Cảm tạ đôi giày

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đây là thành phố thứ ba anh đến tìm việc làm. Thất bại liên miên, nhưng anh vẫn nuôi hy vọng. Còn cách giờ hẹn gặp mặt một thời gian, anh kéo chiếc valy du lịch dạo bước trên bãi rộng sân ga.
Cảm tạ đôi giày
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Bỗng nhiên, bên lan can bãi rộng có hai người đàn bà đánh giày, một gầy một béo cùng cất tiếng gọi anh:

- Ông chủ, ông chủ, xin mời đánh giày!

- Chàng đẹp trai, chàng đẹp trai, đánh si nào!

Anh cười nghĩ bụng, mình hiện giờ đâu có phải ông chủ, mới chỉ là một sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm việc làm. Mình cũng đâu có đẹp trai, đầu bụi mặt sạm thế này. Nhìn xuống đôi giày đang đi, anh thấy bị người ta giẫm đạp nhọ nhem. Anh đột nhiên quyết định ngồi xuống lau giày. Cuộc gặp mặt sắp diễn ra, đi giày bẩn thế này rất thiếu lịch sự. Vả anh cũng có phần thông cảm với đàn bà con gái đánh giày. Các chị các cô ngồi đây phơi nắng dãi gió kiếm ăn cũng cơ cực lắm.

Anh hỏi: "Đánh một đôi giày bao nhiêu tiền?".

Hai người đàn bà gần như cùng trả lời một lúc: "Hai đồng!".

Anh ngồi xuống chiếc ghế gấp, lần lượt gác hai chân lên ghế, lau giày trước hai người: - Mỗi chị đánh một chiếc được không?

Hai người đàn bà  đánh giày cùng cười.

Chị beo béo nói: "Sao lại thế? Không thì để chị kia lau".

Chị gầy gầy bảo: "Anh ngồi ghế gấp của chị ấy thì để chị ấy lau!".

Anh bảo: "Không được, như thế không công bằng. Nếu hai người không làm theo yêu cầu, tôi không lau nữa".

Hai người đàn bà nhìn nhau cười: "Được!".

Thế là mỗi người lau một bên giày.

Giày đã lau bóng loáng, hình như anh tươi tỉnh ra nhiều, quay đi gửi chiếc valy du lịch vào nơi chứa hàng của nhà ga, sau đó anh sải bước lên xe ca, thông đến điểm hẹn.

Anh đã đến gặp mặt đúng giờ. Qua cửa "chém tướng", cuối cùng anh đã được tuyển dụng.

Buổi chiều anh hớn hở đi đến nhà ga lấy valy du lịch. Anh vốn đã tính đến trường hợp xấu nhất, đem valy du lịch dời khỏi thành phố này. Nhưng bây giờ, anh phải lấy valy du lịch đến ở khu tập thể. Đi qua bãi rộng, anh lại trông thấy hai người đàn bà đánh giày.

Anh nghĩ đến khung cảnh sau khi tuyên bố kết quả được tuyển dụng, ngài chủ quản đơn vị nói chuyện riêng với mình.

Ngài chủ quản nhìn anh nói: "Hôm nay được nhận vào làm việc, anh có biết phải cảm ơn cái gì không?".

Anh đáp: "Xin cảm ơn ngài và thầy giáo gặp mặt".

Ngài chủ quản nói: "Không, phải cảm ơn đôi giày của anh mới phải".

Anh ngẩn người: "Cảm ơn đôi giày ư?".

Ngài chủ quản nói: "Anh không ưu tú hơn so với người gặp mặt trước anh, nhưng chúng tôi đã chọn anh, bởi vì đôi giày của anh bóng loáng hơn người kia. Anh biết tại sao không? Là vì, một con người mà ngay đến quần áo của mình cũng không để ý đến, tất sẽ không chú ý đến chất lượng công việc, thậm chí chất lượng cuộc sống. Tối thiểu, đánh bóng một đôi giày là mình đã tỏ ra tôn trọng  đối với người khác và cũng là một thứ tự tin!".

Vậy là sáng nay anh cho đánh giày là đúng đắn. Anh phải cảm ơn hai người đàn bà kia.

Lại một lần nữa anh ngồi trên chiếc ghế xếp.

Chị beo béo đã nhận ra anh: "Ô, anh sẽ không đòi hai chúng tôi mỗi người lau một chiếc giày chứ?".

Anh cười: "Sáng nay mỗi chị lau cho tôi một bên giày. Bây giờ tôi lại muốn hai chị mỗi người lau một chiếc. Như thế hai chị sẽ lau một đôi giày hoàn chỉnh, được không?".

Chị gầy gầy đáp: "Được ạ".

Nhưng lúc hai người đàn bà sắp bắt đầu lau giày, anh đột nhiên co chân lại.

Chị beo béo nói: "Anh thay đổi ý định rồi sao?".

Anh đáp: "Hai chị hãy đổi chỗ cho nhau".

Chị gầy gầy hỏi: "Tại sao?".

Anh chỉ chị gầy gầy nói: "Tôi nhớ sáng nay chị lau chiếc giày chân trái của tôi. Bây giờ chị vẫn chuẩn bị lau chiếc giày chân trái của tôi. Cho nên coi như các chị vẫn chưa lau một đôi, vẫn chỉ lau một chiếc giày".

Hai người đàn bà cười ha ha. Chị gầy gầy nói: "Anh này dí dỏm thật. Được, chúng tôi sẽ đổi chỗ".

Thế là hai chị đổi chỗ cho nhau. Anh duỗi thẳng hai chân. Đi đôi với hai chiếc giày mỗi lúc một bóng loáng, trái tim anh cũng sáng bừng.

Ngụy Vĩnh Quý

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật