi ngay bên bờ biển

Cũng rất đáng thương là những đàn bò đã gầy dơ xương vì đói ăn quanh năm do cỏ mọc không kịp với lượng bò bê tăng lên theo cấp số nhân (dân xứ này hầu như không ăn thịt bò, thịt lợn...) lại càng đói hóp bụng. Thế nên ở các khu chợ cóc bán rau củ quả ngoài trời, nhiều khi người bán phải lo canh chừng bò tấn công chén hết rau quả hơn là lo chào mời khách. Sểnh ra là đàn bò xông ngay vào bếp lửa đang ngùn ngụt cháy hất đổ tất cả rồi chén sạch lạc đang rang trong chảo, khoai ngô đang nướng trong lò... Đói quá bò còn liều mạng tranh giành với lũ chó con nào con nấy to như con bê hứng chí quần nhau trên những đống rác. Bò chén cả giẻ rách, túi nilon, bao tải, giấy báo, giày dép cũ…trước con mắt ngạc nhiên và cả... thán phục của khách nước ngoài.

Đi đường chúng tôi thường rất cẩn thận đề phòng dẫm phải “bãi trước và bãi sau” vì bò đông như vậy thì “đầu ra” tất nhiên cũng rất dồi dào. Nóng quá cũng chết, lạnh quá bò càng dễ chết vì rét và đói. Nhưng thi thoảng đi qua có nhìn thấy nơi từng là xác con bò nào đó kiệt sức ngã xuống thì sau ít phút cũng chỉ còn lại bộ xương trắng vì đã được đàn kền kền với quân số cũng rất đông lập tức sà xuống lóc sạch bách.

Bò đi thành từng đàn khắp thành phố còn tạo thành vấn đề nan giải với xe cộ và người đi đường. Chúng đi ngay cho đã phúc, còn nếu bỗng dưng có anh hay chị bò nào đó thấy buồn ngủ hay đơn giản chỉ muốn nghỉ chân nằm chình ình ra giữa đường thì đúng là bó tay. Lái xe nào hên, qua một hồi vừa năn nỉ vừa khéo léo xua đuổi hoặc tốt nhất là dụ bò bằng thứ gì đó ăn được ra ngoài vòng cấm địa, thì đường còn được giải tỏa sớm. Bằng không nếu bò cứ ì ra, lái xe đành tắt máy ngồi chờ nếu không tìm được lối vòng tránh. Phải vậy thôi chứ không ai to gan tới mức dám đâm thẳng vào dù chỉ để hù dọa bò dẫu lúc đó trên đường vắng không một bóng người đi chăng nữa.

Người Ấn rất sùng đạo và cũng rất tự giác tôn trọng luật giao thông. Kể cả không có cảnh sát giao thông, trời đang mưa như trút nước hoặc nửa đêm gà gáy cũng không lái xe nào dám chạm vạch kẻ dưới đường chứ đừng nói tới vượt đèn vàng, đè‌n đ‌ỏ. Khi có tai nạn xảy ra không bao giờ xảy ra cảnh xúm đen xúm đỏ lại để xem. hiện trường phải được giữ nguyên như vậy cho tới lúc cảnh sát tới xử lý. Sau đó các bên liên quan ở nhà chờ tòa gọi tới giải quyết, không được tự đi thương lượng với nhau và người ngoài cũng không ai được phép can thiệp.

Người Ấn làm việc gì cũng rất có chừng mực. Đi ăn xin cũng biết dừng khi đã tạm đỡ đói lòng, không xin tiếp mà nhường lòng trắc ẩn của xã hội cho những người khác đói khổ hơn. Đi đường ta chặn xe scooter hoặc taxi sẽ có lúc gặp những người lái xe từ chối nhẹ nhàng: “Không phải tuyến của tôi”, hoặc “Hôm nay tôi kiếm vậy tạm đủ rồi, chờ xe sau cho người khác chở, họ cần tiền hơn”...

Các dịp nghỉ lễ hội rất nhiều, nếu ai chủ quan không mua sắm dự trữ trước lương thực thực phẩm là rất có nguy cơ bị đói vì gần như tất cả chợ búa, shop, trung tâm thương mại đều đồng loạt đóng cửa nghỉ lễ, nhiều thì cả tuần ít cũng vài ba ngày. No hay đói thì dân cũng cứ vui chơi đã, hết kỳ nghỉ sẽ tính sau.

Nghe kể còn không ít doanh nhân làm ăn thành đạt, để lại gia sản cho vợ con hoặc quyên góp một phần cho những hoạt động từ thiện, còn bản thân vào chùa đi tu suốt đời ăn chay với niềm tin sẽ góp phần cứu nhân độ thế.

Đi chùa ai cũng rất thành tâm, chỉ với đĩa đồ cúng nho nhỏ và chùm hoa nhài trắng đeo trên cổ tay, họ rạp mình khấn vái, chạm tay vào những bức tượng tạo thành những vết lõm rất sâu tỏ rõ lòng thành kính từ tận đáy lòng với tôn giáo mà mình nguyện đi theo.

Đi ngoài đường hiếm khi gặp cảnh đánh chửi nhau hay gây gổ, đàn đúm ăn nhậu... Ai cũng cắm mặt vào làm suốt ngày mà vẫn chẳng đủ ăn, dân số quá đông, khoảng cách giàu - nghèo lại quá lớn là gánh nặng rất khủng khiếp với cả chính quyền và người dân Ấn Độ.

Tôi cũng đã được đi tới một số nước, thật lòng mà nói chưa thấy nơi đâu ý thức nhìn chung còn kém như ở VN dù dân trí của ta có thể cao hơn mức trung bình của một số nước khác, bao gồm cả tỉ lệ rất lớn dân Ấn Độ nghèo khổ.

Muôn ngả đường đời

Chủ nhật đầu mùa đông năm đó lớp tôi rủ nhau đi sắm đồ rét. Đổ bộ từ trên những chiếc scooter được thả bạt che kín cửa tránh gió lạnh cho khách xuống, chúng tôi lại một lần nữa hơi choáng bởi sao mà nơi này nhiều…dzai đẹp bán đồ da thế!

Xứ Ấn cái gì cũng lạ. Làm những công việc tay chân vất vả bao gồm cả đồng áng, làm đường, dọn vệ sinh… thì thấy rất nhiều nữ. Ngược lại, bán hàng và làm các dịch vụ trong nhà khác lại chủ yếu là nam. Các shop đồ da trong khu chợ nổi tiếng ở trung tâm thương mại Connaught Place lớn nhất thủ đô New Delhi này đa số là những doanh nhân vào loại có máu mặt vì điều đó thể hiện rất rõ qua những gương mặt chủ nhân.

Ông hoặc đôi khi cũng có bà chủ shop thường trông đã thấy vẻ sang trọng thể hiện qua làn da trắng trẻo, trang phục đẹp đẽ rực rỡ sắc màu và đeo đầy người đủ các loại trang sức đắt tiền. Còn nhân viên phải tới 99,99% là thanh niên trẻ vừa đẹp trai lại vừa khéo ăn nói. Ai cũng đeo nào là dây chuyền, lắc tay, đồng hồ… to vật vã, nhiệt tình chào mời bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đôi khi nói cả tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc (tiếc là không thấy có tiếng Việt). Ai cũng nhã nhặn và kiên nhẫn giới thiệu hết mẫu này tới mẫu khác với nụ cười rất tươi trên môi. Nếu khách vẫn không vừa ý, các chàng trai trẻ lại vui vẻ chào tạm biệt, ân cần tiễn ra tận cửa và hẹn lần sau gặp lại sẽ có món hàng khách muốn mua.

Co ro trong giá rét trên một con phố cũ ở New Delhi

Nhưng nói chung là đã tới khu chợ đồ da này, ai nào cũng có thể chọn được vài món đồ vừa ý. Kỹ thuật thuộc và tạo màu cho da cũng như kiểu dáng cắt may xứ Ấn chưa thật bắt mắt, nhưng giá mềm hơn rất nhiều so với đồ da ngoại nhập nên đồ đông của Ấn Độ có khi còn bán chạy hơn đồ hè (có lẽ vì xứ này đa số dân, nhất là phụ nữ hầu như chỉ mặc đồ truyền thống: nữ là Saree, nam là bộ Dhoti gồm áo dài trùm ra ngoài quấn ống túm). Cũng như phim ảnh Ấn Độ, mỗi sản phẩm trong nước làm ra các nhà kinh doanh nước này chỉ cần tiêu thụ riêng trong nội địa thì doanh số cũng đủ cao ngất ngưởng rồi. Đồ len nơi đây rất phong phú với những kiểu dáng hoa văn lạ mắt tiêu biểu của từng tộc người, từng môn phái tôn giáo, đính thêm nhiều loại phụ kiện sặc sỡ và óng ánh khá đặc sắc mà cái chính là giá cả lại bình dân.

Bán hàng ở  một khu chợ bình dân

Chỉ có những món đồ trang sức được chế tác tinh xảo, nhất là kim cương được bán trong những dãy shop sang trọng và kiên cố như pháo đài nhỏ có cảnh sát lăm lăm súng hoặc dùi cui và chó bécgiê đứng gác bên ngoài (phòng cướp và khủ‌ng b‌ố là chính), thì lương phóng viên VN… đừng có mơ. Cả lớp tôi chỉ có hai học viên trẻ người Ai Cập nghe nói đều xuất thân con nhà giàu mới dám hiên ngang bước vào một trong những cửa tiệm sang trọng đó để mua "thử cho biết" mỗi người một chiếc nhẫn đính kim cương nhỏ nhất giá cũng đã vài trăm USD.

Khoác luôn áo da mới, kéo theo túi xách và vali đều vừa đập hộp, tôi tách đoàn nhảy taxi tới khu phố nhà giàu gần đó theo lời hẹn với một người quen đang trong nhiệm kỳ công tác tại Ấn Độ.

Mùa Đông nhưng cỏ cây hoa lá quanh và trong những khu vườn xinh xắn vẫn được chăm sóc rất đẹp, làm nổi bật các tư dinh đa số là những tổ hợp gồm một tầng trệt + một lầu sơn vôi trắng muốt như bạch ngọc. Xung quanh là những bãi cỏ rộng rãi vẫn xanh mướt loại cỏ thảm nhung trồng xen kẽ những khóm hoa vùng ôn đới phô ra vẻ đẹp lạ mắt với xứ nhiệt đới này. Hàng dãy ô tô đỗ quanh tường bao (không kể những chiếc đắt tiền trong gara). Tư dinh nào không thuê cảnh sát làm ngoài giờ thì cũng có bảo vệ riêng cầm dùi cui gác trước cửa. Trong nhà ông bà chủ và các con ai cũng vàng bạc, kim cương, đồ kim tuyến lóng la lóng lánh đầy người. Gia nhân và vệ sĩ ra ra vào vào tấp nập. Đúng là quá xa hoa lộng lẫy, khác một trời một vực với cảnh nghèo xơ nghèo xác của đa số dân Ấn ở các khu ổ chuột bốc mùi mà quanh thành phố lớn nào cũng có.

Trong khi chờ người bạn pha trà sữa theo kiểu Ấn và lấy bánh mứt đãi khách, tôi tranh thủ duỗi đôi chân đã mỏi nhừ vì vừa shopping suốt mấy tiếng đồng hồ về phía lò sưởi bập bùng ngọn lửa đốt củi thật trong căn nhà được xây cất theo lối Pháp nghe nói là được thuê lại của một doanh nhân Ấn Độ giàu có. Bỗng thoáng tiếng chuông cửa rất khẽ khiến tôi cảm giác như người bấm quá rụt rè, rồi nghe tiếng bạn nhờ mở cửa hộ vì anh đang dở tay. Bước ra cửa, trước mắt là một phụ nữ trông Ấn 100% với bộ Saree tối màu rẻ tiền, nước da đen cháy nhưng gương mặt thanh tú vẫn giữ được nét duyên dáng mặn mà với cặp mắt lá dăm có ánh nhìn thăm thẳm.... Cô đáp lại lời chào tiếng Anh của tôi bằng tiếng Việt rất chuẩn: - Chị mới từ Hà Nội qua?

Hơi sững người một chút, tôi hỏi - Chị nói được tiếng Việt?

Đáp lại là nụ cười thật tươi làm sáng bừng cả khuôn mặt – Em là người Việt mà, nhưng sang đây lâu quá thành ra người Ấn mất rồi.

Bạn tôi bước ra xởi lởi giới thiệu: Đó là M, con một người hàng xóm cùng phố với anh ở Hà Nội, có cha là một ông “Chà Và” kinh doanh hàng vải trên phố cổ thời xưa. M sang đây tìm cha và rồi cuộc đời đưa đẩy tới nay vẫn chưa thể trở về quê mẹ…

Ra vậy! Chuyện này khiến tôi nhớ lại thời học sinh gần khu phố nhà mình cũng có một biệt thự nhỏ xây từ thời Pháp thuộc khi đó được dành làm nơi tạm trú cho mấy nhà ngoại giao Ấn Độ. Bọn trẻ chúng tôi hay tới đấy chơi vì trên con phố đó có bể bơi dành cho thiếu niên. Cứ thấy mấy “ông Chà Và” đội cái khăn to tướng trên đầu (sau này tôi mới biết khăn đó gọi là turban mà đàn ông theo đạo Sikh Ấn Độ thường quấn trên đầu), hoặc mặc "váy" (hình như cũng thuộc loại quần dhoti của nam giới, hay đơn giản chỉ là mảnh vải quấn quanh người như xàrông mà đàn ông Khơ Me hay mặc) đi làm về, chúng tôi lại nghịch dại túm vạt áo giả làm cái tai lợn vẫy vẫy trêu chọc họ vì nghe nói người Ấn thờ “chú Ỉn”. Họ cũng vờ phùng mang trợn mắt trông khá hãi trên gương mặt đầy râu ria (người theo đạo Sikh không cạo râu, không cắt tóc), dọa đuổi làm đám nhóc Việt chạy tán loạn. Đuổi kịp họ lại cho kẹo bánh hoặc món đồ chơi nho nhỏ nào đó. Lâu dần cũng thành ra thân thiết.

Sau đó phái bộ Ấn rút đi, khu nhà được chia cho mấy cán bộ ngoại giao VN ở. Rồi bỗng nhiên báo đài rộ lên tin về vụ án chấn động mà nạn nhân là một nữ sinh bị sát hại dã man ngay trong căn phòng được chia cho cha cô. Rất nhanh sau đó thủ phạm bị lôi ra ánh sáng nhờ bộ cúc áo len khác lạ người cha mua từ Ấn Độ về tặng con gái, cô đã mặc chiếc áo đó hôm xảy ra án mạng. Thủ phạm tiếc chiếc áo đẹp đem dứt hàng cúc ra bán, rồi mang áo tặng bạn gái. Điều tra viên vụ án khi đó đã là rất kinh thiên động địa này (dù còn xa mới tới mức tàn bạo như Lê Văn Luyện...) nhiều năm sau tôi tình cờ được biết lại là chồng của một đồng nghiệp cùng làm báo. Nhờ vụ phá án thành công (nghe đâu chỉ sau vài chục giờ đồng hồ) đó mà anh được thăng vượt cấp và đường quan lộ từ đó mở ra thênh thang.

Nói vậy cũng đủ hiểu thời ấy nước ta còn nghèo như thế nào bởi chỉ mấy chiếc cúc áo mua từ một nước cũng chưa lấy gì làm giàu có như Ấn Độ, mà đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt trên những sạp hàng nghèo nàn sản phẩm tới mức gần như hàng hóa cái gì cũng rập khuôn y chang nhau ở sự sơ sài và mới dừng ở chế biến thủ công thô sơ. Cúc áo thời đó đa phần là bằng vỏ trai dập thủ công có khi chỉ qua vài lần cài áo đã vỡ. Ngoài ra có thêm cúc bấm, cúc tết bằng vải kiểu Tàu, mãi sau này tiến bộ hơn mới có cúc dập bằng nhựa dẻo rẻ tiền.

Lọ Lem không thành Công chúa

Qua lời kể bằng giọng rất nhỏ nhẹ của M thì hình như cô cũng quyết lên đường tìm cha đúng vào dịp ấy. Mẹ M từng là cô gái khá xinh, đem lòng yêu cha M vì thấy ông đẹp trai lại buôn bán giỏi và nghe kể cũng là con nhà khá giả bên Ấn Độ. Không rõ có biến cố gì lớn sau đó mà ông cùng những người Ấn Độ đang làm ăn buôn bán ở VN phải vội vã ra đi, chẳng kịp thông báo một tiếng cho người bạn gái ông từng hứa hẹn sẽ về nước xin cha mẹ sang cưới hỏi vì cô đã có mang.

Cô dâu hụt đau đớn vật vã trong khi cả nhà như ngồi trên đống lửa vì thời ấy tuy con gái không chồng mà chửa chẳng tới mức bị gọt đầu bôi vôi như xưa, nhưng cũng bị dư luận xã hội hành cho lên bờ xuống ruộng. Bí quá ông bà ngoại đành gửi mẹ cô về quê sinh nở, rồi gửi M cho một người họ hàng xa hiếm hoi nuôi hộ. Cũng được yêu thương chiều chuộng nhưng trong lòng M luôn da diết nỗi nhớ thương mẹ nơi thành phố và nung nấu ý định lớn lên sẽ đi tìm cha để “được sống trong nhung lụa”(!?)

Hàng rong

Trở thành một thiếu nữ khá xinh đẹp, cũng được nhiều trai làng ngỏ ý săn đón nhưng M tuyệt nhiên không ngó ngàng bởi đã quyết không lấy chồng Việt làm chi để cả đời không thoát khỏi lũy tre làng, không thoát được kiếp nghèo, kiếp khổ. Bằng cách nào đó mẹ cô (lúc này đã có chồng và sinh những đứa em mà M chưa bao giờ biết mặt) tìm được tung tích và chắp nối lại mối liên lạc với cha M. Một thời gian sau ông làm giấy tờ bảo lãnh cho con gái sang Ấn Độ. M vui như mở cờ trong bụng, chắc mẩm phen này một bước lên tiên... để rồi chẳng mấy chốc cô gái trẻ biết đời là bể khổ thế nào!

Cha cô tuy còn lưu luyến tình cảm với người con gái đã bước vào đời mình năm xưa và cũng muốn bù đắp tình thương cho cô con gái xinh đẹp, trắng trẻo nuột nà từ VN sang nhưng gia cảnh ông sau mấy chục năm đã sa sút nhiều, lại có tới mấy cô con gái với người vợ chính thức mà cha mẹ buộc ông phải cưới sau khi từ VN trở về. Lo hồi môn cho con gái là gánh nặng rất lớn với mọi gia đình xứ Ấn, nếu không các cô sẽ phải đối mặt với cảnh “chống ề”. Dù có xinh đẹp cỡ nào cũng chẳng thể ngóc đầu lên nổi vì không thể từ bậc thấp ngoi lên bậc cao hơn theo quy định rất ngặt nghèo đã trở thành bất di bất dịch của nước này về đẳng cấp.

Hạnh phúc giản dị

Chỉ được cha lén dúi cho chút tiền còm, M phải tự lo bươn chải kiếm sống trong khi tiếng Anh không biết, tiếng Hindi phổ thông của Ấn Độ mới bập bẹ làm quen. Có lẽ chẳng nghề gì M không từng trải qua, may mà vốn ra đi từ đồng ruộng nên cô cũng nhanh chóng thích nghi với môi trường sống thậm chí còn khắc nghiệt hơn thời còn ở VN rất nhiều.

Nhờ có nhan sắc và đôi bàn tay khéo léo nên dù gần như không có của hồi môn, lần hồi rồi M cũng lấy được một tấm chồng, chỉ tiếc là anh cũng nghèo như cô. Hai vợ chồng đùm túm nhau lại sống qua ngày bằng nghề đạp xe bán quà rong trên đường phố của anh chồng. Hàng hóa là những món bánh rẻ tiền pha trộn giữa nguyên liệu Ấn với công thức VN do M làm trông cũng bắt mắt và ăn lạ miệng. Phụ thêm vào đó là quầy hàng nhỏ xíu chừng vài mét vuông M thuê ở một khu chợ bán buôn chật chội và đông như nêm cối.

M kê chiếc máy khâu là tài sản lớn nhất của hai vợ chồng, lúc đầu cắt may bán sẵn những bộ quần áo trẻ con rẻ tiền sau tiến tới may cả Saree cho phụ nữ, Dhoti cho nam giới… lấy công làm lãi. Nhờ M khéo cắt may và chiều ý khách nên bán cũng khá đắt hàng. Để tiết kiệm diện tích hết mức có thể, mọi thứ M đều nhét gọn dưới gầm ghế ngồi (kể cả điện thoại giao dịch, vải vóc, phụ kiện...) và sau lưng, chừa lại khoảng rộng vừa đủ cho khách đứng và chủ ngồi sau máy khâu vươn tay ra lấy số đo. Còn khi thử chỉ cần ướm lên người khách là xong, thế mà chẳng mấy khi bị khách chê bai hay bắt đền.

Lúc đầu đôi vợ chồng trẻ thuê căn lều nhỏ như cái hộp chỉ rộng vài mét vuông, không cửa sổ và không toalet trong khu nhà ổ chuột mãi tận ngoại ô xa nhất của New Delhi. Sáng sáng vợ ngồi vắt vẻo bên thùng xe lắp sau giá đèo hàng của chồng, phía bên kia một góc lèn chặt vải vóc và hàng may mặc, góc kia xếp gọn gàng nào bánh rán, bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc… mà M phải thức dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị cho chồng đem đi rao bán.

Sau bao năm tích cóp. M khoe bây giờ vợ chồng cô cùng hai con trai vừa được chuyển từ lều sang ngôi nhà mới rộng hơn hẳn. Tuy vẫn chỉ là mái lợp tôn nhưng đã tách riêng được một phòng 10 mét vuông vừa là nơi ngủ vừa dùng cho sinh hoạt chung của cả nhà. Sát cạnh đó (cái này mới là quan trọng nhất) có khu phụ làm bếp, tắm giặt và còn lắp được hẳn 1 cái bồn cầu toalét bé xíu.

Và M đã mừng như trúng xổ số độc đắc khi gặp lại người hàng xóm của gia đình năm xưa là anh bạn tôi, sau cả một thời gian dài anh bỏ công tìm kiếm theo lời hứa với gia đình bên ngoại của cô trước khi sang Ấn Độ nhận công tác. Chưa thể giúp M hoàn tất thủ tục về thăm lại họ ngoại ở VN được vì rất rắc rối, nhưng anh cũng đã giúp cô bắc lại nhịp cầu bị lỡ và bước đầu giới thiệu thêm cho cô mấy việc lặt vặt như may vá, nấu ăn cho một số gia đình VN ở New Delhi. M có thêm thu nhập và vui hơn là lại có dịp được nói tiếng Việt, hòa mình trở lại với bầu không khí Việt mà cô đêm nhớ ngày mong đã bao năm.

M tâm sự, điều cô mừng nhất là vợ chồng tuy nghèo nhưng yêu thương nhau. Anh chồng Ấn là người đã giúp cô hòa nhập hoàn toàn vào xã hội xứ này, cùng chia sẻ bao đắng cay ngọt bùi với vợ suốt nhiều năm qua. Hai con trai ra đời trong hoàn cảnh gia đình rất thiếu thốn nhưng đều ngoan ngoãn, học giỏi và biết tự lập lo cho bản thân. Rảnh lúc nào hai anh em lại phụ bố làm bánh, phụ mẹ vắt sổ, thùa khuyết, đính cúc… kiếm thêm tiền mua sách vở. Cả nhà đã đặt mục tiêu chỉ cần dành dụm đủ tiền mua vé máy bay là sẽ cùng lên đường về quê ngoại VN…

Tiếc rằng trong lần thứ hai trở lại Ấn Độ năm 2006, do chương trình quá kín lại sơ ý làm đứt liên lạc với anh bạn vốn là hàng xóm nhà M, cũng không có số điện thoại riêng của vợ chồng M nên tôi không biết hồi tiếp theo mơ ước của họ ra sao. Hy vọng là truyện cổ tích với cô bé Lọ Lem ra đi từ VN vẫn có hậu dù không được trở thành công chúa…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật