Kiểm soát thu nhập bất hợp lý trong doanh nghiệp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đưa ra kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước cơ chế kiểm soát chính sách tiền lương, tiền thưởng bất hợp lý trong doanh nghiệp.
Kiểm soát thu nhập bất hợp lý trong doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực sự có hiệu quả (vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế, cổ tức tiền mặt… liên tục tăng), thu nhập bình quân lao động đạt khoảng từ 7 triệu đồng đến 11 triệu đồng/người/tháng được coi là phù hợp trong bối cảnh thực tiễn nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì lại có một bộ phận doanh nghiệp mặc dù kinh doanh kém hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, thậm chí thua lỗ kéo dài nhưng thu nhập bình quân lại rất cao.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, những năm gần đây có nhiều ngân hàng đầu tư dàn trải, dễ dãi trong cấp tín dụng dẫn đến nợ xấu tăng rất cao, hiệu quả sử dụng vốn thấp. VAFI khẳng định, nếu hạch toán đúng về tỷ lệ nợ xấu thì số ngân hàng thực lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, lĩnh vực này có mức thu nhập bình quân lao động chỉ đứng sau dầu khí, viễn thông và cao hơn nhiều so với mức thu nhập của các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Trong khi đó, vốn cổ phần vẫn bị thất thoát, không có cổ tức tiền mặt hoặc cổ đông chỉ nhận được cổ tức cổ phiếu bằng giấy (một số ngân hàng không có lợi nhuận nếu hạch toán đúng, để làm vừa lòng cổ đông họ đã tạo lợi nhuận giả làm cơ sở trả cổ tức bằng cổ phiếu).

Điều đáng nói là trong những ngân hàng yếu kém, gây thất thoát vốn, các nhà quản lý ít bị thay đổi, các chức danh chủ chốt vẫn có mức thu nhập cao trong khi đáng lẽ cần phải cắt giảm thu nhập của tầng lớp này để góp phần xử lý nợ xấu.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng, việc trả lương cao bất hợp lý còn có thể thấy ở các doanh nghiệp nhà nước độc quyền hoặc có vị thế độc quyền, có vốn điều lệ lớn và ở những doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần đa số. Nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí, viễn thông, xổ số… có mức thu nhập rất cao trong khi trình độ người lao động bình thường so với xã hội.

Trong lĩnh vực hàng hải, công ty mẹ Vinaline thua lỗ, phá sản, nợ xấu ngân hàng lên đến ngàn tỷ đồng không trả được, nhưng vẫn có các đơn vị thành viên đua nhau trả thu nhập cao cho người lao động, có đơn vị có mức lương bình quân lên đến 16 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, những doanh nghiệp này năng suất lao động không cao, tỷ suất lợi nhuận chỉ vào khoảng 5%/năm so với vốn điều lệ. Điều này đã làm mất đi nguồn cổ tức của nhà nước vào khoảng 10%/năm của công ty mẹ lẽ ra là phải dành trả cho ngân hàng.

Nguyên nhân thực trạng nêu trên là do các quy định hiện hành đã trao cho hội đồng quản trị doanh nghiệp quá nhiều quyền quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng. Những chính sách đó được thực thi mà không thuyết trình và được chấp thuận của đại hội cổ đông. Vì vậy, VAFI cho rằng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần bổ sung thêm qui định về kiểm soát tiền lương, tiền thưởng trong điều lệ mẫu áp dụng bắt buộc cho các công ty cổ phần đại chúng.

Theo đó, hội đồng quản trị phải lập phương án chi trả tiền lương trong từng năm, phải thuyết trình chi tiết tại đại hội cổ đông và phải được đại hội cổ đông góp ý và phê chuẩn mới có giá trị pháp lý thực hiện. Có chế độ tiền lương, tiền thưởng cho từng nhóm đối tượng trong doanh nghiệp; đưa ra tiêu chí thu nhập bình quân của lao động trong năm; công bố công khai chi tiết các khoản tiền lương, tiền thưởng của từng thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát; công bố tổng quỹ lương, quỹ tiền thưởng… để đại hội cổ đông phê duyệt.

Hội đồng quản trị trong từng doanh nghiệp cần nêu rõ trong năm đã làm lợi cho cổ đông như thế nào; phải đánh giá được hiệu quả việc sử dụng vốn, hiệu quả của việc triển khai các dự án đầu tư. Nếu hiệu quả kém thì phải cắt giảm mạnh tiền lương, tiền thưởng của ban điều hành và hội đồng quản trị, tình trạng kém hiệu quả kéo dài phải có phương án xa thải hay hạ chức cán bộ quản lý…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật