Phá đường dây người Đài Loan mạo danh công an chiếm đoạt hàng tỉ đồng qua ATM

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bằng thủ đoạn mạo danh là công an, cán bộ viện kiểm sát… rồi gọi điện thoại đến những chủ thẻ ATM có nhiều tiền, bọn tội phạm yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào những thẻ ATM do chúng mua được để “điều tra phá án”, sau đó chiếm đoạt số tiền hàng tỉ đồng. Theo cảnh sát Đài Loan, đây là thủ đoạn mà bọn tội phạm tại vùng lãnh thổ này dùng đã lâu, sau đó sang Việt Nam kết hợp cùng nhiều đối tượng trong nước thực hiện.
Phá đường dây người Đài Loan mạo danh công an chiếm đoạt hàng tỉ đồng qua ATM
Đối tượng Chien Chiu-Fu tại cơ quan công an.

Chiêu lừa “cũ rích” nhưng vẫn dọa được những người “yếu tim”

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TPHCM, cơ quan này cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Chien Chiu - Fu (SN 1965, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Huỳnh Thị Trinh (SN 1979, quê tỉnh Đồng Tháp), Nguyễn Đức Tài (SN 1992, quê tỉnh Đồng Tháp), Phạm Văn Đông, Lê Trần Lộc, Mai Thế Vinh cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bằng thủ đoạn cho các “chân rết” đi mua thẻ ATM đang còn sử dụng, băng nhóm tội phạm người Đài Loan bắt đầu thực hiện các cuộc điện thoại đến các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngày 21.3, một đối tượng là nữ gọi điện tới số điện thoại bàn của bà N.T.S (SN 1959, Việt kiều, trú tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM). Với danh nghĩa là cán bộ điều tra một v‌ú án m‌a tú‌y, đối tượng này dọa rằng bà S đang nợ số tiền 39,8 triệu đồng trong tài khoản được mở tại Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội và số tiền này có liên quan đến một đối tượng buôn bán m‌a tú‌y.

Do là Việt kiều, chưa hiểu Pháp Luật Việt Nam, nên bà S hoảng hồn cung cấp số điện thoại di động của mình cho “cán bộ” này để phối hợp “phá án”. Có được số điện thoại di động nạn nhân trong tay, chúng cho các đối tượng khác liên tục gọi điện đến với các chức danh tự xưng như là Nguyễn Minh Cần - cán bộ Bộ Tài chính, Nguyễn Văn Thành - cán bộ điều tra Bộ Công an, Thu Thảo - cán bộ viện KSND TP.Hà Nội.

Nội dung các cuộc điện thoại này không có gì khác là yêu cầu bà S phải chuyển lần lượt 120 triệu đồng và 200 triệu đồng vào tài khoản số 070040674861 mang tên N.M.C, tài khoản số 070032751041 mang tên Huỳnh Thị Trinh và tài khoản số 070040732401 mang tên N.N.G để giám định số tiền này có liên quan đến tội phạm hay không. Để nạn nhân yên tâm khi chuyển tiền, chúng hứa là “cơ quan điều tra” sẽ trả lại sau khi xác minh tính hợp pháp của số tiền này.

Răm rắp làm theo, bà S đinh ninh rằng cơ quan điều tra sẽ hoàn lại cho mình, nhưng đợi mãi mà vẫn không thấy động tĩnh nào từ phía mấy “cán bộ điều tra” này. Biết mình ăn phải cú lừa ngoạn mục của bọn tội phạm, bà S làm đơn trình báo lên cơ quan công an. Không chỉ riêng trường hợp của bà S, qua điều tra cũng như đơn tố cáo được gửi đến, cơ quan công an xác định có đến 3 người nữa cũng là nạn nhân của băng nhóm này. Tổng cộng số tiền mà 4 bị hại chuyển vào tài khoản do chúng chỉ định bằng các thẻ ATM mua được lên đến 1,05 tỉ đồng. Trong số này, chúng đã cho rút trót lọt 850 triệu đồng, còn lại 200 triệu đồng trong nằm trong các tài khoản khác nhau được cơ quan công an kịp thời phong tỏa.

Về đối tượng Chien Chiu – Fu, trong thời gian sống tại Đài Loan, y được các đối tượng tội phạm lôi kéo vào đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người Việt Nam. Do không có nghề nghiệp ổn định, lại tham khoản tiền công tương đương 15 triệu đồng/tháng và 3% số tiền lừa được, Fu đồng ý tham gia. Đến ngày 26.3, theo sự phân công của các “ông trùm”, Fu nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam rồi bắt liên lạc với hai đối tượng (cũng người Đài Loan, không rõ lai lịch) đang “nằm vùng” tại đây là Đắc Ý và A Hồng. Biết là người của nhóm, Đắc Ý yêu cầu Fu đi tìm mua tài khoản thẻ ghi nợ của các ngân hàng do người Việt Nam đứng tên rồi thông báo thông tin về các tài khoản đó cho A Hồng biết. Những tài khoản này sẽ được chúng dùng để nhận, rút tiền có được từ hoạt động lừa đảo như đã nêu trên.

Theo lệnh, Fu tìm gặp chị V.T.H là người quen mới được giới thiệu nhờ làm hộ cho mình một tài khoản thẻ ghi nợ của Ngân hàng ACB bằng tên của chị H để y nhận tiền của bạn, người thân từ Đài Loan chuyển sang. Không mảy may nghi ngờ, chị H nhận lời rồi đến Ngân hàng này làm thẻ có số tài khoản là 177449609 và giao cho Fu. Đến ngày 7.5, A Hồng và những đối tượng khác gọi điện thoại, tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu bà T.T.T.S (42 tuổi, ngụ phường Trung Mỹ Tây quận 12) chuyển 78 triệu đồng vào tài khoản đứng tên chị H. Đồng thời, một người bị hại khác cũng bị chúng dọa, yêu cầu chuyển gấp số tiền 10 triệu đồng vào tài khoản này. Sau khi nhận thông báo tự động là có tiền được chuyển vào, Fu đi rút tiền theo lệnh của A Hồng thì bị cơ quan công an mời về làm việc rồi bắt giữ.

Vì hám lợi mà vướng vòng lao lý

Về số thẻ ATM mà băng nhóm này dùng để nhận, rút tiền do bị hại chuyển vào, sau khi bị bắt, các đối tượng khai là do vì hám lợi mà tiếp tay cho bọn tội phạm nước ngoài. Đầu tháng 2.2014, một bị can khác trong vụ án là Hồ Nhật Khánh nói cho Lê Trần Lộc biết là đang có nhu cầu mua thẻ ATM của Ngân hàng Sacombank để bán lại cho các đối tượng người Đài Loan dùng để nhận, rút tiền lừa đảo. Dù biết đây là hành vi phạm pháp nhưng Lộc vẫn cung cấp cho Khánh 22 thẻ của Sacombank (trong số này có 4 thẻ bị hỏng).

Theo lời khai của Lộc, số thẻ này y mua lại từ nhiều người, trong đó có Phạm Văn Đông và Nguyễn Đức Tài. Tài khai, vào tháng 3.2014, biết Huỳnh Thị Trinh có thẻ ATM Ngân hàng Sacombank nên Tài hỏi mua với giá 200 nghìn đồng, sau đó bán lại cho Lộc giá 500.000 đồng. Đáng nói là khi mua thẻ từ Trinh, Tài có nói là mua để bán lại cho người khác dùng để lừa đảo người Việt Nam nhưng Trinh vẫn bán. Khoảng 10 ngày sau, Trinh đến ngân hàng liên hệ mở thẻ mới. Khi được cấp thẻ mới, Trinh đến trụ ATM để kích hoạt, đổi mật khẩu thẻ thì phát hiện trong thẻ có 100 triệu đồng.

Biết đây là số tiền do nhóm tội phạm lừa đảo yêu cầu người bị hại chuyển vào, Trinh báo cho Tài. Thay vì yêu cầu Trinh giữ lại, báo cho ngân hàng để làm rõ thì Tài lại cùng với Trinh đến các trụ ATM rút tổng cộng 99,5 triệu đồng. Xong việc, Trinh “lại quả” cho Tài 10 triệu đồng.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, việc các đối tượng người Việt tiếp tay cho bọn tội phạm nước ngoài thực hiện hành vi phạm pháp trong vụ án này là rất rõ ràng và cần nghiêm trị. Các bị can Lê Trần Lộc, Nguyễn Đức Tài, Phạm Văn Đông dù biết những thẻ ATM mình cung cấp sẽ được băng nhóm tội phạm lừa đảo sử dụng nhưng vì khoản tiền lời từ việc mua bán thẻ nên đã tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Thậm chí khi Ngân hàng Sacombank nhắn tin vào số điện thoại của Đông báo có 100 triệu đồng do bà N.T.S chuyển vào (trong đó các đối tượng lừa đảo sử dụng thẻ ATM rút 20 triệu đồng, còn 100 triệu chưa rút được), dù biết rõ đây là tiền do phạm tội mà có nhưng lại không trình báo sự việc cho công an. Mai Thế Vinh cũng vậy, dù biết người mua thẻ ATM có thể sử dụng vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giống như thông tin trên báo chí và truyền hình về hoạt động lừa đảo qua tài khoản do nhóm tội phạm người Đài Loan và người Việt Nam thực hiện, nhưng vì lòng tham, Vinh vẫn nhờ anh N.H.N làm giùm thẻ ATM có số tài khoản 060081595634 rồi mang đem bán, thu lợi 1 triệu đồng.

Không những thế, Vinh còn bán 3 thẻ ATM đứng tên 3 người khác để thu lợi thêm nhiều triệu đồng. Về số tài khoản của N mà Vinh bán, bọn tội phạm đã dùng để các bị hại chuyển vào hơn 546 triệu đồng tiền lừa đảo, trong đó chúng đã rút ra được 225.900.000 đồng. Khi Vinh đưa anh N đến ngân hàng rút số tiền còn lại theo yêu cầu của đối tượng mua thẻ thì bị Công an quận 11 phát hiện, mời về làm việc. Sau đó, Công an quận 11 chuyển giao vụ việc cho Phòng PC46 - Công an TPHCM thụ lý. Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố và thực hiện lệnh tạm giam bị can đối với Vinh.

Đối tượng Nguyễn Đức Tài đang được các ĐTV lấy lời khai tại PC46 – Công an TPHCM.

Chiều 12.5, tại trụ sở Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM, ông Lâm Nhạc Hiền - đại diện Tổng Cục Cảnh sát Đài Loan (Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM) đã trao đổi một số vấn đề xung quanh những đường dây, băng nhóm do người Đài Loan - Trung Quốc tổ chức giả danh công an lừa tiền người Việt Nam. Theo ông Hiền, cảnh sát Đài Loan đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo tương tự. Trong những đối tượng bị phía cảnh sát Đài Loan bắt được, có một số đối tượng là người Việt Nam (trong đó có công dân Việt Nam lấy chồng Đài Loan, hoặc những lao động xuất khẩu sang Đài Loan nhưng bỏ trốn ra ngoài làm việc). Những tư liệu liên quan, cảnh sát Đài Loan đang điều tra và sẽ cung cấp cho Công an Việt Nam. Những băng nhóm lừa đảo bằng phương thức, thủ đoạn này trước đây đã từng lừa người Đài Loan trong một thời gian dài (7-8 năm), sau đó lừa người Trung Quốc. Đến khoảng tháng 7.2013, chúng chuyển sang lừa người Việt Nam.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật