Thanh Hóa: Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa (Trung tâm) rất tích cực triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt trong năm 2014.
Thanh Hóa: Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp
Ảnh minh họa

Từ nguồn kinh phí khuyến công (KC) quốc gia, tỉnh Thanh Hóa thực hiện 1 đề án đào tạo nghề sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp cho 125 lao động với mức kinh phí hỗ trợ là 250 triệu đồng. Nguồn kinh phí KC địa phương hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho một số doanh nghiệp (DN), cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn (CNNT) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho DN. Theo đó, trong năm 2014, sẽ có 19 đề án được triển khai cho 19 cơ sở CNNT trên địa bàn 7 huyện, thị, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng cho mỗi cơ sở…

Vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH thương mại Thái Sơn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đúc cán thép hợp kim chất lượng cao và thép phi tiêu chuẩn, có công suất là 3.500 tấn/năm. Sản phẩm chính của công ty là bi hợp kim các loại, các tấm lót máy nghiền, cửa van, lô nghiền và các chi tiết thay thế khác theo đơn đặt hàng. Mô hình đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần quảng bá công nghệ mới trong lĩnh vực đúc, gia công, nhiệt luyện các sản phẩm thép, hợp kim, các chi tiết, phụ tùng linh kiện nhằm thay thế các sản phẩm nhập khẩu cùng loại đến với các công ty sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch và các nhà máy sản xuất đường, giấy… Năm 2013, doanh thu của công ty đạt 46.928 triệu đồng, dự kiến năm 2014 sẽ đạt 50 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của Thái Sơn là Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Biên Hòa, Hoàng Mai, Tam Điệp; Nhà máy đường Quỳ Hợp, Lam Sơn, Thạch Thành; Nhà máy giấy Nông Cống… Đến nay số lượng công nhân trong công ty hoạt động thường xuyên xấp xỉ đạt 100 người với mức lương bình quân là 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Việc hỗ trợ các cơ sở CNNT ở địa phương đã có bước tiến mới trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm cường độ lao động, giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sử dụng lao động chuyên môn hóa nên đã tạo ra được sản phẩm với giá thành hợp lý, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Không chỉ tập trung cho hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ CNNT, Trung tâm KC và ngành Công Thương Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp như làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về hoạt động khuyến công, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về công tác KC tại các huyện, xã nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và sự nhiệt tình của DN. Khi lựa chọn đơn vị phối hợp triển khai đề án KC phải là đơn vị có tiềm lực và khả năng thúc đẩy đề án có hiệu quả, đồng thời gắn công tác KC với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật