Phải xem lại bài toán tín dụng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy năm nay, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng luôn ở tình trạng tắc đầu năm và tăng nhanh, tăng gấp ở những tháng cuối năm.
Phải xem lại bài toán tín dụng
Ảnh minh họa

Lý do vì sao thì có lẽ chỉ người trong ngành mới hiểu. Tuy nhiên, vấn đề này liên tục được giới chuyên gia cảnh báo và mổ xẻ.

Thảo luận tại phiên họp Quốc hội ngày 23/5 (kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao tăng trưởng tín dụng mấy năm nay, đầu năm thì thấp cuối năm thì tăng nhanh.

Ì ạch đầu năm

"Năm nay rút kinh nghiệm từ những bài toán thành công của năm trước, cố gắng từ bây giờ chúng ta phải đẩy tín dụng ra không để những ngân hàng tháng 9, tháng 10, tín dụng không đạt, cuối cùng còn 1, 2 tháng, tín dụng lại vọt lên đạt và vượt kế hoạch, đây chính là bài toán tín dụng cần phải xem xét lại", ông Huệ nói.

Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở Thống đốc NHNN trong các kỳ họp Chính phủ thường kỳ những tháng gần đây. "Tôi đã nói Thống đốc nhiều lần là phải rà soát, tạo mọi điều kiện để các DN tiếp cận được vốn. Còn nếu để cuối năm mới đẩy tiền ra rồi lại hút vào thì không còn ý nghĩa nhiều nữa", Thủ tướng nói.

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, tín dụng thường tăng trưởng rất yếu ớt trong các tháng đầu năm, như 2013 thì hết quý I vẫn âm, đến tháng cuối cùng của năm lại bất ngờ tăng vọt và cuối năm vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Cái cách tăng trưởng tín dụng kiểu "phút 90" này được biểu hiện khá rõ trong năm 2013. Chỉ nửa cuối của tháng 12/2013 thôi, tín dụng tăng nhanh tới mức chóng mặt. Nếu tính từ tháng 11/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ ở mức 7,18%, thì mức tăng tín dụng 2 tháng cuối năm đạt khoảng 4% với lượng tiền cung ra thị trường khoảng 68.000 tỷ đồng/tháng. Mức tăng thần tốc, ngoài dự tính của các chuyên gia và ngay cả NHNN.

Năm nay, tăng trưởng tín dụng vẫn được ngành Ngân hàng dự tính sẽ đạt mức tăng trưởng 12 - 14%, tuy vậy, tính đến 22/4, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt 0,62%.

Lý giải cho nguyên nhân này, ngành Ngân hàng thường nêu những khó khăn do tính thời vụ và khó khăn của DN. Khó khăn do tính thời vụ là vì thời điểm đầu năm, DN thường không làm ăn gì vì là dịp Tết Nguyên đán. Quan trọng hơn là khó khăn của DN vẫn chưa được giải quyết, kinh tế vĩ mô vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nên nhu cầu vay vốn vẫn chưa tăng lên.

Thậm chí, trong một cuộc hội thảo mới đây, ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cũng đã phân tích về những nỗ lực của ngành Ngân hàng và điểm nghẽn của "dòng chảy" tín dụng. Ông Hòe đã phân tích khá cụ thể về những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng khó bứt phá. Những phân tích của ông khá sâu sắc và xác đáng.

Tuy nhiên, câu hỏi mà thị trường băn khoăn là tại sao những nguyên nhân này lại diễn ra trong thời gian dài của năm và chỉ tạm lắng trong khoảng 2 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng cuối của năm, thị trường dường như không thấy rào cản nào của tín dụng?

Mổ xẻ nguyên nhân tăng "phút 90"

Câu hỏi này được phát đi nhưng không có câu trả lời xác đáng nào từ chính giới kinh doanh ngân hàng. Chỉ biết, giới ngân hàng thật sự cũng không thích kiểu tăng trưởng cho hoàn thành chỉ tiêu này. Tuy nhiên, thực tế đang không ủng hộ họ và họ buộc phải làm vậy.

Chỉ ngắn gọn vậy thôi cũng chứa nhiều hàm ý rồi. Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, DN lao đao, việc tìm kiếm DN tốt để cho vay đối với các ngân hàng rất vất vả. Vậy nhưng, những khó khăn này chỉ là tạm thời, các ngân hàng không thể vì cái ngắn hạn mà mất đi cơ hội trong tương lai.

Thế nên, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, hoặc vượt lên để lấy "quota" tín dụng cho năm sau là việc cần phải làm. Đấy chính là động lực khiến các ngân hàng mạnh tay giải ngân trong những tháng cuối năm.

Thực tế đó khiến không ít chuyên gia đặt câu hỏi về chất lượng tín dụng của những hợp đồng tín dụng này. Bởi theo giới chuyên gia, lấy bối cảnh năm 2013 làm dẫn dụ, thì kinh tế vĩ mô cũng như sức khỏe DN vẫn không có gì tiến triển so với những tháng đầu năm, tại sao các ngân hàng lại mạnh tay giải ngân vậy; tại sao thời điểm đó, những "điểm nghẽn" của dòng chảy tín dụng lại không phát huy tác dụng như những tháng đầu năm; chất lượng của những hợp đồng tín dụng này là thế nào…

Thắc mắc vậy nhưng đến nay, thị trường vẫn chưa có được lời giải nào thỏa đáng. Nguyên nhân thật sự chỉ có người làm ngân hàng mới biết, nhưng đây vốn là vấn đề "khó nói" của ngành, nên đến nay, những lời giải đáp này vẫn là ẩn số đối với thị trường.

Có lẽ hiểu được vấn đề mang tính quy luật này, mà ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã liên tục nhắc nhở Thống đốc NHNN về vấn đề tăng trưởng tín dụng. Giới chuyên gia và DN cũng rất đồng thuận với "sự sốt ruột" của Thủ tướng.

Theo giới chuyên gia, nếu không sát sao, thì năm nay, kịch bản tăng trưởng tín dụng lại diễn ra như mọi năm. Điều đó sẽ không có lợi cho nền kinh tế và DN.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật