Ứng ngân sách cho doanh nghiệp trả lương công nhân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các doanh nghiệp bị đập phá trong đợt biểu tình vừa qua đang gặp nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ sớm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc thanh toán tiền lương của người lao động và tuyển dụng nhân sự mới
Ứng ngân sách cho doanh nghiệp trả lương công nhân
Đại diện chính quyền gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài bị đập phá. Ảnh: LC

Tại buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài khu vực phía Nam ngày 30/5, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia… đều thể hiện mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam hành động nhanh và cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp Đài Loan cho rằng, vấn đề tiền lương là điều cần phải giải quyết gấp rút. Theo bà, hiện nay các công văn hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có yêu cầu các khoản lương trong những ngày công nhân nghỉ trong đợt biểu tình vừa qua phải do doanh nghiệp chi trả.

"Chúng tôi hiện đang bị thiệt hại nặng nề, nếu phải tự đứng ra trả khoản lương trên cho công nhân nữa thì là một gánh nặng lớn. Mong nhà nước đưa ra giải pháp cấp bách và hợp lý để doanh nghiệp yên tâm hoạt động", bà nói.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp Hong Kong kiến nghị, các khoản liên quan đến tiền lương, BHYT và BHXH, Nhà nước nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng những khoản vay ưu đãi. Riêng về việc đền bù bảo hiểm, ông này cho rằng, ngay khi doanh nghiệp có đầy đủ các giấy tờ chứng minh thiệt hại thì bảo hiểm nên chi trả ngay 50% để giúp doanh nghiệp có kinh phí xoay sở và quay trở lại làm việc.

Ngoài ra, ông cho biết rất nhiều tài sản của doanh nghiệp bị đánh cắp nên mong cơ quan chức năng có giải pháp thu hồi lại cho doanh nguiệp và có hình thức xử lý thích đáng những người vi phạm.

Tại hội nghị, các đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân sự, đặc biệt là với các công ty Trung Quốc và Đài Loan. Bởi họ cho biết, có nhiều nhân sự sau khi về nước đã không quay lại làm việc.

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, liên quan đến vấn đề tiền lương đã có công văn hướng dẫn. Theo đó, với trường hợp doanh nghiệp đi vào hoạt động ngay (trước ngày 25/5) tiền lương mà doanh nghiệp chi trả cho lao động trong những ngày nghỉ sẽ do hai bên tự thỏa thuận và số tiền này sẽ được tính vào chi phí khấu trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Nếu các doanh nghiệp chưa hài lòng thì chúng tôi sẽ báo cáo lại với Bộ Tài chính và Chính phủ", ông nói.

Còn với những doanh nghiệp nếu đến tháng 7 vẫn chưa thể đi vào hoạt động (tức chưa có nguồn thu để trả lương) thì sẽ được giải quyết từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất là từ quỹ bảo hiểm và quỹ phúc lợi doanh nghiệp để bù đắp. Nguồn thứ hai là UBND các tỉnh, thành phố sẽ ứng trước ngân sách để cho doanh nghiệp vay và có tiền trả cho người lao động. Đến khi nào doanh nghiệp hoạt động trở lại và có nguồn thu thì UBND các tỉnh sẽ làm việc và thu lại khoản tiền trên.

Riêng băn khoăn về nhân sự, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đang phối hợp với các địa phương để cố gắng đáp ứng đủ nguồn lực cho các doanh nghiệp. "Nếu trong nước không đủ thì sẽ tìm ở nước ngoài", ông nói.

Bày tỏ tin tưởng rằng Nhà nước Việt Nam có thể kiểm soát được  tình hình và khôi phục lại môi trường đầu tư, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị phải quy định thời gian cho các công việc hỗ trợ khắc phục, để nhanh chóng có thể khắc phục tổn thất xảy ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật