Nhà văn Phan Việt: “Bất hạnh không nghiễm nhiên là tài sản”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Vấp nhiều thì học được nhiều. Trải qua chiến tranh rồi thì trân trọng hòa bình hơn. Nhưng bất hạnh không nghiễm nhiên là tài sản.
Nhà văn Phan Việt: “Bất hạnh không nghiễm nhiên là tài sản”
Nhà văn Phan Việt

Muốn nó thành tài sản thì mình phải chuyển hóa…” - một câu chuyện thú vị với tác giả bộ sách “Bất hạnh là một tài sản”, nhân dịp chị về nước và ra mắt sách.

Không di chuyển chỉ vì thừa năng lượng

Giữa hai tập sách (“Một mình ở Châu Âu” - “Xuyên Mỹ”), đã có khá nhiều thay đổi, dễ chịu hay không dễ chịu, với người phụ nữ VN trẻ đã 14 năm nay sống trên đất Mỹ: Những di chuyển từ bờ Đông qua bờ Tây, chia tay chồng, lấy bằng tiến sĩ và không ngừng viết sách. Một cuốn sách “phá vỡ sự im lặng”, bởi: “Không phụ nữ nào muốn kể lại những đổ vỡ của mình. Phụ nữ VN lại càng không. Chính sự im lặng này mà mỗi chúng ta một mình trải qua những đau khổ và sợ hãi không đáng có…”

Không ít tên sách của chị là chứa tên địa danh, hẳn là cố ý? Việc có - mặt - ở - một - nơi - nào - đó thường tác động thế nào đến cuộc sống của chị?

- Đặt tên sách chắc cũng giống đặt tên con, mình biết tên này hợp, tên kia không, nên bảo vô tình cũng được mà cố ý cũng được. Tôi nghĩ việc có mặt ở đâu có tác dụng là tạo ra cái va chạm riêng của nơi đó với mình, nó đánh thức, khuấy đảo, quấ‌ּy rố‌ּi những điều bên trong mình mà có thể nơi khác không chạm được tới.

Nước Mỹ, chẳng hạn, với một người phụ nữ như chị?

- Sống đến giờ ở Mỹ là 14 năm, thực sự là tôi gần như đã mất ý niệm về nước Mỹ. Tức là mình không có ý niệm về một nước Mỹ như một cái gì đó thống nhất. Thực sự là mỗi bang ở Mỹ có một văn hóa riêng. Khi tôi nghĩ về Chicago, tôi hay lập tức nhớ đến về cái tĩnh mịch trong những hiệu sách dưới tầng hầm ở Hyde Park, hoặc về cái bồn chồn khi chờ xe buýt vào mùa đông, hoặc cảm giác nhẫn nại khi ngồi tàu điện ngầm. Bản chất nó là nhớ về chính mình khi sống ở đó.

Trong những di chuyển khá là độc lập và quyết liệt của chị, đã bao giờ là do tình trạng thừa năng lượng? Đã bao giờ là khởi đầu của những vết rạn?

- Tôi không nghĩ những di chuyển của tôi độc lập và quyết liệt đến thế đâu. Nó cũng chỉ là tuân theo sự hợp lý của thời điểm đó và thực ra nhiều di chuyển có tính bị động. Nhưng có điều tôi chắc chắn là chúng không do thừa năng lượng. Trong mọi trường hợp, hầu như mình đều làm vì muốn hướng tới cái tốt hơn, để cố cứu vãn rạn nứt (nếu có) của lúc đó, chứ không phải để gây ra rạn nứt. Còn tất nhiên là vào mỗi thời điểm, mình luôn có sự ngu ngốc, hạn chế của thời điểm đó, nên có thể mình có ý tốt mà kết quả lại ngược lại.

Đã là lúc “làm bạn được với mình” “Bất hạnh là một tài sản”, nhưng “Đời người thực sự quá ngắn để tiêu phí trong bất hạnh”? Có mâu thuẫn không nhỉ?

- Không mâu thuẫn. Tôi nghĩ là trong cuộc sống, chúng ta đều cố gắng không có phiền não, bất hạnh; chúng ta đều muốn có vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng những phiền não, nếu mình nhìn vào thì nó chỉ là các cảm giác, về chất thì nó cũng y như là hạnh phúc. Chính cái sợ sự phiền não, sợ bất hạnh mới là cái gây ra rắc rối. Mình bớt phân biệt đối xử với các bất hạnh và phiền não thì nó sẽ bớt quấ‌ּy rố‌ּi mình hơn.

Rộng ra, trong “lưng vốn” của một dân tộc, chị có nghĩ “bất hạnh (cũng) là một tài sản”?

- Có chứ! Vấp nhiều thì học được nhiều. Trải qua chiến tranh rồi thì trân trọng hòa bình hơn. Cứ nói đơn giản thì là như thế. Nhưng bất hạnh không nghiễm nhiên là tài sản. Không có cái gì nghiễm nhiên là tài sản cả, chúng chỉ là chúng mà thôi - là các việc xảy ra với ta, có việc khó, việc dễ. Muốn nó thành tài sản thì mình phải chuyển hóa.

Trong “Xuyên Mỹ”, chị viết: “Tôi muốn Sơn hạnh phúc - với ai cũng được, nhưng phải hạnh phúc. Tôi cũng muốn tôi hạnh phúc - một mình cũng được, nhưng phải hạnh phúc. Nhưng phải kết thúc như thế nào”. Kết thúc, với phụ nữ, biết đâu không khó khăn bằng chịu đựng được ý nghĩ: “Với ai cũng được”, “một mình cũng được”? Chị không thấy thế sao?

- Có thể. Nhưng tôi nghĩ là luôn có cơ hội thứ hai cho những người ý thức được mình muốn gì, nếu cái muốn đó là một mong muốn chân thành, có ý thức, có lòng tốt trong đó. Mình chỉ cần phải trung thực về điều mình muốn và phải kiểm tra rốt ráo động cơ của mình cũng như cảnh giác với những đánh lừa của đầu óc. Nếu mình trung thực kiểm tra động cơ và thấy nó tốt thì tôi nghĩ người ta sẽ có thể làm những việc khó và thanh thản với kết quả của nó, bất kể kết quả là thế nào.

“Một mình cũng được”, lúc này chị còn nghĩ vậy không?

- Lúc này đời sống của tôi tương đối nhẹ nhàng, ít biến động. Cơ bản nhất là tôi thấy mình chấp nhận được mình như là thế này, mình làm bạn được với mình, bớt đôn đáo, loay hoay hỏi mình là ai, người khác nhìn mình thế nào.

“ly hôn là câu chuyện có nhân vật nhưng không có anh hùng”. Nếu như được làm lại, chị có cố gắng làm một “anh hùng” không: Cư xử gượng nhẹ, nhận hết ngổn ngang về mình và chép miệng: “Lâu dần đời mình cũng qua”?

- Ai cũng có việc phải làm của người đó, phải sống là người đó, không thể làm ai khác được. Tôi như là tôi những năm về trước thì không có cách nào khác là trải qua những thứ tôi đã trải qua. Nếu có làm lại, mà vẫn là tôi, mọi thứ vẫn thế, thì kết cục cũng sẽ vẫn thế thôi. Ai cũng chỉ muốn là chính mình, trong hôn nhân và trong cuộc sống nói chung, hơn là muốn được làm một người phụ nữ phi thường trong hôn nhân.

“Không phụ nữ nào muốn kể lại những đổ vỡ của mình”. Nhưng cuối cùng chị đã chọn cách kể ra, bằng một cuốn sách không phải viết cho mình. Đó phải chăng cũng chính là cách biến “bất hạnh riêng” thành một “tài sản chung”?

- Vâng, đúng là như vậy!

Cuối cùng, sau mọi chuyện, sướng khổ buồn vui, chị có thấy tất thảy đều là “phù phiếm truyện”?

- Có và không. Có, ở chỗ: Mình thấy các sướng khổ buồn vui, dù kinh khủng hay vĩ đại đến đâu, rồi cũng qua hết và chúng cũng chỉ là thế mà thôi, luôn luôn biến đổi, chẳng có gì trường tồn bất biến cả. Nhưng nó không, ở chỗ: Chừng nào mình còn chưa nhìn thấy sự thật rốt ráo thì trong mỗi khoảnh khắc, mình nên trung thực mà thừa nhận những điều mình cảm thấy, cũng như người khác có thể cảm thấy. Để từ đó, nỗ lực giảm thiểu các phiền não cho mình và người khác, và tăng cái hạnh phúc lên. Nên thế!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật